Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

  • Tin tức
  • >
  • Khai mạc Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tại Cà Mau

Khai mạc Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tại Cà Mau

Sáng ngày 15/11/2024, UBND tỉnh Cà Mau phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2024.

Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản năm 2024 có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh; Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Nhật Bản, Ấn Đội, Trung Quốc, Hoa Kỳ.

Đặc biệt là sự góp mặt của các doanh nghiệp nhập khẩu đến từ Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hồng Kông (Trung Quốc) và các chuỗi siêu thị lớn trong nước (AEON, Coopmart, Central Retail, Bách hóa Xanh, Kingfood Mart), các công ty xuất nhập khẩu, các hiệp hội, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp; cùng hơn 50 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, sản xuất sản phẩm OCOP, đặc sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Khai mạc Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tại Cà Mau

Quang cảnh hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản năm 2024 tỉnh Cà Mau. Ảnh: Tiểu Kết

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành nông, thủy sản đối với kinh tế tỉnh, đồng thời bày tỏ mong muốn nâng cao vị thế sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương. Ông cũng bày tỏ tầm quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Khai mạc Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tại Cà Mau

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử phát biểu khai mạc tại Hội nghị. Ảnh: Tiểu Kết

“Cà Mau là một trong 4 ngư trường trọng điểm của Việt Nam với diện tích trên 70.000 km2, có 280.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, với sản lượng tôm hàng năm khoảng 250.000 tấn, cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho 41 nhà máy chế biến thuỷ sản, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 01 tỷ USD/năm. So sánh với các cường quốc xuất khẩu tôm khác, Cà Mau nói có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ vào các sản phẩm giá trị gia tăng, các sản phẩm này giúp cho Cà Mau nhiều năm giữ vững thị phần tại các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật, Úc, Hàn Quốc…

Ngoài tôm, cua Cà Mau cũng là một sản phẩm có lợi thế cạnh tranh đặc biệt, nổi bật với vị ngon, ngọt, chắc thịt đặc trưng, khó có nơi nào sánh bằng. Cua Cà Mau được nuôi thả xen kẽ với tôm và các loài thủy sản khác trên diện tích khoảng 250.000 ha, sản lượng đạt khoảng 25.000 tấn mỗi năm.”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, hiện Cà Mau có 151 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó 29 sản phẩm đạt 4 sao, 122 sản phẩm 3 sao; các chủ thể cơ bản đảm bảo điều kiện năng lực sản xuất, liên kết sản xuất, chứng nhận chất lượng như ISO, VietGAP, HACCP, nhãn hàng hóa và bao bì, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng chia sẻ những khó khăn trong hoạt động xúc tiến thương mại, tình hình xuất khẩu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của tỉnh. Đồng thời, bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp nhập khẩu, nhà phân phối để nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đánh giá cao tiềm năng của Cà Mau, theo đó địa phương này sở hữu ngư trường lớn nhất cả nước và đã phát triển mạnh mẽ các sản phẩm thủy sản xuất khẩu như tôm, cua, cá biển, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU.

Khai mạc Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tại Cà Mau

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng chủ trị Hội nghị. Ảnh: Tiểu Kết

“Thời gian qua, Cà Mau đã đẩy mạnh phát triển các vùng nguyên liệu nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, sản lượng ổn định; ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến; đẩy mạnh phát triển hệ thống kho bãi, các loại hình dịch vụ logistics nhằm giảm chi phí logistics…

Các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nói trên thực sự đã mang lại các kết quả đáng ghi nhận trong sản xuất, kinh doanh xuất khẩu nông, thủy sản của tỉnh Cà Mau trong năm 2024. Các sản phẩm nông, thủy sản chủ lực của Cà Mau đã và đang có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, ngay cả ở các thị trường vô cùng khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU…

Trong 10 tháng vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Cà Mau đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu do tăng trưởng xuất khẩu của các sản phẩm nông, thủy sản xuất khẩu thế mạnh, chủ lực của tỉnh Cà Mau như tôm, cá, cua biển, mực, lúa gạo, mật ong, trái cây tươi…”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Ghi nhận nỗ lực của tỉnh Cà Mau trong việc duy trì sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu, và xây dựng hệ thống logistics hiệu quả, Thứ trưởng Phan Thị Thắng khẳng định Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, mở rộng thị trường, và nâng cao giá trị sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam trên trường quốc tế.

Khai mạc Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tại Cà Mau
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau Nguyễn Chí Thiện giới thiệu về tiềm năng hợp tác kinh tế của tỉnh tại Hội nghị. Ảnh: Tiểu Kết

Thông qua Hội nghị, đại diện các tham tán thương mại của các nước cũng đã chia sẻ, cung cấp nhiều thông tin về tiềm năng, nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường bản địa cũng như đề xuất các giải pháp giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh Cà Mau tiếp cận thị trường.

Hội nghị năm nay tập trung trao đổi, giới thiệu về tiềm năng, cơ hội xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của Cà Mau; cơ hội, thách thức đối với xuất khẩu năm 2024 và những năm tiếp theo; tiềm năng và lưu ý đối với xuất khẩu sang thị trường Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ; nhu cầu về thị trường của các sản phẩm OCOP Cà Mau; ký kết ghi nhớ giữa các doanh nghiệp;…

Đồng thời có các gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm thủy sản xuất khẩu, sản phẩm OCOP, đặc sản tỉnh Cà Mau; trình chiếu đoạn phim quảng bá du lịch Cà Mau, giới thiệu đến khách nước ngoài bản sắc văn hóa Nam Bộ thông qua tiết mục văn nghệ truyền thống.

Hội nghị được kỳ vọng sẽ giúp các sản phẩm nông, thủy sản chủ lực của tỉnh Cà Mau tiếp cận với các thị trường tiềm năng, đồng thời là cơ hội để tỉnh đánh giá lại công tác tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm, nhằm xây dựng chuỗi liên kết giá trị bền vững.

Theo Tiểu Kết – Trường An Báo Công Thương

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC