Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

Trục “Tam giác vàng” cho du lịch Cà Mau

Cà Mau xác định du lịch là một trong những lĩnh vực chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương với tầm nhìn dài hạn. Với góc nhìn của một chuyên gia du lịch khu vực ÐBSCL, gắn bó và tâm huyết với du lịch Cà Mau, Thạc sĩ (Ths) Phan Ðình Huê đã có những trao đổi, gợi mở thú vị về sự phát triển du lịch Cà Mau từ việc tăng cường sự liên kết, cũng như vực dậy tiềm năng các cực tăng trưởng du lịch quan trọng.

– Thưa Ths Phan Ðình Huê, ông đánh giá thế nào về diện mạo hiện nay của du lịch Cà Mau thông qua các trục, tuyến du lịch trọng điểm hiện có?

Ths Phan Ðình Huê: Ở đây, tôi không bàn sâu về tài nguyên, sản phẩm du lịch, bản sắc văn hoá, sức hấp dẫn của du lịch Cà Mau… bởi đây là địa phương hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành một điểm đến du lịch trọng điểm không chỉ của khu vực ÐBSCL mà của cả nước. Tỉnh Cà Mau cũng đã đánh giá rất trúng, rất đúng, và trên thực tế đã quy hoạch và hình thành trục tam giác du lịch mà tôi cho rằng vô cùng đặc sắc: TP Cà Mau – U Minh Hạ – Ðất Mũi. Mỗi trục, tuyến du lịch trọng điểm cũng đang dần hình thành sức hút riêng, mạnh mẽ, với những sản phẩm du lịch đặc trưng và sự tham gia mạnh mẽ của cả cộng đồng trong phát triển du lịch.

Tôi chỉ lưu ý rằng, du lịch hay bất cứ lĩnh vực nào khác, không thể thiếu đi sự liên kết để gia tăng sức mạnh. Du lịch Cà Mau cũng vậy, không thể chỉ quy hoạch, phát triển riêng lẽ theo trục, theo tuyến, mà cần tính đến yếu tố liên kết nội tại giữa các cực trọng điểm này. Ðó là chưa kể, cần phải tăng cường tính liên kết của du lịch Cà Mau với du lịch của khu vực ÐBSCL và cả nước. Nhưng trước hết, phải giải quyết được việc làm du lịch rời rạc, mỗi nơi làm một kiểu, không có chiến lược, chiến thuật bài bản, cụ thể, thiếu tính liên kết ngay tại các trục, tuyến du lịch trọng điểm của Cà Mau.

du lịch Cà Mau
Du khách tự hào khi đặt chân đến Cột mốc toạ độ quốc gia tại Mũi Cà Mau.

– Xin ông nói rõ thêm về những vướng mắc trong liên kết du lịch của trục tam giác du lịch trọng điểm ở Cà Mau hiện nay?

Ths Phan Ðình Huê: Nếu nói không có sự liên kết giữa các trục du lịch quan trọng ở Cà Mau là không đúng, nhưng như tôi đã trao đổi, sự liên kết ấy là chưa đủ. Lấy ví dụ thế này, khi về Cà Mau, thường du khách chỉ lựa chọn loại trừ, hoặc là tuyến TP Cà Mau – Ðất Mũi, hoặc là TP Cà Mau – U Minh Hạ, hiếm khi khách chọn trải nghiệm cả trục tam giác này, đây là hạn chế. Dễ thấy, ở những nơi có sản phẩm, trải nghiệm du lịch phong phú hơn, chuyên nghiệp hơn sẽ chiếm ưu thế, trục – tuyến còn lại sẽ cảm giác yếu thế hơn. Vấn đề này sẽ kéo theo nhiều thiệt thòi cho tất cả. Du khách sẽ không trải nghiệm, cảm nhận, thưởng thức đầy đủ bản sắc du lịch của Cà Mau. Trong khi đó, giá trị kinh tế của du lịch thu về của địa phương cũng không như kỳ vọng khi thời gian lưu trú của du khách ngắn, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ du lịch và các nhu cầu vui chơi, giải trí ít ỏi.

Phân tích kỹ hơn, trong khi tuyến du lịch Mũi Cà Mau định hình tương đối rõ ràng sức vóc và diện mạo thì du lịch vùng U Minh xưa (gồm các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình) vẫn chưa có nhiều bứt phá. Hệ sinh thái nước lợ, đất phèn, rừng tràm với đặc sản cá đồng, ong mật, trái cây… gắn với văn hoá của thời khẩn hoang là những tài nguyên du lịch hết sức quý báu. Như vậy “trời cho” tỉnh Cà Mau có 2 vùng tương đối khác biệt về mặt tài nguyên, là điều kiện “cần” để tỉnh phát triển 2 tuyến sản phẩm du lịch khác biệt, không trùng lắp. Nhưng rất tiếc tuyến phía Tây của vùng U Minh xưa, hiện phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng.

– Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?

Ths Phan Ðình Huê: Cũng dễ thấy thôi. Thứ nhất, điều kiện giao thông của trục tam giác này còn cần phải cải thiện nhiều thêm. Muốn làm du lịch, trước hết phải có khách du lịch, mà muốn có khách thì người ta phải đi đến được cái đã. Hiện nay, dù đã được đầu tư nhiều, nhưng giao thông về các điểm, khu và các trục du lịch trọng điểm của Cà Mau vẫn còn khá khó khăn. Việc tạo ra các tour – tuyến để bao trọn của 3 trục tam giác du lịch của Cà Mau đến nay vẫn hạn chế.

Thứ hai, mối liên hệ giữa các trục du lịch trong tam giác nêu trên còn khá rời rạc. Mặc dù đặc thù của du lịch là sản phẩm phải đặc trưng, độc đáo, không trùng lặp, nhưng như thế không có nghĩa là mạnh ai nấy làm và không liên quan gì nhau. Các trục tuyến, du lịch hiện nay vẫn chỉ đẩy mạnh khía cạnh phát triển cho riêng mình, chưa có kết nối, quảng bá hoặc tạo ra sự liên kết qua lại trong làm du lịch. Nên nhớ, thị trường du lịch Cà Mau, các trục này không phải là đối thủ mà là các trục hỗ trợ nhau, hậu thuẫn cho nhau để cùng mục tiêu phát triển du lịch cho cả địa phương.

Thứ ba, đó là nguồn lực đầu tư phát triển du lịch của các trục này vẫn không tương đồng. Khi đi du lịch, du khách sẽ đặt bài tính giữa thời gian, tiền bạc mình bỏ ra có tương xứng với chất lượng trải nghiệm của bản thân hay không. Du khách là người lựa chọn, ra quyết định, thế nên sẽ chọn cho mình phương án tối ưu nhất. Do đó, sẽ có trục nổi trội hơn, trục trầm lắng hơn, nếu không liên kết, không có những giải pháp rõ ràng, dễ dẫn đến tình trạng nơi phát triển, nơi bị bỏ quên.

– Ông có thể gợi ý một vài giải pháp cho du lịch Cà Mau để tháo gỡ những khó khăn trên!

Ths Phan Ðình Huê: Tôi vẫn theo dõi xuyên suốt sự phát triển của du lịch Cà Mau, trân trọng, đánh giá cao tầm nhìn và chính sách du lịch tích cực, phù hợp của các cấp, ngành, nhất là lĩnh vực chủ quản du lịch địa phương. Thế nhưng, vẫn phải có một đề án đủ tầm, đủ sức bao quát để định hình chiến lược, chiến thuật và từng bước đi phát triển của du lịch Cà Mau. Tôi vẫn mong, Cà Mau có một sân bay với quy mô và đường bay đủ lớn để kết nối, thu hút du khách khắp nơi. Ðiều kiện giao thông thuận lợi hơn để khách đến dễ dàng. Xây dựng được các sản phẩm du lịch, tour – tuyến du lịch trọng điểm, đặc sắc mà chỉ Cà Mau mới có.

Sự liên kết giữa các trục của tam giác du lịch Cà Mau còn phải đến từ nhận thức, thái độ cầu thị và hợp tác giữa các huyện, TP Cà Mau, của những người làm du lịch với nhau. Nhấn mạnh lại rằng, liên kết các trục của tam giác này sẽ chính là sức mạnh, diện mạo không thể khác nếu du lịch Cà Mau muốn đi dài, đi xa hơn nữa. Và điều quan trọng nhất, sản phẩm du lịch của Cà Mau, dù ở trục, tuyến nào cũng phải đủ sức thu hút đối với du khách, và sức hấp dẫn đó phải đặt trong tổng thể bản sắc diện mạo, thương hiệu du lịch mang tính đại diện cho quê hương Cà Mau.

Cà Mau đang đi đúng hướng trong phát triển du lịch, nhưng phải phân vai rõ ràng theo thế mạnh của từng trục, phân vai xong thì phải làm sao kết nối được trong một hệ thống chuỗi giá trị và thương hiệu về du lịch chung. Phải làm sao để về Cà Mau, du khách có nhu cầu, bị hấp dẫn và thôi thúc để trải nghiệm toàn bộ trục tam giác du lịch này mà không băn khoăn.

Theo tôi, tỉnh nên tập trung đầu tư hình thành 3 cột tăng trưởng, đó là TP Cà Mau, Khu Du lịch Mũi Cà Mau và thị trấn U Minh thành tam giác du lịch động lực, để từ đó lan toả ra các vùng lân cận. Ðây chính là cách làm tốt nhất trong điều kiện nguồn lực về tài chính, con người và hạ tầng của tỉnh còn hạn chế. Trong 3 cực tăng trưởng này, thì TP Cà Mau nên tập trung đầu tư chiều sâu cho dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm và giải trí; Ðất Mũi thì tham quan trải nghiệm rừng ngập mặn, du lịch nông nghiệp nuôi trồng, đánh bắt hải sản; còn thị trấn U Minh gắn với các tour trên sông, trong rừng tràm, Vườn Quốc gia U Minh Hạ và trải nghiệm trang trại nhà vườn trồng cây ăn trái. Khách vẫn có thể chọn lưu lại qua đêm ở huyện Ngọc Hiển và huyện U Minh, nhưng đó là vì họ thích không gian yên tĩnh của vùng nông thôn, nơi họ nghe được tiếng chim hót, cá nhảy, ếch kêu mà TP Cà Mau không có. Ngược lại, nếu họ về TP Cà Mau, thì đó phải là nơi có khách sạn hạng sang và các dịch vụ cao cấp.

– Xin cảm ơn ông!

Xem thêm: Cà Mau tìm cách khai thác hiệu quả, bền vững đầm Thị Tường

Phạm Quốc Rin thực hiện

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC