Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

Startup đưa “nhân cách” vào trò chuyện AI

Character.ai cũng giống ChatGPT, dùng AI tạo nên các cuộc đối thoại tự nhiên. Tuy nhiên, với Character.ai, người dùng có thể trò chuyện hẳn với danh nhân như “Napoleon” hay “Elon Musk”.

Nếu ChatGPT, ứng dụng ra mắt 11/2022, thu hút người dùng với tốc độ chóng mặt, thì với sản phẩm mới của mình, Character.ai đánh cược vào phần thời gian sử dụng, cũng như tỷ lệ tăng trưởng người dùng hằng tháng.

Character.ai là một startup gây được tiếng vang khá lớn gần đây trong làng công nghệ. Hồi tháng 3, mặc dù bộ máy chỉ có chưa đến 30 nhân sự, họ vẫn gọi thành công 150 triệu USD tiền vốn đầu tư từ Andreessen Horowitz và các nhà đầu tư khác. Nhờ đó, định giá của công ty đạt mức 1 tỷ USD.

Character.ai được Noam Shazeer và Daniel De Dreitas thành lập. Hai người từng là nhân viên của Google. Vì cho rằng Google quá chậm chạp trong việc phát triển AI, do đó cả hai rời công ty để tự mình xây dựng mô hình ngôn ngữ.

Sản phẩm của Character.ai cho phép người dùng trò chuyện với hơn 10 triệu nhân vật, từ người còn sống cho đến người đã chết, từ Billie Eilish cho đến Donald Trump hay thậm chí Napoleon Bonaparte.

Dĩ nhiên, character.ai tổng hợp các thuộc tính của những nhân vật này qua internet. Tức là “nhân vật” mà người dùng đang trò chuyện thực ra là “phiên bản internet” những thứ mà người ta gán cho nhân vật đó.

Khi đã chọn được nhân vật, người dùng có thể bắt đầu trò chuyện, biến nhân vật thành người tranh luận cùng, hoặc sai “Elon Musk” viết email cho mình. Ngoài trò chuyện 1-1, character.ai còn cho phép người dùng trò chuyện theo nhóm.

Kể từ khi ra mắt ứng dụng trên cửa hàng iOS và Android ngày 24/5, characrter.ai ghi nhận hai triệu lượt tải về trong tuần đầu tiên.

Không giống ChatGPT, cơ sở người dùng của character.ai nghiêng về người dùng di động hơn. Dữ liệu từ Similarweb cho thấy kể từ tháng 2, phiên bản web của character.ai đã vượt mặt ChatGPT về thời gian sử dụng trung bình, gấp từ ba đến năm lần. Theo chia sẻ từ đại diện công ty, trong mỗi lần sử dụng, người dùng sẽ ở lại nền tảng character.ai hơn 29 phút, tương đương với các mạng xã hội như Instagram.

Tức là ở đây, character.ai vừa sở hữu tiện ích về thông tin như ChatGPT, vừa tạo cho người dùng cảm giác thích thú như các trang mạng xã hội. Hai đặc tính kết hợp này giúp character.ai tạo được tiếng vang lớn.

Dĩ nhiên, vẫn còn khá xa để khẳng định character.ai sẽ xưng vương trong mảng AI. Hiện tại doanh thu của ứng dụng này vẫn khá thấp. Họ cũng không đưa ra bất kỳ thông tin nào về số người dùng phiên bản cao cấp với giá 9,99 USD/tháng của họ. Đồng thời, dù character.ai có số người dùng gấp ba lần ứng dụng Bard của Google, thì con số này cũng chỉ mới bằng 10% so với ChatGPT. Theo Apptopia, một số ứng dụng AI gần đây khác như Picsart hay PhotoRoom đã có lượt tải về nhiều hơn character.ai.

Đồng thời, điểm mạnh về “nhân vật” cũng có thể trở thành điểm yếu của character.ai. Dù quảng cáo là “siêu trí tuệ được cá nhân hóa”, nhưng ứng dụng này vẫn đi kèm với cảnh báo “mọi thứ nhân vật nói đều là giả tưởng.” Và trên thực tế, việc sử dụng nhân vật dựa trên người thật là một vùng pháp lý màu xám, có nhiều rủi ro kiện cáo.

Bất chấp những vấn đề trên, không thể phủ nhận rằng sản phẩm của character.ai đã làm sôi động thêm cuộc đua soán ngôi ChatGPT, một cuộc đua với quy mô toàn cầu. Thế giới có quyền mong đợi những sản phẩm mới mẻ hơn, hấp dẫn hơn. Chẳng hạn Baidu vừa tuyên bố sẽ xây dựng lại tất cả sản phẩm của mình, tức tất cả ứng dụng phục vụ 650 triệu người dùng hằng tháng, trên mô hình nền tảng AI.

Xem thêm: Doanh nghiệp dễ “mất điểm” vì chưa kịp bắt trend bao bì sản phẩm

Quân Bảo diendandoanhnghiep.vn thực hiện

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC