Chiều 26/4, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Bộ trong thời gian tới. Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tuyến tại ba điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; các Thứ trưởng Bộ VHTTDL: Thứ trưởng Tạ Quang Đông; Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ; Thứ trưởng Đoàn Văn Việt; Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các Tổng cục, Ban quản lý Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, các Cục, Vụ, Viện và các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Hội nghị đã nghe các tham luận: Quán triệt những điểm mới của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình; Xây dựng và hoàn thiện Chiến lược văn hóa Việt Nam đến năm 2030; Chương trình phát triển thể dục thể thao; Chương trình phát triển Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Triển khai nhiệm vụ đối với lĩnh vực gia đình trong bối cảnh mới.
Theo báo cáo chung tại Hội nghị, trong 4 tháng đầu năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tập trung xây dựng 11 văn bản, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021. Trên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 14 nhiệm vụ, đến nay, Bộ đã hoàn thành 06 nhiệm vụ, đang thực hiện 08 nhiệm vụ. Bộ đã ban hành 03 Quyết định công bố thủ tục hành chính; giải quyết 2.619 hồ sơ đề nghị cấp phép.
Tại Hội nghị, các đại biểu ở 3 điểm cầu đã chủ động, tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn thiện các chương trình hành động của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Bộ trong thời gian tới được tổ chức trên cơ sở quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị, định hướng của Chính phủ về việc giao cho các Bộ, ngành khẩn trương xây dựng chương trình hành động theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Vì vậy Hội nghị lần này có thể xem là Hội nghị xây dựng chương trình hành động nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bộ trưởng cho rằng, yêu cầu đặt ra là xây dựng chương trình hành động sát, đúng tình hình, nắm vững quan điểm của Đảng nhưng đồng thời cũng phải vận dụng sáng tạo trong thực tiễn của từng lĩnh vực, theo từng bộ ngành để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Vì vậy, lãnh đạo Bộ đã “đặt hàng” các đơn vị để xây dựng các nội dung và lắng nghe từng bước, hoàn thiện từng bước để đưa ra Hội nghị hôm nay.
Trong đó, Chiến lược phát triển văn hóa được xác định là gốc của toàn bộ chương trình. Nếu thực hiện được Chiến lược phát triển văn hóa thì sẽ tác động trở lại đến lĩnh vực thể thao và lĩnh vực du lịch.
Bộ trưởng nhắc lại quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, Người nêu văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra với phương thức sử dụng chúng, nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời đó cũng là mục đích của cuộc sống loài người. Trong đó, ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa.
Chiến lược văn hóa được xác định rất quan trọng, không tách rời chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề cập – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho hay, Hội nghị đã thống nhất về sự cần thiết, mục đích, yêu cầu của Chiến lược, nhưng nội hàm, nội dung được thiết kế theo từng nhóm lĩnh vực.
Về lĩnh vực văn hóa, Bộ trưởng cho rằng, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là cái gốc của vấn đề. Và văn hóa đó phải được hình thành từ gia đình, nhà trường, xã hội. Đơn vị để xây dựng là thôn, ấp, làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị. Bộ VHTTDL có trách nhiệm đưa ra nội dung, tiêu chí, các đơn vị, các ngành, các cấp thực hiện.
Khẳng định môi trường văn hóa rất quan trọng, Bộ trưởng cho rằng, cần nghiên cứu thí điểm, chọn lĩnh vực văn hóa ở môi trường nào, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
“Chiến lược văn hóa phải tập trung vào khắc phục được “căn bệnh” mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra. Làm thế nào để môi trường công sở phải là môi trường đoàn kết, là môi trường văn hóa để tạo động lực của sự phát triển. Đó là môi trường cạnh tranh lành mạnh, ở đó không có xu nịnh mà là những góp ý chân thành, thẳng thắn, ở đó không có chỗ cho chạy chức chạy quyền, tất cả phải minh bạch. Phải có tính nêu gương của người đứng đầu”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng gợi mở, khi xác định doanh nghiệp là lực lượng phát triển của xã hội, môi trường văn hóa trong doanh nghiệp gắn với đó là xây dựng điểm môi trường của doanh nhân. Muốn làm được phải gắn bó chặt chẽ với các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp. Chúng ta xây dựng định hướng khung, tổ chức các cuộc vận động, từ đó đặt ra các chỉ tiêu.
Nếu chúng ta lan tỏa tinh thần trong doanh nghiệp, người công nhân, người lao động có quyền thưởng thức văn hóa, hoạt động thể thao trong không gian của doanh nghiệp đó. Đó là chúng ta đang xây dựng môi trường văn hoá. Khắc phục sự thiếu hụt khi có những khu công nghiệp hàng ngàn công nhân nhưng không có một thiết chế văn hóa nào. Bộ VHTTDL phải kiến nghị, đề xuất để các doanh nghiệp thực hiện.
Bộ trưởng cũng khẳng định, xây dựng môi trường văn hóa là vấn đề rộng, lớn, hiện chúng ta đang bước đầu tiếp cận nên cần tiếp tục nghiên cứu. Chiến lược phải tính toán, chọn việc, chọn điểm, không dàn trải, cũng không manh mún nhỏ lẻ. “Phải xác định, đã làm là ra tấm ra món, huy động các nguồn lực. Muốn thế phải bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nghị quyết khẳng định “Tăng tỉ lệ đầu tư cho ngành văn hoá”. Vấn đề là chúng ta có biết làm thế nào để tăng tỉ lệ không”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Ngoài việc số hóa lĩnh vực văn hoá, Bộ trưởng nêu rõ, phải quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kết tinh giá trị văn hóa trong kinh tế, kinh tế trong văn hoá. Chiến lược phát triển văn hoá, công nghiệp văn hóa phải chọn lọc, không dàn trải.
Bộ trưởng gợi mở: Tại sao 1 nhóm nhạc Hàn Quốc đi khắp thế giới, mang lại lợi nhuận cho Hàn Quốc gấp 20 lần Tập đoàn Huyndai. Tại sao họ chọn Ninh Bình của chúng ta để làm cảnh quay cho phim bom tấn? Chúng ta phải suy nghĩ, để từ đó chọn lựa.
Bộ trưởng cho rằng, trách nhiệm của Bộ là tìm điểm nghẽn trong thể chế để đề xuất tháo gỡ. “Phải bắt đầu từ thể chế, tìm xem điểm nghẽn nào làm văn hóa không phát triển, tìm nguồn lực để hình thành thiết chế văn hóa theo phân cấp. Chọn việc mà làm, hướng đến môi trường văn hoá, văn hóa cơ sở là gốc, chọn địa bàn để chỉ đạo. Nếu chỉ tại Hội nghị nói mà không thực hiện thì tất cả chỉ trên giấy. Nên sau Hội nghị chúng ta phải triển khai ngay, chọn từng địa phương thực hiện, mỗi đơn vị chọn một vài địa phương thực hiện. Các thứ trưởng phải là mũi nhọn trong lĩnh vực mình quản lý”- Bộ trưởng yêu cầu.
Trong lĩnh vực Du lịch, chương trình phát triển du lịch phải gắn kết với chiến lược du lịch mà Chính phủ đã ban hành và nhiệm vụ phát triển du lịch trong 5 năm tới trên cơ sở tính toán sự tác động của dịch COVID-19. Qua đó, xác định, du lịch phải song song hai thị trường du lịch: nội địa và quốc tế. Đẩy mạnh các nhiệm vụ trọng tâm của du lịch là số hóa và xây dựng sản phẩm du lịch.
Bộ trưởng yêu cầu, ngoài xây dựng nhiệm vụ trong những năm tới, trước mắt, trong năm 2021 tập trung tổ chức tốt SEA GAMES 31, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước, con người VIệt Nam, góp phần phát triển du lịch. Bên cạnh đó, đầu tư, đẩy mạnh thể thao quần chúng, từ đó có nguồn lực cho thể thao thành tích cao.
Về vấn đề gia đình, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị phối hợp để tổ chức cuộc vận động xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình tiến bộ, từ đó, góp phần điều chỉnh hành vi văn hóa, vấn đề văn hóa.
Bộ trưởng yêu cầu, sau Hội nghị, phải tổng kết để ban hành các quy chế. Trước mắt là Quy chế ban cán sự. Tuân thủ nguyên tắc lãnh đạo: nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách; nguyên tắc phê bình tự phê bình; kỷ luật nghiêm minh gắn với tự giác; nguyên tắc đoàn kết. Không được phép xa rời 5 nguyên tắc trên, không sẽ rơi vào lạm quyền, điều hành vô tổ chức. Ban cán sự chấp hành tốt nguyên tắc, xây dựng Ban cán sự đoàn kết, hết lòng vì công việc chung, từ đó lan tỏa ra các đơn vị của Bộ.
Về quy chế, phải tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát. Quy chế hoạt động của Bộ là gốc. Phải phân công, phân trách nhiệm rõ ràng, không giao thoa chồng lấn, có người chịu trách nhiệm đứng đầu để thực hiện. Từ đó hạn chế những bất cập- Bộ trưởng nhận định.
Cũng theo Bộ trưởng, cần giữ kỷ cương kỷ luật, làm việc phải có nguyên tắc khuôn khổ, đề cao trách nhiệm nêu gương. Tháng 6 này xem xét thí điểm ký cam kết trách nhiệm giữa lãnh đạo các Cục, Vụ với lãnh đạo Bộ. Năm 2022 sẽ ký cam kết giữa tất cả lãnh đạo các đơn vị của Bộ với Lãnh đạo Bộ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, có sản phẩm và có đầu ra.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, quy chế tuyển dụng ngành văn hóa phải chặt chẽ, để những hạt nhân về đây phải là nhân tố tiêu biểu để giải quyết vấn đề sự hẫng hụt về cán bộ văn hoá. Phải chuẩn bị kỹ lưỡng cả tư tưởng nhận thức, nội dung, thông qua đó, tư tưởng phải thông suốt, nhất quán, có quyết tâm cao, có động lực lớn. “Mở đầu nhiệm kỳ này, ngành VHTTDL đặt ra tiêu chí quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến, khắc phục cho được những khuyết điểm mà Nghị quyết đã đề ra”-Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là hành động. Mong toàn thể các đồng chí cán bộ quán triệt hành động, có danh dự, lòng tự trọng, quyết tâm xây dựng ngành, không trông chờ, ỷ lại, không ngồi đó mà quan sát. Mỗi con người hãy làm tốt phép tính của đời mình: Cộng yêu thương, trừ ghen ghét, đố kỵ, nhân lên đoàn kết, biết chia sẻ. Từ đó, sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đưa ngành từng bước phát triển”./.
Xem thêm: Nâng chất nguồn nhân lực du lịch
Tin: Hà An, ảnh: Minh Khánh