Ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam còn hết sức non trẻ, hiện có rất nhiều “nút thắt” cần được giải quyết để tận dụng rác ở Việt Nam phát triển.
Ông Lê Ngọc Ánh Minh- Chủ tịch Điều hành Pacific Group, chuyên gia trong lĩnh vực phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương những góc nhìn mới về công nghệ tái chế chất thải hiện nay trên thế giới, cách tiếp cận mới về rác và giải pháp cần được tháo gỡ để ngành công nghiệp tái chế ở Việt Nam phát triển.
Ông Lê Ngọc Ánh Minh chia sẻ cách tiếp cận mới về ngành công nghiệp tái chế
Hiện nay nước ta lãng phí khoảng 3 tỷ USD/ năm do rác thải nhựa không được tái chế. Theo ông việc kêu gọi đầu tư các dự án tái chế rác khó khăn do đâu?
Không chỉ Viêt Nam mà ở các nước phát triển hay đang phát triển việc tái chế rác nhựa vẫn đang vướng nhiều điểm nghẽn khá giống nhau.
Đơn vị có công nghệ và nhà đầu tư tái chế rác ít có cơ hội thực hiện dự án do những quy định không còn phù hợp hoặc do cách thi hành các quy định này làm nản lòng nhà đầu tư.
Các nước giàu có ngân sách tài trợ, trợ cấp cho tái chế còn các nước phát triển như Việt Nam không có ngân sách nhiều. Có nghịch lý là, tồn tại việc xả rác, bãi rác chất đống nhưng nhà đầu tư vướng khó vì rất khó để thu gom đủ khối lượng rác cho nhà máy tái chế.
Để hình thành ngành công nghiệp môi trường tại Việt Nam chúng ta cần phải có những bước đi như thế nào, thưa ông?
Nếu Chính phủ “mạnh tay” đổi mới quy định về tái chế rác thì các nhà đầu tư sẽ “đổ xô” vào rất nhiều vì rất sẵn nhà đầu tư cũng như sẵn đối tác công nghệ tốt. Có thể xem rác nhựa là một nguồn tài nguyên quý cần được ‘trọng dụng’.
Công nghệ hiện nay đủ giải quyết vấn đề rác nhựa trở thành nguyên liệu sản xuất cũng như để làm nhiên liệu cho một số ngành công nghiệp hoặc phát điện
Theo tôi việc tuyên truyền rất quan trọng. Thay vì “vứt rác”, chúng ta hãy tạo lập các thông điệp gây lôi cuốn, thu hút để xóa định kiến “rác” là thứ vứt bỏ, xa lánh. Thông điệp rác là tài nguyên, tích cực về tài nguyên rác lặp đi lặp lại và sáng tạo sẽ giúp công chúng thay đổi cách nhìn về rác. Thay vì vứt bỏ chúng là trọng dụng chúng trong đời sống.
Những thông điệp, tạo hình lôi cuốn sẽ giúp tăng hiệu quả công tác truyền thông
Các chính phủ tiêu tốn rất nhiều chi phí để khai thác dầu mỏ, than đá để mà sản xuất vật liệu nhựa. Chúng ta đang sẵn nguồn nguyên liệu, nguồn nhiên liệu nhựa miễn phí tại sao không trọng dụng chúng để làm kinh tế? Có thể xem đây là nền kinh tế rác, nền kinh tế rác nhựa và đây là khái niệm khá mới mẻ. Bên cạnh có ý tưởng về việc quy hoạch các trung tâm năng lượng, trung tâm nhiên liệu rác nhựa.
Ngay cả các nước phát triển như châu Âu cũng không đầu tư nhiều cho tái chế nhựa. Để giải quyết “bài toán” rác thải nhựa hiện nay của Việt Nam theo ông chúng ta cần có cách tiếp cận như thế nào?
Trên thị trường đã có sẵn các công nghệ đủ sức hóa rác nhựa thành dầu diesel, công nghệ đốt rác nhựa phát điện khép kín không gây ảnh hưởng môi trường. Các trung tâm năng lượng/nhiên liệu rác nhựa có thể được thiết kế ở hải đảo, vùng duyên hải xa dân cư. Đất nước có thể tiết kiệm hàng tỉ đô la tiền nhập khẩu dầu và than đá để phát điện và giảm chi phí nhập khẩu một số nguyên liệu nhựa cho các ngành sản xuất.
Đơn cử như công nghệ Urban Rig của Nhật, rác nhựa thành dầu diesel, dầu hỏa; hay công nghệ đốt rác phát điện, công nghệ biến vỏ xe thành dầu cũng phổ biến. Thay vì nhập than đá đắt tiền, có thể tính toán tạo nguồn cung phế thải nhựa và vỏ xe để đốt phát điện, sản xuất dầu.
Ngân sách xử lý rác thải trong nước hiện nay thấp, cho nên vấn đề ô nhiễm vẫn cứ quanh quẩn và các nhà quản lý luôn gặp khó.
Hãy nghĩ hướng sáng tạo để xử lý rác mà ít trông cậy vào ngân sách. Tôi ví dụ liên tưởng đến ngành năng lượng tái tạo, chi phí đầu tư phát điện từ điện gió xa bờ còn hiệu quả hơn đào mỏ dầu dưới đáy đại dương sâu. Việt Nam được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá là có tiềm năng điện gió rất lớn, top đầu khu vực.
Chúng ta có sẵn ngay tại đô thị các mỏ tài nguyên để làm năng lượng và phát triển ngành công nghiệp tái chế. Nhà nước hãy tạo cơ chế thuận lợi cho nhà đầu tư – Có thể làm điều tương tự như thời đất nước mở cửa sau đổi mới, khi đó chúng ta mời các tập đoàn dầu khí khai thác mỏ dầu xa bờ còn nay thì đơn giản hơn: Mời nhà đầu tư vào khai thác nguồn tài nguyên rất lớn có sẵn tại đô thị.
Đối với cơ sở/dự án quy mô nhỏ ở xã/ huyện, cần khuyến khích các trường đại học, viện nghiên cứu tại Việt Nam cùng nghiên cứu giải pháp xử lý rác quy mô nhỏ mang tính bền vững, bảo vệ môi trường.
Đơn cử như Trường Đại học công nghệ Kanazawa (KIT Nhật Bản). KIT cho sinh viên làm đồ án tốt nghiệp theo cách đi đến một số địa phương, chính quyền đô thị, doanh nghiệp sản xuất và nhận đề tài là các vấn đề chưa xử lý được của địa phương hoặc nhà máy tại địa phương đó như xử lý rác thải. Sinh viên mang đề tài về làm đồ án tốt nghiệp và được thầy hướng dẫn, gợi ý và cùng phối hợp với cán bộ địa phương, nhân sự nhà máy để hoàn thiện giải pháp xử lý triệt để. Làm xong đồ án tốt nghiệp đạt được luôn 2 mục tiêu: thứ nhất là tốt nghiệp đại học và tặng địa phương/nhà máy một giải pháp hoàn chỉnh.
Ngoài ra, để tạo sự lôi cuốn người dân về rác nhựa, cần mời các nghệ sĩ, nghệ nhân thực hiện các chiến dịch, như tổ chức sáng tác tác phẩm từ rác nhựa. Điều này theo tôi rất cần vì lôi cuốn, khi người dân nhìn thấy các tác phẩm rác nhựa có hồn, họ thích thú và tự thay đổi quan điểm về rác nhựa.
Một gợi ý nữa về thu gom rác đô thị. Nơi thu gom rác đô thị ngoài các thùng rác công cộng nên là nơi nào?
Người dân trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng hay có thói quen đem rác thả xuống cống, hố ga. Vậy cơ quan quản lý có thể đặt đề bài cho các nhà thiết kế, kiến trúc sư đô thị thiết kế thêm tính năng cho hố ga: Hố ga vừa là nơi thoát nước vừa là nơi gom rác. Giải pháp này không khó giúp cống rãnh không bị nghẽn.
Tôi ví dụ, miệng hố ga dùng loại nắp đậy bằng nhựa khóa lại được và làm 1 cái rổ treo trong miệng hố ga để hứng rác. Người dọn rác hàng ngày/hàng tuần mở khóa nắp hố ga rồi lấy cái rổ trút rác vào thùng chở đi. Không vất vả lắm vì nắp hố ga là nhựa. Công nghệ nắp hố ga nhựa hiện cũng đã phổ biến và các nắp hố ga đô thị có thể là nhựa tái chế từ những “núi tài nguyên quý trong đô thị” mà tôi đã đề cập.
Xem thêm: Sẵn sàng cho đường bay thẳng Hà Nội – Cà Mau
Thu Hường congthuong.vn thực hiện