Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Thương cây mắm nơi bãi bồi đất mũi

Ai chưa đến Cà Mau thường nghĩ đến nơi đây là vùng đất của những tán đước xanh rờn. Cây đước dường như trở thành một loài cây biểu tượng của vùng đất biển. Người ta thường biết đến cây đước Cà Mau qua những lời ca tiếng hát ân tình “Anh đến quê em đất biển Cà Mau/ Có thấy xanh tươi đước rừng bát ngát” (Đất Mũi Cà Mau); “Rằng quê Minh Hải mình đây/ Đồng xanh thẳng cánh chim bay/Chang đước vươn ra xa khơi” (Trên quê hương Minh Hải),… Thế nhưng có một loài cây vẫn thầm lặng sinh sôi vun trồng những hạt giống của mình cho vùng đất bồi ngày đêm vươn mình lấn biển. Đó chính là cây mắm.

THƯƠNG CÂY MẮM NƠI BÃI BỒI ĐẤT MŨI

Thương cây mắm như chính cái tên mộc mạc dân dã của nó. Người dân đất biển biết đến cây mắm từ khi sinh ra, lớn lên và cây mắm tựa như là một phần thân thương trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của họ.

Có đến vùng Đất Mũi, có dịp lướt xuồng trên những bãi bồi, lượn quanh những con kênh uốn lượn, du khách mới có dịp thấy thế nào là sự kiên định và sức sinh sôi mãnh liệt của một loài cây thuộc hệ sinh thái rừng ngập mặn. Cây mắm lút chút thành từng cụm bao dài xung quanh bãi bồi, những cây non tơ có, những cây chồi non xanh rờn cũng có và những cụm mắm mộc dầy trong xa xa giống như một cù lao nhỏ cũng có.

Về góc độ khoa học,cây mắm có tên khoa học là Avicennia marina. Có rất nhiều loài mắm như mắm trắng, mắm đen, mắm ổi,…Cây con mọc thành bụi, thấp, khi lớn nó thân gỗ cao đến 15 m đôi khi đến 30 m. Hoa có màu vàng cam đến vàng chanh. Vỏ cây trơn màu lục bần đến xám tối, có các vết nứt. Đặc điểm nhận dạng của cây mắm là bộ rễ không chỉ đâm xuống mà còn đâm lên khỏi mặt đất để lấy không khí.

Cây mắm mọc quanh rừng ngập mặn Mũi Cà Mau như một lá chắn giúp bảo vệ bờ biển trước nguy cơ sạt lở do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đây có thể nói là một trong những loài cây có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành lên rừng ngập mặn. Như chúng ta biết, bãi bồi Mũi Cà Mau được hình thành từ sự lắng đọng phù sa của hai con sông lớn là sông Cửa Lớn và sông Bảy Háp. Mắm là cây tiên phong của vùng đất bồi ven biển. Mỗi năm Mũi Cà Mau vươn ra biển được gần 80 – 100m cũng một phần nhờ loài cây mắm.

Đặc điểm của cây mắm là loại cây dễ bén rễ ở vùng đất bồi, cắm bộ rễ tua tủa trên phần đất bùn tại bãi bồi, những phần rễ mắm mọc ngược trở lên và tiếp tục giữ lại những lượng phù sa bị sóng đánh vào bãi. Đến khi mảnh đất chỗ đó dần dần nổi lên khỏi mặt nước, mặt đất bắt đầu săn lại thì cũng là thời điểm mắm cho quả. Vào khoảng tháng tư hàng năm là thời điểm cây mắm bị sâu phá hoại trầm trọng. Thời điểm này cây đước từ phía đất liền bắt đầu lấn chiếm ra phía bãi mắm. Do phải tập trung nhiều vào bộ rễ để giữ đất nên phần thân và tán mắm bị sâu phá hoại trầm trọng chẳng thể nào cạnh tranh lại với đước. Cây đước hưởng phù sa đất mới nên phát triển xanh tốt và lấn át cây mắm. Đước vươn cao đón hết những ánh mặt trời, tán đước che lấp toàn bộ loài mắm, thấp bé hơn bên dưới. Mắm chết dần và trước khi chết, mắm vẫn còn kịp ra hoa, kết trái và tung trái, vung hạt về phía chút đất non còn hoà với nước biển. Những hạt mầm lại tiếp tục sinh sôi để giữ đất và đất từ đó lại tiếp tục mở ra. Đó là lý do vì sao người dân Cà Mau hay nói “Mắm trước, đước sau,…” là như thế.

Theo nhiều người dân Đất Mũi thì giá trị kinh tế của loài cây mắm không cao nhưng cũng có thể dùng gỗ thay thế cho các loại gỗ khác với những mục đích khác nhau như làm cột đáy, làm củi đốt, cất nhà,…; lá mắm có thể dùng để hong đuổi muỗi và làm phân xanh bón cây; hoa mắm chứa đựng nguồn mật để các loài ong hăng say đến xây tổ, đem lại nguồn mật ngọt dồi dào cho bà con Đất Mũi; quả mắm có vị đắng chát nhưng lại là nguồn thực phẩm cứu đói cho các cán bộ chiến sĩ ta trong thời kháng chiến “Cất nước từng lon, đói ăn trái mắm/ Mà chẳng một ai muốn rời bỏ nơi này” (Quê anh, quê em – Soạn giả Trọng Nguyễn), trái mắm như là một minh chứng hùng hồn cho sức chịu đựng bền bỉ dẻo dai của người và đất Cà Mau trong những giai đoạn gian khổ của Đất nước. Và điều đặc biệt hơn nữa là cây mắm đen còn được nghiên cứu làm vị thuốc để chửa bệnh, người ta dùng vỏ thân và vỏ rễ mắm để điều trị bệnh phong cùi.

Lịch sử vùng đất Cà Mau trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, công sức và trí tuệ của con người đã đem đến cho vùng đất mới diện mạo xanh tươi, sức sống. Hàng triệu những lượt khách hàng năm xuôi về Đất Mũi để đặt chân lên mảnh đất địa đầu Cực Nam của Tổ Quốc. Chúng ta luôn biết rằng mảnh đất ấy luôn sinh sôi nảy nở, vươn mình lấn biển và có một loài cây vẫn không ngừng cần mẫn âm thầm ngày đêm chắt chiu những hạt mầm của mình để tung về bãi bồi nơi phía biển.

Xem thêm: Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch tổ chức Triển lãm “Du lịch qua các miền Di sản văn hóa Việt Nam năm 2020”

Ảnh và bài viết: Dương Kim Chuyển

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC