Sau một năm tổ chức Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (với 41 kỳ), 132 kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu từ được Lãnh đạo UBND tỉnh tiếp nhận và giải quyết. Kết quả trên thể hiện quyết tâm cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Chính quyền tỉnh năng động hơn trong công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức Cà phê kết nối doanh nghiệp là một trong các nội dung kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt tại Hội nghị bàn giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Cà Mau năm 2023 và những năm tiếp theo. Trung tâm Xúc tiến đầu từ và Hỗ trợ doanh nghiệp (iPEC) được giao chủ trì, phối hợp Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh (CMBA) tổ chức Cà phê kết nối doanh nghiệp định kỳ vào thứ Bảy hàng tuần tại Không gian Khởi nghiệp – Số 28 Phan Ngọc Hiển, Phường 2, TP Cà Mau, để Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, đối thoại cùng doanh nghiệp.
Không gò bó trong khuôn khổ của cuộc họp hay hội nghị, Cà phê kết nối doanh nghiệp là buổi gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi thông tin giữa cộng đồng doanh nghiệp và đại diện chính quyền đại phương. Đại diên doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể trao đổi thông tin, trình bày các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị và đề xuất liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư trên địa bàn tỉnh Cà Mau với Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở ban ngành tỉnh. Các kiến nghị được Lãnh đạo tỉnh giải quyết trực tiếp, dứt điểm và thỏa đáng ngay tại buổi cà phê hoặc chỉ đạo cơ quan, đơn vị phụ trách giải quyết, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, nhà đầu tư thuận tiện triển khai dự án đầu tư. Đồng thời, doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể được chia sẻ, cập nhật những thông tin mới về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, các chính sách liên quan đến quy hoạch, phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp… trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Tại Cà phê kết nối doanh nghiệp kỳ 1, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt, khẳng định: “Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, đồng hành, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp và của các Hiệp hội. Đồng thời, luôn hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau Lê Hoàng Phước, thông tin: “Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau thể hiện sự quyết tâm đồng hành của lãnh đạo tỉnh trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, khẳng định vị thế trên thị trường”.
Sau một năm (từ 24/6/2023 đến 29/6/2024), 41 kỳ Cà phê kết nối doanh nghiệp đã được tổ chức, thu hút 167 lượt doanh nghiệp (hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức – cá nhân khởi nghiệp, nhà đầu tư) tham gia, tiếp nhận 132 kiến nghị từ doanh nghiệp. Trong đó, 53 kiến nghị (40%) được Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở ban ngành tỉnh giải quyết trực tiếp dứt điểm tại buổi cà phê; 79 kiến nghị được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản chỉ đạo, giao các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan giải quyết, phúc đáp đến doanh nghiệp với thời gian hạn định. 72/79 kiến nghị của doanh nghiệp đã được Sở, ban ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố Cà Mau giải quyết. Các kiến nghị trong tháng 6/2024 (7 kiến nghị) đang được các đơn vị liên quan giải quyết. Theo đánh giá chung của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh, các kiến nghị đều được giải quyết đầy đủ, thỏa đáng và đúng thời gian hạn định; do đó Cà phê kết nối doanh nghiệp nhận được sự quan tâm tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.
Các kiến nghị tại Cà phê kết nối doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực. Một số lĩnh vực phổ biến như tiếp cận vốn tín dụng, tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất kinh doanh, chủ trương thực hiện dự án đầu tư, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị sản xuất từ chương trình khuyến công, hỗ trợ dự án – ý tưởng khởi nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử, phát triển sản phẩm OCOP, mô hình mới trong phát triển du lịch, đăng ký sở hữu trí tuệ, nâng cấp các tuyến giao thông.
Đa số các kiến nghị tại Cà phê kết nối doanh nghiệp đã được Lãnh đạo tỉnh giải quyết trực tiếp hoặc chỉ đạo đơn vị liên quan giải quyết kịp thời và thỏa đáng cho danh nghiệp. Một số kiến nghị đã được giải quyết như: Chuyển mục đích sử dụng đất, từ đất nuôi trồng thủy sản sang đất sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, kinh doanh cho Công ty TNHH nông nghiệp mặn Halofai (huyện Phú Tân), Công ty TNHH SXTM SK NONI (huyện Trần Văn Thời). Xem xét, cho phép nâng tải trọng xe lưu thông và sửa chữa tuyến đường theo đề xuất của Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản AB (TP Cà Mau, Công ty TNHH MTV Hiệp Thành CM (TP Cà Mau). Tiếp cận đất đai để nuôi sò huyết của Hợp tác xã nuôi tôm năng xuất cao Tân Hưng (huyện Cái Nước). Hỗ trợ trang bị máy móc thiết bị theo chương trình khuyến công của Cơ sở sản xuất chuối khô Bảy Hoàng (huyện U Minh), Hợp tác xã sản xuất tinh bột nghệ Nhật Huy (huyện Trần Văn Thời). Phúc đáp vướng mắc quy trình xem xét nâng hạng sản phẩm OCOP của Công ty TNHH MTV Nguyễn Gia Cà Mau (TP Cà Mau) và Công ty TNHH phát triển xanh Việt Nam (TP Cà mau). Hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ đối với hệ thống vận hành nuôi tôm thông minh của nuôi tôm năng xuất cao Tân Hưng (huyện Cái Nước).
Đặc biệt kiến nghị của Công ty cổ phần đầu tư tập đoàn KLC được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi đánh giá cao và đang trong quá trình giải quyết. Công ty cổ phần đầu tư tập đoàn KLC (có trụ sở tại Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh), đề xuất thực hiện dự án trồng rừng ngập mặn tại Cà Mau, với quy mô 10.000 ha. Mục tiêu vừa phát triển hoạt động sản xuất lâm nghiệp, kết hợp nuôi thủy sản dưới tán rừng, vừa góp phần phát triển thị trường carbon trên địa bàn tỉnh. Việc trồng rừng, phát triển rừng kết hợp với bán tín chỉ carbon là ý tưởng hay và thiết thực với tỉnh Cà Mau trong giai đoạn hiện nay. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát và tham mưu giải quyết đề xuất chấp thuận chủ trương khảo sát thực hiện dự án trên của Công ty cổ phần đầu tư tập đoàn KLC. Trong đó có thể nghiên cứu dự án theo theo hướng đầu tư kè lấn biển và trồng rừng bên trong khu vực kè bảo vệ đối với đất rừng phòng hộ không xung yếu.
Cà phê kết nối doanh nghiệp trong thời gian qua đã có những thành công nhất định trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Điều này có thể đã góp phần tích cực trong việc cải thiện Chỉ số thành phần “Tính năng động của chính quyền tỉnh” (tăng gần 1 điểm so với năm 2022); đồng thời cũng có thể đã góp phần cải thiện và nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Cà Mau năm 2023 đạt 67,65 điểm (tăng 6,05 điểm), xếp thứ 22/63 tỉnh, thành trong cả nước (tăng 36 hạng), xếp thứ 6/13 (tăng 6 bậc) trong các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long so với năm 2022; nằm trong top 30 các tỉnh, thành phố thuộc nhóm có chất lượng điều hành tốt trên bản đồ PCI cả nước. Theo đó, hy vọng Cà phê kết nối doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ có đóng góp nhiều hơn nữa và hiệu quả hơn nữa trong việc cải thiện tính năng động của chính quyền địa phương. Và hy vọng chính quyền địa phương cải thiện và nâng cao môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh./.
Phúc Ngươn