HOTLINE: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@GMAIL.COM

Liên hệ | Hotline: 0290 3540458 – Email: ipeccamau@gmail.com
Search
Close this search box.

Du lịch Cà Mau với những chuyến đi câu

Trong những năm qua, khách du lịch đến với Cà Mau ngày càng đông đúc. Họ đến đây để tận hưởng cái cảm giác phiêu diêu nơi địa đầu cực Nam của Tổ Quốc, để hiểu thế nào là sự thiêng liêng khi được đặt chân lên cột mốc tọa độ, lưu dấu kỷ niệm bằng những bức ảnh sáng rực màu vàng của nắng gió và màu xanh của biển rừng. Bên cạnh đó, nét đặc sắc của du lịch Cà Mau còn là những sản phẩm du lịch được phát triển từ những gì thực tế và gần gũi nhất thông qua những nếp ăn, nếp ở và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Cà Mau gắn bó với miền quê sông nước hữu tình.

Với diện tích tự nhiên 5.331,64 km2, chiều dài bờ biển 254km, địa hình có ba mặt tiếp giáp biển với ngư trường đánh bắt thủy hải sản rộng lớn thuận lợi để người dân tổ chức các khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Sản xuất thủy hải sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đem lại nhiều nguồn ngoại tệ và đưa Cà Mau trở thành tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản cao nhất nước. Một số hoạt động du lịch thu hút đa phần khách du lịch đến Cà Mau như bắt ba khía, cá thòi lòi, đặt lọp, xổ vuông, bắt cua,… và đặc biệt là đi câu.

Hoạt động câu cá ở Cà Mau ngày nay có thể được xem là một thú vui tao nhã được nhiều người hưởng ứng. Vì theo như nhiều người nhận xét thì nguồn cá tự nhiên ở Cà Mau nhiều vô số kể, cá ngon, chắc thịt và không phải sống trong môi trường độc hại như một số vùng khác. Hiện tại ở Cà Mau đã thành lập hội những người yêu câu cá, những người này đã truyền đạt nhau những kinh nghiệm đi câu quý báu và tổ chức thường xuyên các chuyến đi câu ở những khu vực nhiều cá quanh năm. Hoạt động du lịch kết hợp với câu cá đang trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút nhiều đối tượng khách du lịch đến với Cà Mau.

Đến với các hộ du lịch cộng đồng ở Cà Mau, mỗi khách du lịch sẽ thấy vô cùng hào hứng khi vừa được khám phá, hòa nhập với thiên nhiên vừa trải nghiệm những chuyến đi câu cá hết sức ấn tượng. Để có được một chuyến đi câu đúng nghĩa, mỗi người câu cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều khâu.

Đầu tiên là lựa chọn ngày để đi câu. Dựa vào việc quan sát chu kỳ trăng, thủy triều, hoạt động của các loài cá. Kết quả câu cá theo mỗi chu kỳ trong nhiều năm, cho phép tất cả chúng ta, những người đam mê bộ môn này. Thường là những ngày âm lịch (1-9; 13-14; 18-22; 26-30) trong tháng. Anh Chắc (một cần thủ chuyên nghiệp) chia sẻ “Theo như một số quan niệm dân gian thì những ngày này cá không thích đi xa để kiếm ăn, chỉ quanh quẩn xung quanh nơi trú ẩn của mình, sẽ rất là nhạy với những mồi câu, dễ dàng thu được chiến lợi phẩm”. Bởi thế nên, khách du lịch muốn đi câu ở Cà Mau thì nên lựa chọn những ngày như trên nếu mong kiếm được nhiều cá.

Câu cá ngát ở Đầm Thị Tường

Tiếp theo đó là khâu chuẩn bị vật liệu cần câu, lưỡi câu, mồi câu. Cần câu là dụng cụ quan trọng nhất đối với người đi câu, trước kia người ta thường lựa chọn cần câu bằng chất liệu tre trúc. Ngày nay, cuộc sống hiện đại đã xuất hiện nhiều cần câu máy, tiện lợi, đa chức năng cho người câu. Một cần thủ chuyên nghiệp thì sẽ có rất nhiều cần câu để câu các loại cá khác nhau, có cây có giá lên đến hàng chục triệu. Lưỡi câu được chọn để câu cá cũng là cả một nghệ thuật, tùy theo các loài cá lớn cá nhỏ mà người câu sẽ chọn lưỡi câu 7,6,5,4 phân hoặc là nhỏ hơn nữa. Một số người còn tỉ mẩn hơn trong việc tự làm lấy lưỡi câu, họ sử dụng một loại thép tốt được lấy từ lò xo béc dầu trong xe ô tô, kéo thẳng, uống cong thành lưỡi câu và mài dũa cho đến khi đạt được độ mỏng nhọn ưng ý mới thôi. Mồi câu thì cũng tùy theo mỗi loại cá mà có sự lựa chọn khác nhau như mồi nhái (cá lóc); mồi dế, trùn, cào cào (cá rô, sặc bổi); trứng kiến (rô, trê, sặc rằn); tép (cá phi vuông); mồi trùn cát (cá dứa);… Đặc biệt là đôi khi người câu còn sử dụng mồi giả, có thể là con nhái giả chủ yếu là câu cá chẽm. Lúc trước, mồi vịt sống cũng thường được sử dụng để câu cá lóc bầy lòng ròng, rất nhạy. Nhưng theo quan niệm của các cần thủ câu như vậy là làm trái với quy luật của tự nhiên, là tận diệt. Họ vẫn rất trân trọng những gì mà tự nhiên đã ban cho nên không còn sử dụng mồi vịt cho các chuyến đi câu rừng nữa. Ngoài những vật liệu chính như trên, khách du lịch nếu muốn trải nghiệm những chuyến câu an toàn, hiệu quả thì cần chuẩn bị thêm một số món như đèn pin, thức ăn, nước uống, thuốc chống muỗi, một vài vật liệu y tế cần thiết,…

Về địa điểm đi câu, ở Cà Mau khách du lịch có thể lựa chọn câu cá ở hai vùng, vùng cá nước ngọt và vùng cá nước mặn (hay còn gọi là câu “cá sông” theo thuật ngữ “chuyên môn” của các cần thủ).

Địa điểm câu cá nước ngọt lý tưởng nhất ở Cà Mau chính là rừng Quốc gia U Minh Hạ. Thường thì du khách có thể mua vé vào tham quan rừng, quan sát các loài sinh vật dưới tán rừng tràm và câu cá ở khu vực các lung rừng được nạo vét, dọn sạch nhằm dễ dàng lấy nước phòng hộ cháy rừng, đây cũng là khu vực khách du lịch được các cán bộ kiểm lâm cho phép câu cá và đánh bắt. Ngoài ra, du khách có thể câu cá ở một số điểm khác như trải nghiệm câu cá với hoạt động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại khu du lịch Mười Ngọt, Khu du lịch sinh thái Lâm Ngư Trường Sông Trẹm,… Các loài cá chủ yếu ở khu vực nước ngọt là các loại cá đồng như cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặc rằn,…

Về câu cá nước mặn chủ yếu là các loài cá như cá dứa, cá ngát, cá út, cá chẽm, cá nâu, cá hanh,… Các khu vực câu chủ yếu là Năm Căn, Ông Trang, Tân Tiến (Đầm Dơi), kênh xáng Bà Kẹo sông Đốc, Đầm Thị Tường, Rạch Chèo (Phú Tân), bờ kè Đất Mũi,… Cá ở những khu vực này có thể nói là rất nhiều. Nhưng có lẽ, đặc biệt hơn hết là câu cá dứa – một loài cá thịt thơm ngon và có giá trị kinh tế bậc nhất ở Cà Mau. Để chuẩn bị cho một chuyến câu cá dứa, các cần thủ phải thuê hẳn một chiếc ghe, chuẩn bị đầy đủ thức ăn, nước uống, thuốc, trang bị y tế, vợt vớt cá dứa,… theo con nước đến tận các cửa sông Ông Trang, Tân Tiến,… kiên trì cả ngày lẫn đêm (thường 1 đến 2 ngày) mới mong có được nhiều chiến lợi phẩm. Mồi câu là trùn cát, lưỡi câu sắc nhọn, tùy dòng nước chảy mạnh, yếu mà người câu mắc chì nặng hay nhẹ. Đòi hỏi người cầm cần phải có nghệ thuật quăng mồi, con mắt quan sát luồng cá. Theo các “câu thủ” kỳ cựu, cá dứa luôn ở dòng nước trong và luôn đi cặp, câu dính một con, lát sau thế nào con còn lại cũng cắn câu. Đặc biệt muốn bắt chúng phải có tính nhẫn nại, phải đợi chúng đến hàng giờ đồng hồ. Khi cá mắc câu, không vội kéo cá nhanh sẽ bị vuột, chúng rất tinh ranh nên cần thủ buông dây cho chúng chạy và kéo dây khi chúng đã đuối sức. Nếu trúng con nước coi đôi khi thu hoạch được cả vài chục con cá dứa, như vậy cũng coi như là trúng lớn.

Việc kết hợp các tour du lịch với câu cá dứa trên sông Tam Giang ra Biển Đông ở cửa Bồ Đề và biển Tây ở cửa Ông Trang, gần Mũi Cà Mau du khách sẽ được trải nghiệm những chuyến đi câu cá dứa lênh đênh trên các cửa sông, ngắm cảnh biển trời bao la, hiểu được đời sống của cư dân vùng biển mới thấy được ý nghĩa thực sự của mỗi chuyến đi câu.

Không như những việc câu cá thông thường khác, câu cá ở Cà Mau là sự đang xen giữa nghệ thuật và trải nghiệm. Niềm đam mê và sự kiên trì bền bỉ của người câu chính là nhân tố cốt lõi làm nên những chuyến đi câu sắc nét. Một người câu chuyên nghiệp chỉ cần nhìn địa hình là có thể đoán được nơi nào cá trú ẩn hay cái cách họ “rê” miếng mồi (chọi mồi và di chuyển mồi tạo âm thanh một cách khéo khéo) để dụ cá cắn câu cũng là cả một quá trình tích lũy kinh nghiệm một cách điêu luyện. Trong hành trình đi câu, họ vẫn không quên việc giữ gìn và trân trọng môi trường sinh thái nơi mình câu như không bắt cá nhỏ, không mồi lửa trong rừng, không bắt các sinh vật quý hiếm trong rừng,…

Trong những năm qua, khách du lịch về Cà Mau với mục đích thưởng ngoạn và câu cá ngày càng nhiều. Các tour du lịch được thiết kế nhằm phục vụ mục đích kết hợp câu cá với tham quan ngắm cảnh của du khách trong mỗi chuyến đi như tour du lịch Tp.Cà Mau – Đầm Thị Tường – thị trấn Cái Nước; Tp. Cà Mau – VQG U Minh Hạ – Điểm du lịch Mười Ngọt; Tp. Cà Mau – VQG U Minh Hạ – Khu du lịch Sinh thái Sông Trẹm; Tp. Cà Mau – Hòn Đá Bạc – Thị trấn Sông Đốc; Tp. Cà Mau – Đất Mũi – Ông Trang; Tp. Cà Mau – Khai Long – Đất Mũi;… ngày càng được hưởng ứng. Thế nên, việc gắn kết hoạt động câu cá vào các hoạt động du lịch trải nghiệm hiện tại sẽ góp phần định hướng phát triển thêm sản phẩm mới cho du lịch Cà Mau.

Mỗi khách du lịch chúng ta dù là dân chuyên hay không chuyên, yếu tố hấp dẫn và thu hút của loại hình du lịch kết hợp câu cá không chỉ đơn giản là nguồn sản vật phong phú mà còn là sự trải nghiệm, tìm hiểu và khám phá những hình ảnh đặc sắc nhất của đất và người Cà Mau trong mỗi chuyến đi câu.

Những điều lưu ý cho khách du lịch khi lựa chọn đi câu ở Cà Mau: + Không bước qua cần câu: do sự trân quý của người đi câu đối với cần câu, sợ bị gãy, hoặc quan niệm “sẽ không câu được nhiều cá nếu có người bước qua cần câu+ Không buông cần tại chỗ câu của người khác + Không gây ồn ào nơi câu + Không bơi lội gần khu vực có người đang câu cá + Kiên cử lời ăn tiếng nói, tránh hỏi “câu bao nhiêu?”, “câu mấy con?”, không nói những lời xui rủi,… + Chuẩn bị đủ thức ăn, nước uống cho một chuyến đi; mang theo thuốc chống côn trùng và một số vật dụng y tế cần thiết.

Xem thêm: Tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch MICE ở Cà Mau

Ảnh và bài viết: Dương Kim Chuyển

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC