Du lịch nội địa cũng như trong khu vực dự kiến sẽ gia tăng do bối cảnh du lịch khắp châu Á – Thái Bình Dương trở nên dễ dàng hơn.
Đảo quốc Sư Tử – địa điểm nổi tiếng của Đông Nam Á.
Sau hai năm đầy biến động, nghiên cứu mới từ Viện Kinh tế Mastercard cho biết, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, lượng đặt vé máy bay đi du lịch nghỉ dưỡng và công tác trên toàn cầu đã vượt qua mức trước đại dịch. Trong khi đó, chi tiêu cho các chuyến đi bằng du thuyền, xe buýt và tàu hỏa đã cải thiện rõ rệt trong năm nay, báo hiệu một dấu mốc quan trọng trong sự phục hồi của hoạt động du lịch trên toàn cầu.
Dựa trên phân tích độc đáo về dữ liệu du lịch có sẵn được công khai cũng như hoạt động bán hàng tổng hợp và ẩn danh trong mạng lưới của Mastercard, báo cáo du lịch thường niên lần thứ 3 của Viện Kinh tế Mastercard đi sâu vào các yếu tố chủ chốt trong hành trình du lịch. Điều này bao gồm các động lực thúc đẩy phục hồi du lịch, sự cân nhắc của người tiêu dùng khi đưa ra quyết định mua sắm liên quan đến du lịch và các xu hướng kinh tế vĩ mô như lạm phát, làm việc kết hợp, rủi ro trong chăm sóc sức khỏe và gián đoạn về địa chính trị, là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi du lịch.
Các phát hiện chính đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương đến tháng 4 năm 2022 bao gồm:
Việc mở cửa biên giới đã đưa châu Á trở lại bản đồ du lịch: Theo phân tích của Viện Kinh tế Mastercard, nếu xu hướng đặt vé máy bay tiếp tục được duy trì ở tốc độ như hiện tại, ước tính sẽ có thêm 430 triệu hành khách bay đến châu Á – Thái Bình Dương so với năm ngoái. Triển vọng du lịch của khu vực rất khả quan là điều sẽ có thể thấy rõ, ngay cả khi các thị trường thuộc khu vực Bắc Á và Trung Quốc đại lục chưa nới lỏng các biện pháp biên giới.
Việc nhu cầu gia tăng dự kiến sẽ thúc đẩy phục hồi du lịch: Sau hai năm hoạt động du lịch bị đình trệ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, năm 2022, việc nới lỏng hạn chế đi lại và mở cửa biên giới đã khiến cho nhu cầu du lịch cả trong và ngoài nước tăng vọt. Một xu hướng có thể nhận thấy ở các thị trường trên toàn khu vực chính là việc người tiêu dùng sử dụng các khoản tiết kiệm dư dả để đi du lịch. Năm 2022, Úc mở cửa biên giới, khiến cho cơ hội đi lại gia tăng một cách bất ngờ. Ví dụ, lượng đặt vé máy bay từ Úc đến Indonesia đã tăng gần 200% trong năm 2022, và số lượng các chuyến bay đến Hoa Kỳ đã tăng hơn gấp đôi.
Các khoản chi tiêu cho du lịch thay đổi và hướng đến các trải nghiệm hơn là những yếu tố khác: Phần lớn thời gian trong năm, khách du lịch quốc tế trên toàn cầu chi tiêu nhiều cho những trải nghiệm hơn là những điều có tại điểm đến. Xu hướng này còn xuất hiện ở châu Á, trong đó Singapore đã ghi nhận khối lượng chi tiêu cao hàng đầu trên thế giới từ du khách quốc tế dành cho các trải nghiệm tại điểm đến, tăng 60% từ giai đoạn tiền đại dịch đến tháng 3 năm 2022.
Tuy nhiên, các thị trường khác trong khu vực lại cho thấy một bức tranh phức tạp hơn. Indonesia và Hàn Quốc mở cửa biên giới vào tháng 4 năm 2022, song vẫn ghi nhận lượng khách du lịch quốc tế thấp. Đây sẽ là một xu hướng quan trọng để theo dõi đến hết năm, khi các hạn chế đi lại trên khắp khu vực đang dần được nới lỏng, và khách du lịch trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương bắt đầu mua sắm và chi tiêu ở nước ngoài.
Lựa chọn điểm đến du lịch bị ảnh hưởng bởi các hạn chế về di chuyển: Kể từ khi đại dịch bùng phát, các xu hướng đã cho thấy mọi người ưa chuộng những điểm đến du lịch mà họ có thể dễ dàng tiếp cận trong bối cảnh phải đáp ứng các yêu cầu phức tạp về nhập cảnh và cách ly, các hạn chế đi lại và quy trình xét nghiệm.
Do đó, Hoa Kỳ vẫn là sự lựa chọn phổ biến nhất đối với khách du lịch đến từ châu Á – Thái Bình Dương, sau đó là Úc, Singapore, Vương quốc Anh và Canada. Tuy nhiên, trong những tháng tới, xu hướng này sẽ có thể thay đổi theo hướng tạo điều kiện cho du lịch trong khu vực, do các hạn chế được nới lỏng và du lịch nội địa tăng trưởng trở lại.
Chi phí đi lại tiếp tục ở mức cao trong toàn khu vực do gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí vận hành lớn: Thâm hụt du lịch bắt nguồn từ đại dịch đã khiến cho gánh nặng về chi phí hoạt động tăng lên đối với các hãng hàng không và ngành vận tải nói chung, dẫn đến giá vé cao hơn cho khách du lịch đến từ châu Á – Thái Bình Dương so với các khu vực khác trên toàn cầu. Giá vé máy bay trung bình ở châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục tăng – cao hơn khoảng 11% tại Úc và 27% tại Singapore so với năm 2019. Nguyên nhân là do các hạn chế từ phía cung như vấn đề việc làm trong ngành vận tải hàng không tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn thời điểm tiền đại dịch trên toàn khu vực.
Chi tiêu trong nước gia tăng trong khắp các ngành giao thông vận tải bị ảnh hưởng nặng nề: Trong bối cảnh mọi người ngày càng phụ thuộc vào các phương tiện giao thông nội địa để đi lại trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt là ô tô, các khoản chi tiêu cho việc thuê ô tô và trả phí cầu đường liên tục tăng cao so với năm 2019 trong suốt hai năm qua.
Nhu cầu về du lịch đường bộ đã tăng trưởng mạnh mẽ tại nhiều thị trường châu Á – Thái Bình Dương, nơi mà loại hình du lịch này vẫn duy trì được độ hấp dẫn. Chi tiêu cho nhiên liệu dần leo thang ở Singapore, Hồng Kông, Philippines và Úc, trong khi giao thông công cộng và các công ty vận hành tàu du lịch đã vững bước trở lại con đường phục hồi sau giai đoạn khởi đầu trì trệ do các hạn chế đối với việc đi lại theo nhóm.
Ông David Mann, Nhà Kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông – châu Phi của Viện Kinh tế Mastercard cho biết: “Bất chấp sự phục hồi chậm trễ và vô vàn rủi ro như lạm phát ảnh hưởng đến tự do chi tiêu, khách du lịch đến từ châu Á – Thái Bình Dương cho thấy mong muốn mạnh mẽ được đi du lịch trở lại như trước đây. Năm 2022 sẽ là một năm quan trọng đối với ngành du lịch khu vực này. Khi các hạn chế biên giới được nới lỏng, chúng ta đã chứng kiến sự trở lại nhanh chóng của hoạt động du lịch, một dấu hiệu đáng mừng khi mà châu Á – Thái Bình Dương đã sẵn sàng để bắt kịp các khu vực khác trên thế giới”.
Xem thêm: Đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp ở vùng châu thổ Cửu Long
Linh Nga diendandoanhnghiep.vn thực hiện