Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được coi là một trong những động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế, là “chìa khóa” để Việt Nam chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống, vốn dựa vào lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên, sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên năng suất và đổi mới sáng tạo. Chính vì vậy, các cấp, ngành, địa phương cần tích cực vào cuộc, tăng cường kết nối để tận dụng hiệu quả các nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
“Mũ cách ly di động” của ba học sinh Đỗ Trọng Minh Đức, Trần Nguyễn Khánh An và Nguyễn Hoàng Phúc phát triển dưới sự hướng dẫn của nhà sáng chế Nguyễn Đình Nam, có thể giúp phòng, chống dịch Covid-19 tham gia trình diễn trong Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST Việt Nam 2020 tại Hà Nội.
Còn nhiều khó khăn, hạn chế
Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 108 quỹ, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ thuần Việt. Việt Nam có 2 doanh nghiệp khởi nghiệp có định giá trên 1 tỷ USD và khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp có định giá hơn 100 triệu USD.
Mặc dù đã có nhiều khởi sắc, song hệ sinh thái khởi nghiệp ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đặc biệt, chưa có được hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh để thúc đẩy, nuôi dưỡng khởi nghiệp, lập nghiệp. Việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp còn nhiều khó khăn về vốn, pháp lý, đăng ký sở hữu trí tuệ, tính đồng bộ…
Trưởng phòng Tư vấn quản lý đầu tư, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Phan Thị Diễm Ngọc cho biết, mỗi năm Hà Nội có từ 25.000 đến 28.000 doanh nghiệp thành lập mới, song số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, gọi được vốn đầu tư từ những quỹ đầu tư chiếm tỷ lệ rất ít (khoảng 0,1%). Phần lớn doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số (SMB Digital).
Về tình trạng trên, anh Phan Bá Mạnh, sáng lập Công ty Công nghệ vận tải An Vui (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cho hay, hiện quy trình đầu tư doanh nghiệp khởi nghiệp đang áp dụng chung với nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ 1 triệu USD trở lên, thực hiện theo quy trình thủ tục đầu tư nước ngoài. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp khi đàm phán xong sẽ chuyển sang quốc gia khác thành lập doanh nghiệp để thuận lợi trong việc tiếp nhận nguồn vốn góp.
Thực tế, cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo còn không ít bất cập. Đơn cử Nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày 11-3-2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, quy định các nhà đầu tư tư nhân có thể thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo nhưng không được thành lập tư cách pháp nhân. Ngoài ra, chỉ được tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập quỹ, đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo… Đây là những quy định chưa phù hợp với đặc thù gọi vốn của các startup. “Các quy định hiện hành thực tế đang có nhiều điểm nghẽn đối với tiến trình đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết.
Liên kết chặt chẽ mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo quốc gia
Để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần có sự nỗ lực và phối hợp, kết nối từ các cấp, ngành, doanh nghiệp khởi nghiệp đến các chủ thể trong hệ sinh thái. Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, hiện VCCI đang tập hợp được đội ngũ chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng đầu tại Việt Nam để triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp chuyên sâu và cao cấp.
Còn theo bà Phan Thị Diễm Ngọc, triển khai “Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2019-2025”, ngay từ đầu năm 2020, thành phố đã bố trí gần 20 tỷ đồng để triển khai các nhiệm vụ, như: Hỗ trợ thực hiện các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo… Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã ban hành quy chế quản lý tài chính; Sở Khoa học và Công nghệ ban hành trình tự thủ tục biểu mẫu, nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thời gian tới, ngoài việc tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế hiện hành, nước ta sẽ tập trung vào các hoạt động chính, như: Hình thành các mô hình liên kết giữa Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp phát triển các không gian sáng tạo, khu làm việc chung hỗ trợ khởi nghiệp; tập trung phát triển, liên kết các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, từ đó khuyến khích và đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp mạnh từ khu vực này. Khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phòng thí nghiệm, khu thử nghiệm của các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp để hình thành các khu hỗ trợ kỹ thuật cho khởi nghiệp sáng tạo; lấy trí tuệ, con người làm giá trị cốt lõi để đổi mới sáng tạo.
“Tập trung hình thành những nền tảng liên kết mới, không gian kết nối nguồn lực mới, những cơ hội mới để có được những thành tựu mới; nhanh chóng hình thành và liên kết chặt chẽ mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, liên kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.