Ngày 20/5, Diễn đàn Kết nối du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 2 – năm 2022 diễn ra tại Đồng Tháp.
Liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả trong thời gian qua. Trong bối cảnh ngành du lịch cả nước đang phục hồi và đạt được những kết quả ấn tượng gần đây, các địa phương đã nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong thời gian qua, việc phát triển và nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm du lịch nông nghiệp giữa ĐBSCL và TP.HCM được các địa phương trong vùng chú trọng đầu tư gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Thông qua các liên kết hợp tác đã có nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp được hình thành; các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm du lịch và sản phẩm OCOP được tổ chức, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của vùng ĐBSCL và TP.HCM.
Tuy nhiên, việc liên kết này vẫn chưa tạo được sự kỳ vọng như mong muốn. Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường không nhằm tạo sự kết nối thuận tiện, kết nối lan tỏa, tạo điều kiện tiếp cận sản phẩm du lịch vẫn là một trong những điểm nghẽn của du lịch ĐBSCL. Ngoài ra, vùng ĐBSCL chưa có đường sắt đi qua, trong khi giao thông đường thủy là lợi thế để trải nghiệm du lịch đặc sắc thì chưa được khai thác, phát triển tương xứng với tiềm năng đang gây nhiều khó khăn, thách thức cho phát triển du lịch vùng ĐBSCL.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng nhận định, công tác xúc tiến quảng bá du lịch của vùng cũng chưa phát huy hiệu quả do thiếu kinh nghiệm trong tổ chức. Việc thực hiện đánh giá hiệu quả của các chương trình, hoạt động quảng bá, xúc tiến chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch chưa mạnh dạn khẳng định vai trò đồng hành và hỗ trợ trong quá trình phát triển; chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch vùng ĐBSCL và TP.HCM chưa được chú trọng đúng mức, còn bị động, chưa phát triển xứng tầm với sản phẩm du lịch trong vùng.
Một trong những vấn đề đáng quan tâm là nguồn nhân lực, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, vấn đề nhân lực du lịch càng trở nên khó khăn. Thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cũng là một rào cản lớn với phát triển du lịch ĐBSCL. Bên cạnh đó, nhận thức về du lịch, bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch và phát triển bền vững cũng là những vấn đề cần quan tâm. Ngoài ra, thiếu sự liên kết, hợp tác trong quản lý và hoạt động du lịch giữa các tỉnh thành trong vùng với TP.HCM, đồng thời với các tỉnh thành trong cả nước.
Ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết vùng ĐBSCL và TP.HCM có rất nhiều dư địa để phát triển trở thành một trong những khu vực động lực của ngành du lịch. Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL với TP.HCM và các công ty du lịch, các trung tâm du lịch để khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của vùng ĐBSCL.
“Trước đây chúng ta chưa có chương trình này, các tỉnh chưa phát huy đầy đủ thế mạnh của mình, chưa kết nối tốt với TP.HCM là nơi có nhiều kinh nghiệm, có nhiều doanh nghiệp, có nhiều điều kiện thuận lợi để đón khách trong, ngoài nước. Nếu làm tốt thì thế mạnh này sẽ được kết nối, phát triển đồng bộ và thu hút, như vậy chúng ta có thế mạnh chung cho cả chương trình phối hợp giữa 13 tỉnh với TP.HCM; các địa phương đều có cơ hội giống nhau để phát triển du lịch của mình” – ông Đoàn Tấn Bửu nói./.
Xem thêm: Cà Mau hướng đến nền kinh tế xanh – Bài 2: Triển vọng du lịch
Phạm Hải vov.vn thực hiện