Cà Mau kỳ vọng du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, du lịch lữ hành giữ vị trí là lực lượng nòng cốt. Tuy nhiên, làm thế nào để du lịch lữ hành Cà Mau phát triển?
Theo ông Trần Văn Thảo – Giám đốc Vietravel Cà Mau: “Cà Mau cần quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông như đường bộ, đường hàng không và đường thủy. Tất cả các tuyến điểm du lịch đường bộ phải đáp ứng cho xe 45 chỗ di chuyển. Đồng thời, phải có chính sách kêu gọi thu hút nhà đầu tư có tiềm lực, để đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển du lịch như: Nhà hàng, Khách sạn, các điểm vui chơi giải trí, phụ vụ cơ sở hạ tầng cho kinh tế đêm.
Song song đó, phải đa dạng các sản phẩm du lịch, các sản phẩm du lịch cần phải dựa trên những thế mạnh vốn có của địa phương về điều kiện tự nhiên. Quan tâm phát triển du lịch cộng đồng mang tính trải nghiệm, tạo ra được nhiều sản phẩm đặc trưng của du lịch Cà Mau so với các vùng, các địa phương khác…”
Cũng theo góp ý của Giám đốc Vietravel Cà Mau, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác du lịch, như bảo vệ, lễ tân, phục vụ bàn, phục vụ buồng, thợ bếp…. đặc biệt là lực lượng hướng dẫn viên du lịch. Tất cả nhân sự trên phải được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ.
Ông cho rằng, hiện nay, số lượng và trình độ nguồn nhân lực của các đơn vị lữ hành lớn tại địa phương cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách.Tuy nhiên, đối với các khu du lịch tại địa phương, du lịch cộng đồng, hộ gia đình làm du lịch phần lớn nguồn nhân lực chưa qua đào tạo.
Ông Thảo cũng đề nghị tỉnh Cà Mau cần đẩy mạnh liên kết vùng trong khai thác và phát triển du lịch, đặc biệt là chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Cà Mau với các tỉnh/thành có nguồn khách đến Cà Mau nhiều như: Hà Nội, các tỉnh/thành phía Bắc, TP. Hồ Chí Minh, Đông Nam bộ và các tỉnh/thành khu vực ĐBSCL”.
Theo Giám đốc Vietravel Cà Mau: “Chuyến bay thẳng Cà Mau – Hà Nội đã được khai thác và đưa vào vận hành là điều kiện vô cùng thuận lợi để người dân thủ đô đến tham quan miền đất cực Nam tổ quốc nơi có những nguồn đặc sản trứ danh như: cua Cà Mau, mật ong rừng tràm U Minh và đặc biệt nhất là du khách sẽ được đặt chân đến mũi Cà Mau nơi có cột mốc quốc gia thiêng liêng và biểu tượng con tàu quay ra hướng biển của tổ quốc, nơi mà mỗi người con của Việt Nam đều mong muốn nhìn thấy chạm tay vào chụp những bức ảnh lưu niệm với niềm hân hoan tự hào về đất nước.
Đặc biệt, để tạo sự liên kết mở rộng nâng cao hình ảnh điểm đến, tạo dựng liên kết bền vững trong hoạt động du lịch địa phương… các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm môi trường cho phát triển du lịch là bước đệm cơ bản để tạo nền tảng cho kinh tế phát triển bền vững”.
Bên cạnh đó, Doanh nghiệp lữ hành cần đưa ra các chương trình du lịch, tour ngắn ngày, trong khoảng cách gần và bổ sung thêm các chương trình, tour hướng đến các yếu tố thiên nhiên, chăm sóc sức khỏe và loại hình du lịch thể thao mang tính gắn kết gia đình. Đồng thời, giảm giá các dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả du khách có điều kiện đi du lịch, với phương châm giảm giá nhưng không giảm chất lượng dịch vụ, tăng thêm dịch vụ bổ sung nhưng không tăng thêm giá để tạo hấp dẫn thân thiện cho du khách. Song song đó, các Doanh nghiệp lữ hành cần mở rộng phong phú chương trình du lịch, các dịch vụ ăn uống, ẩm thực cũng cần được làm mới để cho du khách thưởng thức ẩm thực đặc trưng của tỉnh Cà Mau.
Ông Nguyễn Bảo Xia – Phó Giám đốc Công ty Du lịch Phú Cường, TP Cà Mau cho rằng: “Để ‘níu chân’ khách du lịch, Doanh nghiệp lữ hành cần được đầu tư có chất lượng; đón tiếp ân cần, chu đáo; nhiều sản phẩm du lịch để tạo sự mới lạ, độc đáo, tránh nhàm chán. Đặc biệt, thức ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; giá cả phải chăng; cần có hướng giải quyết chính xác và đúng hướng. Chúng ta không thể ăn mãi một món và du lịch cũng vậy phải có tính đa dạng, tạo cảm xúc mới lạ cho du khách… khi du khách hài lòng thì sẽ ở lại lâu và quay lại nhiều lần.”
Theo ông, muốn du lịch Cà Mau phát triển, cần đẩy mạnh phát huy du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái thế mạnh của địa phương… ưu tiên các giải pháp sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch bền vững, thân thiện với môi trường, đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất để cạnh tranh với các địa phương khác trong khu vực. Nhờ đó, các Doanh nghiệp lữ hành có thể tăng cường chuỗi giá trị dịch vụ và nâng cao hình ảnh điểm đến, tạo dựng liên kết bền vững trong hoạt động du lịch địa phương. Đồng thời, tận dụng lợi thế thiên nhiên đặc trưng rừng ngập mặn có hệ sinh thái độc đáo và rừng ngập ngọt U Minh hạ với nhiều cảnh quan đặc sắc, có hệ sinh thái thực động vật phong phú đa dạng không khí thiên nhiên trong lành, mát mẻ”.
“Để phát triển du lịch lữ hành Cà Mau, các Doanh nghiệp lữ hành cần thiết lập mối quan hệ bền vững với khách hàng và khách hàng tiềm năng cần nâng cao hiệu quả trong hoạt động chăm sóc khách hàng bằng việc triển khai quản lý quan hệ khách hàng trên nền tảng công nghệ số để nắm chắc hành trình của khách du lịch, đưa ra ưu đãi tốt nhất theo nhu cầu của khách hàng, quản lý các khiếu nại của khách du lịch, hiểu được trải nghiệm của khách du lịch, hiểu được tâm lý của khách du lịch an toàn thân thiện là tiêu chí ưu tiên hàng đầu” – ông Trần Kiến Thiết – Quản lý điều hành dịch vụ du lịch Công đoàn Cà Mau, chia sẻ.
Khu khách trải nghiệm tại rừng ngập ngọt U Minh hạ với nhiều cảnh quan đặc sắc, có hệ sinh thái thực động vật phong phú đa dạng không khí thiên nhiên trong lành, mát mẻ…
Hiến kế cho Cà Mau, những người làm du lịch cũng cho rằng địa phương cần kết hợp quảng cáo truyền thông và đẩy mạnh quảng cáo du lịch bằng công nghệ số, đưa một số ứng dụng cụ thể ra mắt như trang thông tin điện tử giúp du khách dễ dàng tìm hiểu các chương trình du lịch và điểm đến du lịch; đăng tải thông tin trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube. Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đưa vào vận hành hệ thống truyền thông số (Cổng thông tin điện tử, web thông tin chương trình kích cầu du lịch), để các Doanh nghiệp lữ hành có thể thúc đẩy các gói truyền thông trên nền tảng mạng xã hội nhằm lan tỏa thông tin, hình ảnh về điểm đến an toàn của địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế./.
Xem thêm: Mở ra chuyến bay Cà Mau – Hà Nội, du lịch Cà Mau cần làm gì để thu hút du khách đến với địa phương?
Trọng Nghĩa – Lê Diễm baophapluat.vn thực hiện