Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

Cà Mau mời gọi đầu tư cảng cá

Ðể thực hiện công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), việc quy hoạch, đầu tư nâng cấp các cảng cá là một trong những vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn còn nhiều khó khăn.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên báo Cà Mau có phỏng vấn ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT.

– Trước tiên, xin ông cho biết tình hình hoạt động của các cảng cá trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào? Những tồn tại, hạn chế cần khắc phục?

Ông Phan Hoàng Vũ: Thực hiện quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo Quyết định 1976/QÐ-TTg, ngày 12/11/2015, của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đến nay tỉnh Cà Mau được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác 5 cảng cá (Cà Mau, Sông Ðốc, Cái Ðôi Vàm, Rạch Gốc và Hố Gùi). Năng lực bốc dỡ đáp ứng 350 tàu cập cảng/ngày đêm; công suất thiết kế 118.250 tấn/năm; sản lượng hàng hoá qua cảng khoảng 90 ngàn tấn/năm. Có 3 khu neo đậu tránh trú bão với tổng sức chứa 2.600 tàu cá, trong đó có 2 khu neo đậu cấp vùng (khu neo đậu Sông Ðốc, khu neo đậu Rạch Gốc) và 1 khu neo đậu cấp tỉnh (khu neo đậu Cái Ðôi Vàm). Ngoài ra, đang mời gọi đầu tư (theo chủ trương xã hội hoá) dự án Cảng cá Khánh Hội kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá diện tích 3 ha.

Các cảng cá và khu neo đậu được hoàn thiện đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả bước đầu, đáp ứng được nhu cầu của ngư dân, tạo ra ngư trường an toàn, có nơi tránh trú bão, giảm rủi ro, tổn thất cho tàu thuyền khi biển động.

Quan trọng nữa là cơ sở hạ tầng cảng cá được đầu tư đồng bộ sẽ góp phần kiểm tra, kiểm soát tàu cá về nhật ký hành trình, vùng đánh bắt; giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng; công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản từ khai thác… Từ đó, góp phần chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Tuy nhiên, về hoạt động các cảng cá hiện còn những tồn tại cần khắc phục. Ðó là năng lực xếp dỡ hàng hoá tại các cảng cá chỉ định còn hạn chế; xếp dỡ hàng hoá chưa được cơ giới hoá. Nếu tàu cá cập cảng tập trung nhiều, trong thời gian ngắn (trên 100 chiếc/ngày) thì không thể giải phóng hết lượng hàng hoá cần bốc dỡ, làm giảm chất lượng sản phẩm, tăng tỷ lệ thất thoát. Tình trạng vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và an ninh trật tự tại cảng cá không được đảm bảo; trong khi một số cảng vì nhiều lý do khác nhau lượng tàu cập cảng rất ít. Nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý, vận hành cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão hiện nay gặp nhiều khó khăn, thiếu về số lượng, chất lượng nhân viên chưa cao, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm thực tế làm việc. Việc tuyển dụng người có trình độ chuyên môn cao gặp nhiều khó khăn.

– Hiện nay, tình hình hoạt động của các cảng cá tư nhân trên địa bàn tỉnh được quản lý như thế nào? Ngành chức năng có những hướng dẫn, tạo điều kiện gì về thủ tục công bố mở cảng cá cho các bến cá tư nhân?

Ông Phan Hoàng Vũ: Theo số liệu của Ðoàn công tác khảo sát, trên địa bàn tỉnh có 70 bến cá tư nhân hoạt động; có 17/70 cơ sở cơ bản đạt tiêu chí cảng cá loại III, chiếm 24,29% trên tổng số cơ sở khảo sát; 3/70 cơ sở cơ bản đạt tiêu chí cảng cá loại II, chiếm 4,28%. Không cơ sở nào đạt tiêu chí cảng cá loại I.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT ban hành công văn về việc tăng cường quản lý các bến cá tư nhân và kiểm soát sản lượng khai thác thuỷ sản để triển khai, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thực hiện công tác kiểm soát sản lượng khai thác; hướng dẫn thủ tục công bố mở cảng cá cho các bến cá tư nhân.

Trình tự, thủ tục công bố mở cảng cá cho các bến cá tư nhân có đủ điều kiện hoạt động được thực hiện theo quy định tại Luật Thuỷ sản 2017, Nghị định số 26/2019/NÐ-CP, ngày 8/3/2019 của Chính phủ và các quy định về thủ tục hành chính hiện hành.

Ban Quản lý các cảng cá đã phối hợp với Chi cục Thuỷ sản hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục công bố mở cảng cá loại II cho Công ty Sing Việt, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời; hồ sơ đang trong quá trình hoàn thiện trình cấp thẩm quyền công bố mở cảng cá.

CÀ MAU MỜI GỌI ĐẦU TƯ CẢNG CÁ
Cảng cá Sông Ðốc là một trong số ít cảng cá hoạt động được xem là hiệu quả hiện nay.

Ðến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Cà Mau chưa có bến cá tư nhân nào công bố mở cảng cá theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, có 5 doanh nghiệp (các công ty: Quang Bình, Quốc Ðạt, Tài Lộc, Mỹ Thuyền và Minh Bài, địa bàn thị trấn Sông Ðốc) có liên hệ với Chi cục Thuỷ sản và Ban Quản lý các cảng cá để được hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục công bố mở cảng cá.

Trước mắt, để quản lý sản lượng, hàng tháng phòng NN&PTNT các huyện gửi báo cáo thống kê sản lượng khai thác, thành phần loài thuỷ sản ở các bến tư nhân về Sở NN&PTNT (qua Ban Quản lý các cảng cá) để tổng hợp.

– Những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão hiện nay là gì? Ngành chức năng đã đưa ra giải pháp nào để khắc phục trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Phan Hoàng Vũ: Những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá có thể kể đến như: Chủ trương đầu tư các tuyến lộ xe đấu nối từ Cảng cá Rạch Gốc với Quốc lộ 1 đã được UBND tỉnh thống nhất nhưng chậm triển khai nên việc xếp dỡ, vận chuyển hàng hoá bị hạn chế. Cảng cá Hố Gùi chưa kết nối được với hệ thống giao thông đường bộ nên hoạt động, vận hành, khai thác chưa hiệu quả. Cảng cá Cái Ðôi Vàm thì diện tích, cầu cảng nhỏ; doanh nghiệp hoạt động mua bán ít; tàu cá ít cập bến khai báo sản lượng nên hoạt động cũng chưa hiệu quả. Quy mô, công suất của Cảng cá Sông Ðốc chưa đáp ứng số lượng tàu cập cảng những lúc cao điểm (khi tàu trong và ngoài tỉnh vào đồng loạt).

Các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá sau nhiều năm đi vào hoạt động đến nay đã có một số hạng mục xuống cấp. Tại một số cửa biển như: Rạch Gốc, Cái Ðôi Vàm, Khánh Hội thường xuyên bị bồi lắng, chưa được triển khai nạo vét làm cho tàu thuyền khi ra vào cửa biển đi khai thác hải sản, bốc dỡ hàng hoá, neo đậu gặp nhiều khó khăn, không an toàn.

Ðể tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT cùng các sở, ngành thực hiện các giải pháp: duy tu, sửa chữa công trình cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; có hình thức phù hợp nạo vét các cửa biển, khu vực trước cảng cá để tàu cá thuận lợi ra, vào cập cảng. Mời gọi xã hội hoá đầu tư một số cảng đang khai thác kém hiệu quả; quy hoạch cảng cá phía bờ Nam Sông Ðốc để mời gọi đầu tư. Rà soát, xác định vị trí quy hoạch tuyến đường ven biển đi qua huyện Ðầm Dơi và Ngọc Hiển để kết nối với Cảng cá Hố Gùi và Cảng cá Rạch Gốc nhằm khai thác hiệu quả các cảng cá này.

– Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động của các cảng cá thì công tác đầu tư, xã hội hoá trong kêu gọi đầu tư đã và đang triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Hoàng Vũ: Ðể thực hiện xã hội hoá trong đầu tư xây dựng cảng cá theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã trình UBND tỉnh đưa dự án Cảng cá Khánh Hội vào Danh mục dự án mời gọi đầu tư năm 2022 và các năm tiếp theo. Hiện nay, Sở đang lập thủ tục mời gọi đầu tư. Với 3 cảng cá chưa khai thác hết mặt bằng (Hố Gùi, Rạch Gốc, Cái Ðôi Vàm), hiện Ban Quản lý các cảng cá đang thực hiện vận hành theo phương án khai thác cảng cá đã được phê duyệt. Ðối với các mặt bằng chưa sử dụng, Ban Quản lý các cảng cá đã niêm yết thông báo cho thuê để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vào thuê hoạt động.

– Xin cảm ơn ông!.

Xem thêm:  FPT đề xuất hợp tác thúc đẩu đào tạo và chuyển đổi số với Cà Mau

Ðặng Duẩn baocamau.com.vn thực hiện

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC