“Du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là hướng đi đúng, là xu hướng tất yếu và có nhiều cơ hội để phát triển trong tương lai, nhất là sau đại dịch Covid-19”.
Làng du lịch cộng đồng ở Lai Châu thu hút đông khách du lịch Ảnh: Nguyễn Huyền
Đó là ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt tại Hội nghị báo cáo Bộ NN&PTNT và Bộ VHTTDL về thực trạng và định hướng phát triển du lịch nông thôn ở nước ta nhằm đề xuất với Chính phủ những chính sách thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới của Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương diễn ra ngày 20.5.
Chủ yếu mang tính tự phát
Tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết: “Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch. Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần vào nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân nông thôn, đưa xây dựng nông thôn mới vào chiều sâu và chất lượng; tạo ra việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản, mỗi xã 1 sản phẩm – OCOP, nâng cao năng lực, trình độ và ý thức của người dân nông thôn, bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan; bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc”.
Du lịch nông thôn nói chung khá đa dạng, tuy nhiên, các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo là du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Các sản phẩm du lịch nông thôn hiện nay đang khai thác tập trung vào các nhóm: Sản phẩm dựa trên khai thác giá trị cảnh quan sinh thái nông thôn; sản phẩm dựa trên khai thác hoạt động sản xuất nông nghiệp; khai thác các giá trị văn hoá truyền thống của khu vực nông thôn; sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn chất lượng cao; nhóm sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch. Theo thống kê sơ bộ từ báo cáo của 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện có 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến các điểm du lịch nông thôn, có 365 điểm du lịch nông thôn. Số lao động tham gia vào lực lượng du lịch nông thôn chưa nhiều; ước tính mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 500- 1.000 lao động trong lĩnh vực du lịch, lao động du lịch nông thôn chỉ chiếm khoảng 5-10% tổng lực lượng lao động trong ngành Du lịch, 2/3 trong đó là lao động gián tiếp.
Cần có chính sách tổng thể
Đến nay, vẫn chưa có một chính sách tổng thể nào để phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia. Các chính sách phát triển chủ yếu lồng ghép vào các chương trình phát triển và các chính sách đặc thù ở địa phương. Vì thế, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương đề xuất: Muốn đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn thời gian tới, cần có chủ trương, cơ chế và chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt là các chính sách về quản lý đất đai, hạ tầng, về quản lý du lịch nông thôn, hỗ trợ du lịch nông thôn, quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông thôn…
Chú trọng xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các quy hoạch về không gian du lịch, trong đó chú ý phát triển các điểm du lịch cộng đồng có tiềm năng. Xây dựng bản đồ du lịch nông thôn, chỉ rõ các khu vực có khả năng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng, miền, từng địa phương trên cơ sở liên kết, hình thành tuyến. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức kỹ thuật về điểm du lịch cộng đồng, trang trại du lịch, du lịch nông nghiệp và tiêu chuẩn dịch vụ du lịch nông thôn; vận hành hệ thống, công cụ đánh giá, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn. Đồng thời cần đánh giá và xác định rõ vai trò của các bên liên quan trong phát triển du lịch nông thôn. Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ hạ tầng du lịch, khôi phục văn hoá từ nguồn ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ… Các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng gắn với Chương trình nông thôn mới như hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn, cấp thoát nước sinh hoạt và nước thải, bãi đỗ xe, trung tâm hướng dẫn và trưng bày cung cấp thông tin du lịch, điểm dừng chân.
Sản phẩm du lịch được xây dựng cần đảm bảo 3 yếu tố đa dạng, đặc sắc và gia tăng giá trị. Từ đó, đẩy mạnh phát triển, hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương, luôn luôn đổi mới sáng tạo cho điểm đến và kết hợp nông nghiệp trong du lịch nhằm quảng bá, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống; thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị văn hoá. Phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP, quảng bá sản phẩm OCOP.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: “Để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới, Bộ NN&PTNT sẽ đề nghị Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Đề án phát triển dịch vụ du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với định hướng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đây là cơ sở để đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển du lịch nông thôn thời gian tới”.
Đồng thuận với những đề xuất của Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho rằng: “Du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là hướng đi đúng, là xu hướng tất yếu và có nhiều cơ hội để phát triển trong tương lai, nhất là sau đại dịch Covid-19, nhu cầu du lịch của người dân tới các vùng quê dân dã, gần gũi thiên nhiên, mong muốn được trải nghiệm, khám phá những giá trị văn hoá độc đáo ở địa phương tại điểm đến. Đồng thời hướng đến một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững; phát triển sản phẩm OCOP, làm sống dậy những làng nghề truyền thống… Tuy nhiên, cần khai thác có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào thế mạnh riêng của mỗi địa phương để tạo ra các sản phẩm đặc trưng; giữ gìn những giá trị truyền thống của các vùng nông thôn; định hướng rõ ràng cho người dân làm du lịch; cân đối đầu vào, đầu ra cho sản phẩm”.
Xem thêm: Khám phá loại hình nghỉ dưỡng homestay và villa
( Nguồn: Báo Văn hóa )