Dù tỉ trọng xuất khẩu các mặt hàng đặc sản “nhà quê” như mắm, cá khô… còn nhỏ song tốc độ tăng trưởng tốt, giúp doanh nghiệp sống khỏe.
Báo The New York Times (Mỹ) mới đây đăng bài khá dài với những mô tả thú vị về món bún đậu mắm tôm bán trên vỉa hè ở TP New York. Theo bài báo, thực khách được trải nghiệm ẩm thực “rất Việt Nam” khi bàn ăn là một chiếc ghế nhựa, người đi đường tấp nập qua lại.
Sản phẩm xuất khẩu “triệu USD”
Ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (tỉnh Thanh Hóa), cho hay báo chí và mạng xã hội Mỹ, Úc ngày càng xuất hiện nhiều bài giới thiệu về ẩm thực Việt Nam, giúp ẩm thực Việt nói riêng và ẩm thực châu Á nói chung trở nên phổ biến ở nhiều nước. Nhờ vậy, một số sản phẩm thuần Việt như nước mắm, mắm tôm, mắm ruốc… có nhiều cơ hội xuất khẩu, không chỉ phục vụ Việt kiều mà cả người bản địa.
Sau thời gian chuẩn bị, năm 2023, Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia đã xuất khẩu những container nước mắm, mắm tôm và mắm ruốc kiểu Huế vào Mỹ và Úc. Doanh nghiệp (DN) cũng đang xúc tiến cho đơn hàng đầu tiên vào Hà Lan.
“Các đầu bếp phương Tây gần đây đã đưa các loại mắm Việt Nam vào chế biến để tạo hương vị mới cho món ăn. Giữa lúc thị trường nội địa đang chậm, mảng xuất khẩu mắm của chúng tôi năm nay dự kiến tăng trưởng 20% và tăng tỉ trọng đóng góp vào doanh thu của DN” – ông Lê Anh thông tin.
Công ty Chế biến Thực phẩm công nghệ Sông Hương (TP HCM) cũng xuất khẩu được nhiều đặc sản gồm mắm ruốc, mắm cá linh, mắm cá sặc, tôm chua đu đủ, tôm chua cà pháo, bánh lọc… vào thị trường Mỹ.
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc công ty, cho hay đây là thị trường mới của sản phẩm nên tăng trưởng rất cao. Dự kiến năm 2023, doanh số xuất khẩu các loại đặc sản của công ty sang thị trường Mỹ đạt 1,5 triệu USD.
Theo ông Tuấn, một trong những nguyên nhân giúp xuất khẩu các sản phẩm mắm tăng trưởng mạnh là nhờ các clip review ẩm thực Việt được kiều bào xem nhiều. Bản thân DN cũng chủ động truyền thông, quảng bá sản phẩm đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài thông qua mạng xã hội.
Là giám đốc một HTX chuyên sản xuất khô từ cá nước ngọt tại TP HCM, bà L. cho hay mỗi dịp lễ, Tết, HTX xuất khẩu tại chỗ số lượng lớn sản phẩm cho Việt kiều mang về các quốc gia đang sinh sống. Tuy nhiên, vào ngày thường, khách muốn đặt mua hàng gửi đi các nước thì phải chịu cước phí cao.
“Các nước có đông Việt kiều sinh sống thường có nhu cầu cá khô rất lớn. Chúng tôi đang tìm hiểu quy trình để xuất khẩu sản phẩm trực tiếp, giúp khách hàng mua được sản phẩm với giá phải chăng hơn” – bà L. cho biết.
Theo một số hộ sản xuất đặc sản mắm, cá khô…, những mặt hàng này chủ yếu được sản xuất ở quy mô hộ gia đình, HTX hoặc DN siêu nhỏ với khá nhiều hạn chế. Do vậy, không phải đơn vị nào cũng có thể xuất khẩu trực tiếp.
Thị trường ngách quan trọng
Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy trong tháng 4-2023, kim ngạch xuất khẩu cá biển khô đạt 26 triệu USD, tăng 65% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá biển khô đạt gần 78 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hai loại cá khô xuất xứ Việt Nam được ưa chuộng nhất hiện nay là cá cơm (chiếm 66% kim ngạch) và cá chỉ vàng (chiếm 14%). Một số thị trường tiêu thụ lượng lớn cá khô ở Việt Nam là: Trung Quốc (chiếm 56%), Nga (chiếm 17%), Malaysia (chiếm 8%)…
Đáng chú ý, tôm khô là mặt hàng xuất khẩu duy nhất có tăng trưởng trong quý I/2023 với giá trị 8 triệu USD, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc quý đầu năm nay đạt 238,3 triệu USD, giảm 25,6% về trị giá so với quý I/2022. Tuy nhiên, 3 mặt hàng thủy sản khô lại ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, gồm: cá cơm khô với kim ngạch gần 25,8 triệu USD, tăng 51,3%; cá tra khô đạt kim ngạch 11,2 triệu USD, tăng 24,2% và tôm khô đạt 3,5 triệu USD, tăng 254,4%.
Phát biểu tại một hội nghị về gỡ khó cho xuất khẩu thủy sản mới đây tại TP HCM, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, lưu ý các DN chủ động vượt khó bằng cách điều chỉnh thị trường và cơ cấu sản phẩm xuất khẩu. Trong đó, cần nắm bắt xu hướng tiêu dùng của các thị trường lớn, chú trọng vào những thị trường đang tăng tiêu thụ các thực phẩm của người châu Á nói chung và thực phẩm có nguồn gốc Việt Nam nói riêng.
Từ tình hình thực tế, VASEP dự báo xuất khẩu hàng thủy sản khô (tôm, cá, mực), nước mắm, chả cá, đồ hộp sẽ tiếp tục tăng. DN có thể tăng cường khai thác thị trường ngách để bù đắp phần nào sự sụt giảm của các thị trường chính, mặt hàng chính.
Cần đầu tư bài bản
Bà Mai Thị Thùy Trang, Giám đốc HTX Tài Thịnh Phát Farm (tỉnh Cà Mau), cho biết HTX hiện cung cấp nguyên liệu cho một số đầu mối xuất khẩu tôm khô sang Mỹ, Hàn Quốc và Singapore. Nhận thấy nhu cầu của khách quốc tế cao, HTX đang có kế hoạch chuẩn bị vùng nguyên liệu, cơ sở vật chất để có thể đáp ứng những đơn hàng xuất khẩu tôm khô trực tiếp trong vài năm tới.
Theo ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia, nhìn chung các DN khi xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường mới đều gặp khó khăn trong việc đáp ứng các quy định về hồ sơ giấy tờ, yêu cầu xét nghiệm cần thiết… “Nếu DN tuân thủ đúng thì chi phí xuất khẩu đối với những lô hàng sau sẽ ít hơn, tần suất kiểm tra cũng thấp. Tóm lại, để xuất khẩu tốt thì cần đầu tư bài bản, lâu dài, không thể đòi hỏi lô đầu tiên có lợi nhuận ngay” – ông Lê Anh chia sẻ kinh nghiệm.
Xem thêm: Cà Mau tham gia Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại khu vực phía Nam
Ngọc Ánh nld.com.vn thực hiện