HOTLINE: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@GMAIL.COM

Liên hệ | Hotline: 0290 3540458 – Email: ipeccamau@gmail.com
Search
Close this search box.
  • Tin tức thương mại
  • >
  • Phát triển bền vững nghề cua, nâng tầm đặc sản Cà Mau cả trong và ngoài nước

Phát triển bền vững nghề cua, nâng tầm đặc sản Cà Mau cả trong và ngoài nước

Theo Đề án phát triển bền vững nghề cua đến năm 2030 (Đề án), Cà Mau đảm bảo ổn định diện tích nuôi cua khoảng 265.000 ha, phấn đấu xuất khẩu 30 – 35% sản lượng cua nuôi trong tỉnh; hình thành, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cua đạt 30%…

Đề án phát triển bền vững nghề cua Cà Mau đến năm 2030 (Đề án) đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký Quyết định phê duyệt.

Phấn đấu đến năm 2025, sản lượng cua đạt khoảng 25.800 tấn

Theo Đề án, từ nay đến năm 2030, Cà Mau sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương; ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị và phát triển bền vững nghề cua. Tỉnh tổ chức sản xuất các loại hình nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với từng vùng sinh thái; hợp tác liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, thành phần kinh tế khác nhau để đầu tư, phát triển sản phẩm, trong đó xác định doanh nghiệp nắm vai trò chủ đạo để kết nối các vùng sản xuất.

Nghề cua được xác định phát triển thành ngành sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tổ chức sản xuất hợp lý, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; đáp ứng nhu cầu thị trường; góp phần tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Phát triển
Phát triển sản xuất và tiêu thụ cua Cà Mau theo hướng bền vững và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tỉnh tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc định hướng, xây dựng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Duy trì, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hình thành vùng nuôi tập trung, quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị, chất lượng, số lượng sản phẩm cung ứng cho thị trường, định hướng phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ, sinh thái.

Cũng theo Đề án, Cà Mau phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi cua đạt khoảng 258.000 ha, năng suất bình quân đạt 0,10 tấn/ha/năm, sản lượng đạt khoảng 25.800 tấn. Năng lực sản xuất cua giống đạt khoảng 1,25 tỷ con/năm, đáp ứng 100% nhu cầu thả nuôi (khoảng 0,516 tỷ con/năm). Phấn đấu xuất khẩu 20 – 25% sản lượng cua nuôi trong tỉnh. Hình thành, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cua đạt 10%.

Định hướng đến năm 2030, diện tích nuôi cua giữ ổn định khoảng 265.000 ha, năng suất bình quân đạt 0,11 tấn/ha/năm, sản lượng đạt khoảng 29.150 tấn. Năng lực sản xuất cua giống đạt khoảng 1,4 tỷ con/năm, đáp ứng 100% nhu cầu thả nuôi (khoảng 0,53 tỷ con/năm). Phấn đấu xuất khẩu 30 – 35% sản lượng cua nuôi trong tỉnh. Hình thành, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cua đạt 30%.

Nghề nuôi cua đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho bà con nông dân tỉnh Cà Mau.

Tổng kinh phí thực hiện Phê duyệt Đề án phát triển bền vững nghề cua Cà Mau đến năm 2030 là 219,7 tỷ đồng (ngân sách địa phương 111,2 tỷ đồng, nguồn vốn ngoài ngân sách 108,5 tỷ đồng), trong đó kinh phí phân khai theo từng giai đoạn cụ thể: Giai đoạn 2023 – 2025 là 75,5 tỷ đồng (ngân sách địa phương 38,5 tỷ đồng, nguồn vốn ngoài ngân sách 37 tỷ đồng); giai đoạn 2026 – 2030 là 144,2 tỷ đồng (ngân sách địa phương 72,7 tỷ đồng, nguồn vốn ngoài ngân sách 71,5 tỷ đồng).

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện Đề án; theo dõi, kiểm tra, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện Đề án, định kỳ hàng năm, 5 năm, kết thúc Đề án, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về UBND tỉnh và các Bộ, ngành có liên quan; tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết; đề xuất điều chỉnh các danh mục thực hiện Đề án và giải pháp phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện Đề án”, lãnh đạo tỉnh Cà Mau nêu rõ.

Đề án được kỳ vọng phát triển bền vững nghề cua, mở ra một hướng đi mới trong đa dạng hóa loài nuôi thủy sản, tăng sản lượng trên cùng một diện tích, hạn chế chi phí sản xuất, tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống của người dân, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương ổn định. Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, Cà Mau phấn đấu đưa nghề cua thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và phát triển bền vững.

Ngày 23/12 – 31/12/2022, tỉnh Cà Mau tổ chức khai mạc “Ngày hội Cua Cà Mau – lần thứ I năm 2022 với chủ đề “Cua Cà Mau – Điểm hẹn văn hóa ẩm thực”.

Ngày hội Cua được tổ chức nhằm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu cua Cà Mau và các loại đặc sản của địa phương đến du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, ẩm thực, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm, liên kết hợp tác.

Ngày hội Cua thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch trong và ngoài tỉnh tham quan và thưởng thức ẩm thực.

Cua Cà Mau đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể Cua Năm Căn – Cà Mau và Chỉ dẫn địa lý của “Cà Mau”. Đây được xem là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Cà Mau tăng cường triển khai các biện pháp quản lý, kiểm soát các mặt hàng cua. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá thương hiệu sản phẩm, khẳng định thương hiệu cua Cà Mau với thị trường trong và ngoài nước.

Xem thêm: Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau tham gia hội chợ triển lãm thủy sản lớn nhất thế giới

Trọng Nghĩa baophapluat.vn thực hiện

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC