HOTLINE: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@GMAIL.COM

Liên hệ | Hotline: 0290 3540458 – Email: ipeccamau@gmail.com
Search
Close this search box.

Tạo thương hiệu từ sự kiện “Hương rừng U Minh”

Hấp dẫn, ấn tượng, các hoạt động trong khuôn khổ chương trình sự kiện “Hương rừng U Minh” hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm đặc sắc, thú vị. Thông qua sự kiện, huyện U Minh đã tập trung đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch, xúc tiến quảng bá, xây dựng hình ảnh phong phú, đa dạng về tiềm năng, từ đó tạo nên đòn bẩy lớn cho phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế cả ngắn hạn và dài hạn.

Ðánh thức tiềm năng điểm đến

Huyện U Minh hiện có 1 Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm, trực thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, trên địa bàn xã Khánh Thuận, tổng diện tích 110 ha. Tại đây, có 2 vườn sưu tập với rất nhiều loài động vật phục vụ khách tham quan như: cá sấu, đà điểu, khỉ mặt đỏ, chồn gấu, chim sen…, hơn 50 con khỉ tự nhiên và nhiều loài động, thực vật khác. Hàng năm, khu du lịch này thu hút trên 10.000 lượt khách đến tham quan.

Ngoài ra, huyện còn một số điểm du lịch sinh thái vườn (vườn dâu Cái Tàu) nằm trên địa bàn các ấp: 2, 3, 4, 5, 10 và 15 (xã Nguyễn Phích)… do các chủ vườn quản lý và làm du lịch, tổng số 14 hộ dân với diện tích 13 ha.

Với hơn 80 gốc dâu xanh trĩu quả, vườn dâu nhà ông Trần Thanh Liêm ở Ấp 10, xã Nguyễn Phích, sẽ mở cửa đón khách từ ngày 29/4 đến hết mùa dâu. Ảnh: BĂNG THANH

Ðặc biệt, có Khu Du lịch sinh thái Hương Tràm (hơn 27 ha) trên địa bàn xã Khánh An. Ðây là khu du lịch sinh thái cộng đồng, vườn cây ăn trái, trò chơi dân gian thu hút nhiều lượt khách thời gian gần đây.

Trên địa bàn huyện còn có một số vườn cây ăn trái: vườn dâu ông Phạm Văn Khởi, Ấp 15, xã Nguyễn Phích (2 ha); vườn cây ăn trái tổng hợp Giaba.com, Ấp 10, xã Nguyễn Phích (7 ha); vườn nhãn ông Mười Sử, Ấp 2, xã Nguyễn Phích (2 ha). Cùng một số vườn dâu Ấp 2, Ấp 3; vườn sầu riêng, chôm chôm ở Ấp 10, xã Nguyễn Phích. Một số vườn cam, quýt ở xã Khánh Thuận, trong đó có vườn cam VietGAP của ông Ba Tình ở Ấp 18 (7 ha).

Trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin huyện U Minh Lê Hữu Lợi cho biết, trước đây lượng khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn huyện từ 15.000-20.000 khách/năm; có những năm cao hơn do dâu Cái Tàu trúng mùa. Theo đó, khách du lịch của huyện chủ yếu là khách trong tỉnh và ở một số tỉnh lân cận, số lượng khách tham quan các khu, điểm chủ yếu vào các ngày lễ, Tết… Cụ thể, trong năm 2020 hơn 34.500 lượt; doanh thu hơn 1,3 tỷ đồng. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 vừa qua đón hơn 1.200 lượt khách, doanh thu hơn 62 triệu đồng.

Theo ông Lê Hữu Lợi, sự kiện “Hương rừng U Minh” nằm trong chuỗi sự kiện “Cà Mau – Ðiểm đến năm 2021”, nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của huyện thông qua các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, ẩm thực và thương mại… Ngay khi các sự kiện được tổ chức sẽ đánh thức tiềm năng du lịch điểm đến, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế du lịch của huyện, bởi đây là cơ hội để lượng khách du lịch đến với U Minh tăng gấp nhiều lần so với hiện tại; nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng đến đón nhiều khách du lịch, nhất là người nước ngoài.

Là điểm được chọn phục vụ sự kiện “Hương rừng U Minh”, điểm du lịch cộng đồng Khang Huy (xã Nguyễn Phích) đã sẵn sàng đón khách. Ảnh: NGỌC TUYỀN

Tôn lên vẻ đẹp, sự khác biệt

Nhắc đến U Minh, du khách sẽ nghĩ ngay đến những cánh rừng bạt ngàn xanh ngát nở hoa trắng li ti đưa hương bay ngào ngạt, cùng vô số những sản vật tự nhiên. Ðặc biệt, đến với U Minh, nhất định phải tham quan các vườn cây trĩu trái và trải nghiệm các hoạt động làm nông dân thứ thiệt.

Bởi thế, nhằm tôn lên vẻ đẹp, sự khác biệt của điểm đến, trong chuỗi hoạt động sự kiện “Hương rừng U Minh” sẽ trưng bày hình ảnh về sản phẩm đặc trưng của U Minh: vườn dâu Cái Tàu, thu hoạch cá đồng, ăn ong, làm mắm; bên cạnh đó là trưng bày sản phẩm ẩm thực đặc trưng của U Minh: mật ong rừng U Minh, khô cá đồng, khô cá biển, gạo sạch, sản phẩm đan đát, các sản phẩm OCOP… Còn có hội thi ẩm thực với chủ đề “Mắm”, món chính sẽ là “Lẩu mắm U Minh”; các hoạt động vui chơi, giải trí với chủ đề “Trò chơi dân gian sông nước U Minh”: cầu trượt, chạy xe qua cầu ván, đua xuồng, trải nghiệm theo chân thợ gác kèo ong vào rừng lấy mật… Ngoài ra còn có hoạt động tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ với trải nghiệm thể thao chạy xe đạp 15 km, đi bộ thể thao 5 km xuyên rừng và trình diễn chụp đìa thu hoạch cá đồng, dùng nơm bắt cá dưới kênh, mương.

Ðặc biệt, tại chương trình khai mạc sự kiện sẽ công bố quyết định của Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam “Về xác lập 100 món ăn đặc sắc Việt Nam và 100 đặc sản quà tặng Việt Nam năm 2020-2021 trong hành trình tìm kiếm, quảng bá các giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam” đối với món ăn Lẩu mắm U Minh và quà tặng Mật ong rừng U Minh.

Xã Nguyễn Phích là 1 trong 3 địa bàn được chọn là điểm đến của sự kiện “Hương rừng U Minh”. Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích Trần Quốc Sự cho biết, Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch đang xây dựng Ðề án Làng Văn hoá – Du lịch ở xã Nguyễn Phích, do vậy, thông qua sự kiện du lịch quan trọng này, ông Sự mong rằng không chỉ khẳng định được thương hiệu vườn dâu Cái Tàu, mà còn giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương Nguyễn Phích mộc mạc, hào sảng đến với du khách gần xa.

“Mỗi địa phương, điểm đến sẽ có sự khác biệt nhau, không chỉ phát huy thế mạnh tại sự kiện mà phải hướng đến lâu dài, Nguyễn Phích sẽ nỗ lực hơn nữa để định hình và tạo thương hiệu du lịch riêng biệt”, ông Trần Quốc Sự khẳng định.

Dự kiến kế hoạch phát triển du lịch bền vững trên địa bàn xã sẽ là kết nối tour, tuyến tham quan vườn trái cây, trong đó có vườn dâu Cái Tàu; trải nghiệm tại Hợp tác xã 19/5 để tham quan các mô hình dưới tán rừng: gác kèo ong, đặt lờ, lọp, giăng lưới…, sau đó vòng về Rạch Chệch – khu vực bà con đan đát truyền thống để du khách tham quan, mua sắm và tìm hiểu về làng nghề.

“Nhiệm kỳ 2020-2025, huyện U Minh đưa lĩnh vực du lịch là 1 trong 3 nội dung đột phá của huyện là “Phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, điều kiện tự nhiên của huyện gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông thôn (OCOP)”. Do vậy,  thông qua các sự kiện, huyện tập trung chiến lược để thúc đẩy phát triển du lịch, nhằm tận dụng tốt các lợi thế sẵn có, đẩy mạnh thương hiệu du lịch của huyện, thu hút khách du lịch. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, huyện sẽ triển khai hiệu quả Ðề án phát triển du lịch nhằm thực hiện đạt chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội XI Ðảng bộ huyện”, ông Lê Hữu Lợi cho biết thêm.

Lan toả thông điệp xanh, giá trị văn hoáNgày 23/4, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân làm việc với UBND huyện U Minh về công tác chuẩn bị tổ chức sự kiện “Hương rừng U Minh”, sẽ diễn ra từ ngày 29/4-1/5.Theo kế hoạch, sự kiện “Hương rừng U Minh” có các hoạt động chính: trưng bày sản phẩm ẩm thực đặc trưng của U Minh; hội thi ẩm thực với chủ đề “Mắm”; các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hoá nghệ thuật; hoạt động tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ với trải nghiệm thể thao chạy xe đạp, đi bộ xuyên rừng; trình diễn chụp đìa, thu hoạch cá đồng…Phó chủ tịch UBND huyện U Minh Nguyễn Thanh Liêm cho biết, ngay từ khi có kế hoạch tổ chức sự kiện, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền từ trực quan, trên các phương tiện thông tin đại chúng.“Huyện đã tính đến thời tiết mưa nắng thất thường nên có chuẩn bị rạp che, ghế ngồi, tạo mọi điều kiện cho người dân tham gia”, ông Nguyễn Thanh Liêm cho biết thêm.Ngoài ra, huyện thống nhất giao các hội, đoàn thể tổ chức nấu bún mắm phục vụ bà con; giao lực lượng đoàn viên, thanh niên hỗ trợ hoạt động tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ.Ðối với hội thi nấu ăn, sẽ có lực lượng y tế thường xuyên kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống dịch Covid-19… cũng được đảm bảo. Các điểm ăn uống, ngủ nghỉ, lưu trú đảm bảo bình ổn giá, tránh tình trạng chèo kéo, chặt chém.Theo ông Liêm, dự đoán sự kiện sẽ thu hút lượng khách rất đông, bởi những ngày qua tuy chưa diễn ra sự kiện nhưng các điểm du lịch sinh thái: Hương Tràm, Khang Huy đã đông khách, có hôm quá tải. Do vậy, huyện U Minh đã làm việc với các điểm này để tăng cường công tác đón tiếp, phục vụ du khách.Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân yêu cầu huyện quan tâm đến công tác phân luồng giao thông vì đường hẹp, cần có phương án cụ thể, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách. Công tác phòng, chống cháy rừng, bảo vệ môi trường cũng phải được tăng cường. Ðồng thời, đề nghị Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động hấp dẫn tại các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh, để khách có nhiều sự lựa chọn vui chơi, tránh tình trạng chỉ tập trung về U Minh, dẫn đến quá tải.Sự kiện “Hương rừng U Minh” không chỉ là hoạt động tại địa phương, mà ngành du lịch Cà Mau phải có hoạt động tổng thể cho cả tỉnh, với chuỗi liên kết du lịch hấp dẫn cho kỳ nghỉ lễ dài ngày sắp tới, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách trong và ngoài tỉnh. “Lễ hội, sự kiện quy mô từ nhỏ đến lớn đều phải hướng đến thu hút người dân, đáp ứng nhu cầu, sự hài lòng của người dân. Huyện phải chú trọng đến thông điệp lan toả qua sự kiện là thông điệp xanh và giá trị văn hoá, bởi không phải ngẫu nhiên chọn tên sự kiện là “Hương rừng U Minh”. Rừng U Minh là tài sản chung của quốc gia – nơi Nhà văn Ðoàn Giỏi đi thực tế để viết tác phẩm nổi tiếng “Ðất rừng phương Nam””, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân nhấn mạnh.Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân, nhân sự kiện này, nên phát động phong trào trồng rừng sẽ tăng sức hút và ý nghĩa cho sự kiện, để qua đó du khách nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và đọng lại trong lòng du khách những ấn tượng đẹp. Ðồng thời, đề xuất lập quỹ trồng rừng, để không chỉ người dân, du khách có thể đóng góp mà còn thu hút doanh nghiệp, nhà tài trợ tham gia. Về nguồn kinh phí tổ chức, huyện cần đẩy mạnh xã hội hoá, vận động tài trợ nhưng phải công khai, minh bạch để hoạt động quy mô hơn, chu đáo hơn. Huyện phải quan tâm tăng cường các hoạt động truyền thông. Ðây sẽ là sự kiện thu hút các cơ quan truyền thông từ Trung ương đến địa phương.Ðặc biệt, sự kiện “Hương rừng U Minh” diễn ra đúng vào dịp lễ 30/4 và 1/5, Cà Mau dự kiến sẽ bắn pháo hoa tại huyện U Minh.

Xem thêm: Đội đua vỏ huyện Đầm Dơi trước ngày thi đấu

Băng Thanh(baocamau.com.vn thực hiện)

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC