Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

Cà Mau tăng cường mở rộng đối ngoại, hợp tác quốc tế về kinh tế biển

“Tăng cường mở rộng đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển” là một trong các nhiệm vụ và giải pháp thuộc Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 05/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

1. Nội dung cụ thể thuộc nhiệm vụ “Tăng cường mở rộng đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển”

Nhằm tăng cường mở rộng đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, Kế hoạch số 110/KH-UBND đề ra các nội dung cụ thể như sau:

– Tăng cường tạo mối quan hệ với các tỉnh, thành các nước có mối quan hệ hữu nghị để quảng bá, giới thiệu, mời gọi đầu tư. Nghiên cứu đổi mới, mở rộng xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để thu hút đầu tư những lĩnh vực tỉnh có thế mạnh.

– Chủ động hội nhập, tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài hạn phát triển và đầu tư quảng bá hình ảnh các điểm du lịch của tỉnh trong nước và ra nước ngoài để thu hút đầu tư về du lịch.

– Tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, tổ chức quốc tế để đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ quản lý biển của tỉnh; hàng năm, xây dựng Chương trình xúc tiến thương mại, Danh mục dự án đầu tư để quảng bá thu hút đầu tư giai đoạn 2021 – 2025.

– Tiếp tục phát triển các hình thức hợp tác, liên doanh doanh trong các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, cơ khí, hậu cần dịch vụ, chế biến, thương mại thủy sản với các nước trong khu vực và quốc tế.

– Tiếp tục đàm phán, hợp tác với các nước trong khu vực về hợp tác khai thác thủy sản tại các vùng biển chồng lấn, hợp tác khai thác trên vùng biển các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á; bảo đảm cho ngư dân tránh trú bảo trong vùng biển nước ngoài khi thiên tai; phối hợp tuần tra kiểm soát chung trên biển, bảo đảm an toàn cho ngư dân hoạt động sản xuất trên biển.

– Xây dựng hồ sơ đề xuất các dư án đầu tư ngành thủy sản và công bố kêu gọi đầu tư. Cung cấp đầy đủ, kịp thời về thông tin các dự án đầu tư, chính sách, thủ tục đầu tư cho các nhà đầu tư, các nhà tài trợ. Xây dựng cơ sở dữ liệu, trang thông tin xúc tiến đầu tư và các chính sách có liên quan đến đầu tư kết cấu hạ tầng thủy sản.

 2. Kết quả xúc tiến và hợp tác quốc tế về biển ở tỉnh Cà Mau

Từ đầu năm 2023 đến tháng 7/2024 tỉnh Cà Mau đã tổ chức được một số hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế liên quan về biển. Cụ thể xây dựng Chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch ngoài nước và hợp tác hữu nghị để tổ chức các đoàn công tác nước ngoài, trong đó có nội dung xúc tiến mời gọi đầu tư, xúc tiến thương mại thủy sản, quảng bá du lịch.

– Đối với xúc tiến thương mại thủy sản (xuất khẩu thủy sản), tỉnh đã tổ chức đoàn công tác và hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế tại các khu vực Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á và toàn cầu (Ảnh 1 – 2). Thông qua sự hỗ trợ của tỉnh, các doanh nghiệp đã trưng bày, giới thiệu các mặt hàng thủy hải sản đến khách hàng quốc tế, ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác và hợp đồng xuất khẩu. Đồng thời các sản phẩm OCOP có nguồn nguyên vật liệu là thủy hải sản cũng đã được xúc tiến thương mại quốc tế thông qua các đoàn công tác của tỉnh.

Ảnh 1: Đoàn công tác tỉnh và doanh nghiệp tham gia Hội chợ quốc tế Thủy sản Toàn cầu (Seafood Expo Global) tại Tây Ban Nha, tháng 5/2023
Ảnh 1: Đoàn công tác tỉnh và doanh nghiệp tham gia Hội chợ quốc tế Thủy sản Toàn cầu (Seafood Expo Global) tại Tây Ban Nha, tháng 5/2023

 

Ảnh 2: Đoàn công tác và Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau tại Hội chợ triển lãm thủy sản Châu Á (Seafood Expo Asia) tại Singapore, tháng 9/2023)
Ảnh 2: Đoàn công tác và Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau tại Hội chợ triển lãm thủy sản Châu Á (Seafood Expo Asia) tại Singapore, tháng 9/2023)

– Nhằm tăng cường kết nối, hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức quốc tế (bao gồm về thủy sản), tỉnh đã tổ chức đón tiếp các đại biểu quốc tế tham gia Shrimp Summit 2023 và tổ chức Hội nghị kết nối nhà mua tôm quốc tế tại Cà Mau (Ảnh 3). Thông qua sự kiện tỉnh đã giới thiệu đến các nhà mua quốc tế về ngành tôm của Cà Mau từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến; đã kết nối được các doanh nghiệp tỉnh với các tổ chức chứng nhận, nhà khoa học, nhà mua hàng quốc tế, doanh nghiệp tham gia chuỗi ngành hàng tôm đến từ 17 quốc gia trên thế giới. Đồng thời, tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị giao thương với doanh nghiệp Trung Quốc vào tháng 4/2024 (Ảnh 4). Tại hội nghị, hơn 100 doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp Cà Mau giới thiệu, trao đổi về các lĩnh vực hợp tác, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng mong muốn đầu tư vào tỉnh Cà Mau trong lĩnh vực giống thủy sản, năng lượng tái tạo…

Ảnh 3: Hội nghị kết nối nhà mua tôm quốc tế (Cà Mau, tháng 4/2023)
Ảnh 3: Hội nghị kết nối nhà mua tôm quốc tế (Cà Mau, tháng 4/2023)

 

Ảnh 4: Hội nghị Gặp gỡ, kết nối doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệptỉnh Cà Mau (Cà Mau, tháng 4/2024).
Ảnh 4: Hội nghị Gặp gỡ, kết nối doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (Cà Mau, tháng 4/2024).

– Đối với hoạt động hợp tác, xúc tiến mời gọi đầu tư quốc tế, các hội nghị xúc tiến đầu tư ngoài nước (Ảnh 5 – 6) đã được tổ chức nhằm giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Cà Mau; đồng thời, mời gọi đầu tư một số dự án trọng điểm. Đặc biệt dự án Cảng tổng hợp Hòn Khoai và Khu du lịch sinh thái cụm đảo Hòn Khoai luôn được quan tâm, giới thiệu đến nhà đầu tư quốc tế tại các hội nghị xúc tiến đầu tư.

Ảnh 5: Hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức tại Singapore, tháng 9/2023
Ảnh 5: Hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức tại Singapore, tháng 9/2023

 

Ảnh 6: Hội nghị giao thương “Xúc tiến đầu tư - Thương mại Việt Nam - Trung Quốc trong lĩnh vực công nghiệp, thực phẩm, nông sản và thuỷ sản” được tổ chức tại TP Nam Kinh, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc, tháng 11/ 2023).
Ảnh 6: Hội nghị giao thương “Xúc tiến đầu tư – Thương mại Việt Nam – Trung Quốc trong lĩnh vực công nghiệp, thực phẩm, nông sản và thuỷ sản” được tổ chức tại TP Nam Kinh, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc, tháng 11/ 2023).

 – Trong hoạt động xúc tiến và phát triển du lịch, tỉnh đang đẩy mạnh việc kết nối phát triển sản phẩm du lịch của Cà Mau với các địa phương và các quốc gia trong khu vực theo đường biển. Kết nối phát triển tuyến du lịch đường biển Cà Mau – Nam Du – Phú Quốc; tỉnh Cà Mau với các tỉnh thuộc đường biển của Thái Lan và Campuchia. Cụ thể, Đoàn công tác của tỉnh vừa tham dự Sự kiện quảng bá tuyến du lịch Hành lang kinh tế ven biển Campuchia – Việt Nam – Thái Lan năm 2024 (CVTEC), được tổ chức tại tỉnh Trat, Thái Lan (Ảnh 7).

Ảnh 7: Lãnh đạo các tỉnh của Thái Lan, Campuchia và Việt Nam thể hiện sự hợp tác cùng phát triển tại Sự kiện quảng bá tuyến du lịch Hành lang kinh tế ven biển Campuchia - Việt Nam - Thái Lan năm 2024 (CVTEC), tháng 6/2024
Ảnh 7: Lãnh đạo các tỉnh của Thái Lan, Campuchia và Việt Nam thể hiện sự hợp tác cùng phát triển tại Sự kiện quảng bá tuyến du lịch Hành lang kinh tế ven biển Campuchia – Việt Nam – Thái Lan năm 2024 (CVTEC), tháng 6/2024

 – Để phát huy hơn nữa lợi thế vị trí địa lý và các điều kiện tự nhiên khác của tỉnh, tỉnh luôn tìm kiếm các nhà đầu tư để thực hiện các dự án mang tính động lực, đột phá và khai thác hiệu quả tiềm năng. Đặc biệt nghiên cứu, khảo sát, đề xuất Dự án xuất khẩu điện vào Singapore. Tháng 9/2023, Đoàn công tác của tỉnh đã có buổi làm việc với Cơ quan quản lý thương mại điện lực Singapore (EMA) về nhu cầu nhập khẩu điện của quốc gia này trong thời gian tới (Ảnh 8). Đặc biệt nhiều tổ chức, nhà đầu tư quốc tế () rất quan tâm đến tiềm năng về năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi) của Cà Mau (Ảnh 9).

Ảnh 8: Đoàn công tác tỉnh làm việc với Cơ quan quản lý thương mại điện lực Singapore
Ảnh 8: Đoàn công tác tỉnh làm việc với Cơ quan quản lý thương mại điện lực Singapore
Ảnh 9: Đoàn công tác tỉnh làm việc với Hội đồng Thương mại và Công nghệ Toàn cầu Ấn Độ - tổ chức đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo (Ấn Độ, tháng 7/2024)
Ảnh 9: Đoàn công tác tỉnh làm việc với Hội đồng Thương mại và Công nghệ Toàn cầu Ấn Độ – tổ chức đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo (Ấn Độ, tháng 7/2024)

– Nhằm tranh thủ sự hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đội ngũ cán bộ quản lý, tỉnh đã cử đoàn công tác tham gia bồi dưỡng tại Hàn Quốc (Ảnh 10), nội dung chủ yếu về Phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ môi trường. Với kiến thức được bồi dưỡng, đoàn công tác sớm có những tham mưu, đề xuất nhằm phát kinh tế biển của tỉnh.

Ảnh 10: Đoàn công tác tham gia bồi dưỡng “Phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ môi trường” tại Hàn Quốc, tháng 7/2024
Ảnh 10: Đoàn công tác tham gia bồi dưỡng “Phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ môi trường” tại Hàn Quốc, tháng 7/2024

 

– Các ấn phẩm tổng quan về tỉnh Cà Mau và các ấn phẩm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch được xây dựng với các ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật để sẵn sàng giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh tại các sự kiện xúc tiến và hợp tác quốc tế (Ảnh 11).

Ảnh 11: Các ấn phẩm tổng quan và ấn phẩm xúc tiến phục vụ hoạt động hợp tác quốc tế
Ảnh 11: Các ấn phẩm tổng quan và ấn phẩm xúc tiến phục vụ hoạt động hợp tác quốc tế

3.Đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển ở tỉnh Cà Mau trong tương lai

Theo Quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Cà Mau được định hướng để phát huy hợp lý, hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, riêng biệt, lợi thế về biển, đảo làm nền tảng phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Cà Mau. Đặt mục tiêu sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước. Hướng đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với các động lực tăng trưởng, trọng tâm là phát triển kinh tế biển, du lịch, các ngành công nghiệp có tiềm năng.

Quy hoạch tỉnh cũng khẳng định phát triển kinh tế biển là một trong những phương hướng quan trọng, yêu cầu xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước; đầu tư xây dựng Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Cảng sông Ông Đốc gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; phát triển nuôi biển công nghệ cao, hiệu quả và bền vững; ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm biển. Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; phát triển và quản lý bền vững kinh tế biển theo phương thức tổng hợp, quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia của các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

Rõ ràng, để thực hiện được yêu cầu trên, tỉnh cần tranh thủ các nguồn ngoại lực để kết nối, giới thiệu được các dự án trọng điểm nhằm phát triển kinh tế biển đến các nhà đầu tư có kinh nghiệm và tiềm lực. Tỉnh cần nghiên cứu xây dựng những dự án trọng điểm với những thông tin chi tiết, pháp lý sẵn sàng để giới thiệu, truyền thông, mời gọi đầu tư.

Tỉnh cần lưu ý xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực; nâng cao năng lực đối ngoại và hợp tác quốc tế cho lực lượng chức năng; đơn giản hóa và linh hoạt hơn trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các yếu tố nước ngoài ví dụ như khi nhà đầu tư nước vào khu vực biên giới biển để nghiên cứu, khảo sát các dự án đầu tư nuôi biển, du lịch biển…

Cà Mau có tiềm năng và thế mạnh để phát triển kinh tế biển đã được khẳng định, và cũng đã được định hướng để trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước. Do đó, tỉnh không chỉ phải huy động nội lực (địa phương, quốc gia), mà còn phải tăng cường kết nối  đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài (đặc biệt tại các quốc gia có kinh tế biển phát triển và các quốc gia Đông Nam Á) và mở rộng đối ngoại, hợp tác quốc tế với các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế để tranh thủ ngoại lực để phát triển kinh tế – xã hội địa phương./.

Bài viết: Phúc Ngươn

Ảnh: Sưu tầm

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC