Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

Cà Mau quyết tâm nâng tầm sản phẩm OCOP

Sau hơn ba năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tỉnh Cà Mau hiện có 138 sản phẩm OCOP được công nhận (109 sản phẩm đạt 3 sao, 29 sản phẩm đạt 4 sao) của 67 chủ thể. Thông qua Chương trình OCOP, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước gia tăng quy mô sản xuất, cải thiện mô hình tổ chức quản lý, không ngừng cải tiến về chất lượng, tiêu chuẩn, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau nhìn chung vẫn chưa phát huy tối đa giá trị nguồn tài nguyên bản địa, chưa được đầu tư, phát triển xứng tầm. Do đó, phần lớn sản phẩm OCOP chưa vào được các kênh phân phối, các hệ thống siêu thị lớn.

Nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của Chương trình OCOP, tạo sức lan tỏa và góp phần nâng tầm sản phẩm đặc sản của địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh – Lê Văn Sử đã yêu cầu, chỉ đạo các ngành, địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ cá nhân và tổ chức thực hiện chương trình OCOP; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới.

Với tinh thần quyết tâm nâng tầm sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau, ngay từ đầu năm 2024, các ngành, địa phương khẩn trương triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát và hỗ trợ cá nhân và tổ chức thực hiện chương trình OCOP. Cụ thể, ngày 07/3/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Đầm Dơi. Đoàn kiểm tra do ông Phan Vân Minh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng đoàn, ông Phùng Sơn Kiệt, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng đoàn, cùng đại diện các đơn vị: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Y tế; Sở Công Thương; Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; cán bộ lấy mẫu của Trung tâm Phân tích kiểm nghiệm (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) và cán bộ Chi cục Phát triển nông thôn.

Tại buổi làm việc với Ủy ban huyện Đầm Dơi, đoàn công tác đã nghe báo cáo của đại diện Ủy ban nhân dân huyện Đầm Dơi về kết quả thực hiện quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn huyện; kiểm tra thực tế các hồ sơ đã đánh giá, phân hạng năm 2023, quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Đầm Dơi.

Đoàn công tác làm việc tại UBND huyện Đầm Dơi

Đồng thời, đoàn công tác đã cử cán bộ chuyên môn đến kiểm tra thực tế tại các cơ sở về các tiêu chí như: quy trình sản xuất; vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm và tiến hàng lấy mẫu tại 2 cơ sở có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP năm 2023 là Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Huy Thịnh (sản phẩm chả cá phi chiên và khô cá phi) và Hợp tác xã Nguyễn Thơ (sản phẩm tôm khô nguyên vỏ).

Đại diện đoàn làm việc và lấy mẫu kiểm tra tại HTX Nuôi trồng thủy sản Huy Thịnh

Đại diện đoàn làm việc và lấy mẫu kiểm tra tại HTX Nguyễn Thơ

Trước đó, chiều 19/02/2024, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh – Chủ tịch Hội đông đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau, Lê Văn Sử cùng đoàn công tác đến khảo sát Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Hòa Phát (huyện Năm Căn) và có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Năm Căn nhằm hỗ trợ Công ty phát triển, nâng hạng sản phẩm OCOP.

Năm 2023, Công ty Vĩnh Hòa Phát có 1 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao (bánh phồng tôm) và 2 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao (bánh phồng chuối, bánh phồng môn). Năm 2024, Công ty Vĩnh Hòa Phát đăng ký nâng hạng lên 5 sao đối với bánh phồng tôm; nâng hạng 4 sao đối với sản phẩm bánh phồng chuối và bánh phồng môn.

Qua khảo sát, đoàn công tác đánh giá Công ty Vĩnh Hòa Phát đã có sự phát triển mạnh mẽ kể từ khi tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm của Công ty có tiềm năng rất lớn để nâng hạng lên 5 sao, cũng như xuất khẩu sang các thị trường lân cận như Đài Loan, Thái Lan,.. Tuy nhiên, hiện tại tiềm lực của Công ty vẫn còn nhiều hạn chế (quy mô sản xuất chưa đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu, giao thông chưa thuận lợi, vốn đầu tư còn hạn chế,…). Vì vậy, để nâng hạng sản phẩm lên 5 sao, các cơ quan chuyên môn cần tích cực hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể duy trì phát triển các tiêu chí đã đạt được, đồng thời phải nổ lực hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu các tiêu chí bắt buộc đối với sản phẩm OCOP 5 sao. Mặt khác, Công ty phải chủ động có kế hoạch và chiến lược phát triển phù hợp, không chỉ dừng lại ở mục tiêu OCOP 5 sao mà phải hướng đấn xuất khẩu bền vững.

Công nhân Công ty CP XNK Vĩnh Hòa Phát đang làm việc

Sau buổi khảo sát và làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Năm Căn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP năm 2024 phấn đấu hỗ trợ nâng hạng ít nhất 15 sản phẩm OCOP 4-5 sao. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, rà soát toàn bộ các tiêu chí, phối hợp với các huyện, thành phố Cà Mau và các cơ quan chuyên môn hỗ trợ các chủ thể OCOP nâng hạng sản phẩm năm 2024 phải duy trì, phát triển và cố gắng đạt điểm tối đa các tiêu chí; đối với các tiêu chí bắt buộc nhất định phải đảm bảo theo bộ tiêu chí được quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ./.

Bài viết, ảnh: Đức Xinh

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC