Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Khởi nghiệp thành công từ nghiên cứu chế tạo ra chiếc máy cấy

Câu chuyện khởi nghiệp và đi lên từ khoa học công nghệ của anh Trần Đại Nghĩa – Thái Bình như là mối lương duyên. Từ ước mơ anh đã nghiên cứu chế tạo ra chiếc máy cấy để giải phóng sức người.

Biến ước mơ thành hiện thực

Ấp ủ ước mơ nhiều năm trời là giúp mẹ và người nông dân quê mình đỡ vất vả, anh Trần Đại Nghĩa ở Tiền Hải – Thái Bình đã khởi nghiệp và đi lên bằng chế tạo thành công máy cấy không cần động cơ. Máy dễ sử dụng, giá thành rẻ và phù hợp trên nhiều vùng đồng đất. Việc làm của anh thực sự đã giúp giấc mơ giải phóng bớt sức lao động của người nông dân thành hiện thực.

Anh Trần Đại Nghĩa cho biết: Tôi được gia đình cho đi học một khóa sửa chữa điện tử ở Trường Trung cấp nghề ở Nam Định. Học xong, tôi về quê sửa chữa điện tử kiếm sống, rồi lập gia đình. Đồng lúa quê nhà vẫn là nơi chủ yếu nuôi sống đại gia đình của tôi. Bố mẹ tôi vẫn chưa hết khổ. Vợ tôi vẫn phải còng lưng xuống cấy, đêm về đau ê ẩm cả người. Nhất là những tháng mang bầu, việc cấy hái cứ phải cúi gằm mặt xuống, thật vất vả. Điều ấy cứ day dứt mãi trong tôi mà lúc đó chẳng biết làm thế nào để giúp”.

Công nhân Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa chế tạo, lắp ráp máy cấy (ảnh báo Thái Bình)

Thế rồi phong trào xuất khẩu lao động ở Tiền Hải trở nên khá sôi động. Gia đình cố lo tiền để anh sang Hàn Quốc làm việc. Sẵn có nghề sửa chữa điện tử trong tay, lại là người thông minh, ở công ty, nhiều loại máy bị hỏng, quản đốc thường tìm đến anh nhờ sửa chữa.

Theo anh Nghĩa: Năm 2002, tôi ra cánh đồng, thấy nông dân Hàn Quốc sao mà nhàn hạ quá. Tôi tự nhủ, bao giờ Việt Nam mới có loại máy này? Nếu có, hẳn là mẹ tôi, gia đình tôi rồi người nông dân quê tôi sẽ bớt vất vả. Lúc này thì ý tưởng chế tạo máy hình thành. Tôi cứ nghĩ đến khuôn mặt hả hê, mừng vui của mẹ khi được giải phóng sức lao động mà thấy vui lắm. Tôi liền chụp ảnh máy cấy của nước bạn, và tìm hiểu nguyên lý hoạt động và tìm thêm sách vở để nghiên cứu.

Năm 2025 anh Nghĩa về nước vừa làm vừa tiếp tục cần mẫn nghiên cứu, tìm cách chế tạo máy. Bao đêm thức trắng, anh Nghĩa tự tay thiết kế rồi hàn gắn, lắp ghép từng chi tiết. Sau nhiều lần mày mò, làm đi làm lại đến cả chục lần, gần 2 tháng sau chiếc máy cấy lúa ra đời. Những sai số cũng dần được anh khắc phục, chỉnh sửa cho hoàn chỉnh. Và rồi vụ mùa năm 2014, chiếc máy cấy đầu tiên không sử dụng động cơ của anh Nghĩa ra đời hoạt động tốt khiến nhiều người bất ngờ và thán phục.

Đánh giá về những tiện ích của máy, Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng – Tiền Hải cho biết, máy cấy do anh Nghĩa chế tạo ra chỉ có giá từ 4 đến 5 triệu đồng, phù hợp với điều kiện canh tác và khí hậu của Việt Nam, khắc phục được nhược điểm của các loại máy động cơ. Đặc biệt, phù hợp với nền ruộng xấu, ruộng cao và miền núi.

Hiện nay, anh Nghĩa đã nhận được đơn đặt hàng từ nhiều nông dân ở khắp cả nước. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn mở rộng sản xuất nên anh chưa đáp ứng hết được nhu cầu của mọi người. Với gần chục nhân công lao động, mỗi tháng xưởng của anh Nghĩa cũng chỉ sản xuất được khoảng 30 chiếc máy cấy phục vụ bà con nông dân.

Về dự định của mình, anh Trần Đại Nghĩa cho biết: “Sau khi chế tạo hoàn chỉnh chiếc máy cấy này, tôi đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nâng cấp và cải tiến chiếc máy cấy để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tôi mong muốn có được vay khoản tiền ưu đãi để đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất quy mô, đáp ứng được nhu cầu của bà con…

Ấp ủ ước mơ nhiều năm trời là giúp mẹ và người nông dân quê mình đỡ vất vả, anh Trần Đại Nghĩa, ở thôn Đông Hoàng, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã chế tạo thành công máy cấy không cần động cơ

Sức mạnh sáng chế…

Năm 2016, anh Nghĩa thành lập Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa. Năm 2017, chiếc máy cấy không động cơ mang thương hiệu Đại Nghĩa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Không dừng lại ở đó, Giám đốc Trần Đại Nghĩa tiếp tục nghiên cứu chế tạo thành công chiếc máy cấy sử dụng động cơ điện và được cấp bằng độc quyền sáng chế năm 2018. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại máy cấy gồm cả nhập khẩu từ nước ngoài và sản xuất trong nước, tuy nhiên, máy cấy của Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa có nhiều ưu điểm vượt trội và được bà con nông dân tin dùng. Những điểm nổi bật đó là chiếc máy cấy phù hợp với mọi địa hình, thổ nhưỡng không bị lầy thụt vì trọng lượng máy nhẹ; công suất cấy cao, đạt 2.000m2/h; kỹ thuật cấy linh hoạt có thể cấy hàng đều hoặc hàng rộng hàng hẹp; chất lượng máy bền, tiết kiệm nhiên liệu và giá thành hợp lý với khả năng đầu tư của bà con nông dân thu nhập thấp. 

Ông Tô Văn Võ – nông dân xã Bình Nguyên – huyện Kiến Xương cho biết: Gia đình tôi thuê mượn ruộng của bà con trong xã được 10 mẫu để cấy lúa. Tôi đầu tư mua chiếc máy cấy vì giá thành chỉ bằng tiền công thuê người cấy 1 vụ; hơn thế, có máy cấy gia đình chủ động được thời vụ, không phụ thuộc vào nhân công lao động.

Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa có sự phát triển ổn định nhờ chủ động nghiên cứu đổi mới và nâng cấp chất lượng sản phẩm. Quá trình bà con nông dân sử dụng máy cấy, cán bộ của doanh nghiệp vẫn theo sát tiếp nhận thông tin, nắm bắt những nhược điểm hoặc nhu cầu của nông dân để nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các tính năng, tiện ích cho chiếc máy.

Máy cấy của Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa được Sở Công Thương lựa chọn là sản phẩm công nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Bình tham gia kết nối cung cầu (ảnh báo Thái Bình)

Chính vì vậy, hiện nay có thể nói chiếc máy cấy thương hiệu Đại Nghĩa thực sự chinh phục được nông dân không chỉ trong nước mà cả nông dân ở nước ngoài. Sản phẩm máy cấy của Công ty đã xuất khẩu sang các nước Thái Lan, Ấn Độ, Indonexia, Lào, Campuchia. Bình quân mỗi năm Công ty sản xuất và tiêu thụ hơn 1.000 sản phẩm, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp khoa học công nghệ nên lãnh đạo Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa xác định phải không ngừng nghiên cứu tối ưu cho sản phẩm hiện có và sáng chế ra những sản phẩm mới phục vụ thị trường. 

Theo anh Trần Đại Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa chia sẻ: Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu hiện đại hóa các loại máy cấy của Công ty theo hướng tích hợp công nghệ điều khiển từ xa, máy cấy tự hành, máy cấy sử dụng năng lượng điện mặt trời nạp pin thân thiện với môi trường và an toàn, tiết kiệm.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tập trung nghiên cứu phát triển máy đa chức năng như vừa cấy vừa bón phân nhằm tăng tiện ích, giải phóng sức lao động và hạ giá thành chi phí sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân. Mục tiêu phấn đấu của doanh nghiệp đạt doanh thu 50 tỷ đồng vào năm 2025.

Theo lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp: Trên địa bàn tỉnh có gần 10.000 doanh nghiệp nhưng hiện nay mới chỉ có 2 doanh nghiệp khoa học công nghệ. Câu chuyện khởi nghiệp và đi lên từ khoa học công nghệ của Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa như một tấm gương điển hình về sức mạnh vượt khó, một tấm gương về khởi nghiệp. Đặc biệt một sự thành công và sức mạnh của doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Xem thêm: Chàng trai biến mo cau thành chén, dĩa xuất khẩu

Minh Huệ diendandoanhnghiep.vn thực hiện

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC