HOTLINE: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@GMAIL.COM

Liên hệ | Hotline: 0290 3540458 – Email: ipeccamau@gmail.com
Search
Close this search box.

Gỡ bí cho khởi nghiệp ĐBSCL

Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau, Tiền Giang hay Trà Vinh là những địa phương có sự hỗ trợ tốt cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Bên cạnh thuận lợi, ẫn còn không ít khó khăn dành cho khởi nghiệp ở khu vực này.

Một gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp tại Mekong Connect 2021.

Nhiều rào cản khởi nghiệp ĐBSCL

ĐBSCL được xem là giàu có về tiềm năng, dư địa để các bạn trẻ khởi nghiệp. Tuy nhiên, những người trẻ mới lập thân lập nghiệp gặp không ít chông gai để tìm được chỗ đứng trên thương trường. Về chuyên môn không phải là vấn đề nhưng về nguồn vốn, đây là một trong những rào cản của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngoài ra, còn nhiều khó khăn khác như đổi mới công nghệ, quản trị nguồn nhân lực…

Ông Nguyễn Thanh Thống, Phó Chủ tịch Hội DN trẻ TP Cần Thơ cho rằng, tính tích cực trong việc phục hồi sau dịch đã giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp vững tin vào tương lai. Tuy vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp cần sáng tạo, thay đổi tư duy để phù hợp với xu hướng mới, tạo sự bứt phá về tăng trưởng tốt hơn.

Trong khi đó, theo chuyên gia Trần Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo 3AI, khó khăn của khởi nghiệp ĐBSCL xuất phát từ hai nguyên nhân chính là nội tại từ bản thân các bạn trẻ khởi nghiệp và những yếu tố bên ngoài. Theo đó, người trẻ tham gia khởi nghiệp gần như theo bản năng, tức là thấy được cơ hội từ thị trường nên tìm cách kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề học hỏi để biến những ý tưởng thành sản phẩm, giải pháp mang tính hữu ích, tạo mô hình kinh doanh bền vững thì qua sáu năm hỗ trợ khởi nghiệp, ông Tuấn nhận ra rằng, hầu như các startup chưa nhận thức rõ được quy trình khởi nghiệp như thế nào, đặc biệt là khởi nghiệp tinh gọn nhằm bảo đảm dự án tồn tại trong những năm đầu và sau đó là phát triển.

“Đi sâu vào chất lượng thì công tác đào tạo cũng như xây dựng nhận thức đúng về khởi nghiệp còn nhiều giới hạn. Giai đoạn sắp tới, chúng ta cần tập trung vào việc đào tạo chất lượng cho khởi nghiệp phải cao hơn, theo quy trình bài bản hơn,”ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Yếu tố thứ hai gây trở ngại cho khởi nghiệp ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung là ý tưởng khởi nghiệp không đủ sức hấp dẫn. Các startup không có đủ nguồn lực cả vô hình và hữu hình để phát triển. Nguồn lực hữu hình như tài chính, các tài sản, thiết bị… Hơn nữa, các startup không tạo ra được nhiều tài sản vô hình như là thương hiệu, bằng sáng chế, đặc biệt là khu vực ĐBSCL. Với nguồn lực giới hạn như vậy thì mô hình kinh doanh hay ý tưởng khó khả thi và khó thu hút vốn từ bên ngoài. Những điểm yếu này khiến các startup rơi vào vòng luẩn quẩn, tạo ra sản phẩm nhưng không thu hút được thị trường, không thu hút được nguồn lực nên không có mô hình kinh doanh để tăng trưởng lớn.

Chuyên gia Trần Anh Tuấn cho rằng, so sánh khởi nghiệp Việt Nam và khởi nghiệp thế giới thì rõ ràng hệ sinh thái khởi nghiệp thế giới mạnh hơn. Sự hỗ trợ và vấn đề truyền thông, khả năng kết nối của khởi nghiệp trong hệ sinh thái bao gồm cả doanh nghiệp, các tổ chức chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế,… hệ sinh thái của các nước mạnh nên giúp cho các startup thành công hơn ở Việt Nam.

Nói về việc lượng doanh nghiệp thành lập mới ở Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây, ông Tuấn chia sẻ: Khởi nghiệp thông thường theo ba giai đoạn. Đầu tiên là khi các bạn phát hiện được ý tưởng kinh doanh, tìm thấy nhu cầu về thị trường thì các bạn mới hình thành ra một startup. Khi startup đó có được nguồn lực nhất định, có mô hình kinh doanh thì bước đến giai đoạn huy động vốn và trở thành một doanh nghiệp. Nếu chỉ dựa vào con số thống kê thành lập doanh nghiệp thì chưa phản ánh đúng bản chất của khởi nghiệp Việt Nam. Cần tính các doanh nghiệp có ý tưởng, hình thành mô hình kinh doanh và trở thành doanh nghiệp thì thống kê đó mới có ý nghĩa.

Sản phẩm patê mít của dự án khởi nghiệp thịt thay thế từ mít của Hậu Giang.

Yếu tố quyết định sự thành công của khởi nghiệp?

Cũng là người trải qua quá trình vất vả để thành công, ông Nguyễn Thanh Thống đã rút ra được nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Theo ông, khởi nghiệp thành công cần các yếu tố sau: Nguồn vốn tiếp cận khởi nghiệp, tức là có kế hoạch kinh doanh, hoạch định về bức tranh tài chính có tính khả thi, người ta nhìn vào là thấy được tương lai của doanh nghiệp khởi nghiệp. Các startup luôn phải chú trọng vào nguồn nhân lực với những người toàn tâm với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp. Vấn đề về kiến thức và kinh nghiệm thì phải có sự tư vấn từ đội ngũ chuyên gia, các doanh nghiệp lớn. Tổ chức cấu trúc của doanh nghiệp như văn hóa, quy trình làm việc phải rõ ràng, có mối quan hệ khăng khít và chế độ đãi ngộ tốt. Doanh nghiệp khởi nghiệp phải đầu tư trong thời gian dài nhưng doanh thu đến sau, điều này tạo áp lực lên các bạn khởi nghiệp, do đó cần rút ngắn khoảng thời gian này. Doanh nghiệp khởi nghiệp phải định vị được kế hoạch chuyển đổi số cho doanh nghiệp, phải xác định doanh nghiệp đang ở mức độ nào, phải đầu tư cho chuyển đổi số một phần hay toàn diện.

Đồng tình về những chia sẻ này, ông Trần Anh Tuấn cho biết, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần xác định rõ vấn đề cần giải quyết, đó là các vấn đề của xã hội. Người khởi nghiệp tìm kiếm nhu cầu của thị trường ở đâu, tìm vấn đề vướng mắc của những đối tượng khách hàng để giải quyết. Với cách nhìn như vậy, ngay từ khi phác thảo ý tưởng, cơ hội kinh doanh, các doanh nghiệp cần xác định lại là ý tưởng đó có sự khác biệt, đủ sức hấp dẫn thị trường và tạo ra được giá trị hay không. Từ đó, xác định và tạo ra được sản phẩm tương ứng.Giá trị tạo ra có thể tốt hơn, rẻ hơn hoặc có sự vượt trội so với đối thủ cạnh tranh.

Theo ông Tuấn, rõ ràng, khi chúng ta kinh doanh ý tưởng mới, bước vào thị trường đầy các đối thủ mà sản phẩm, dịch vụ không có sự khác biệt, vượt trội thì chắc chắn giải pháp đó khó được thị trường chấp nhận. Khi đã hình thành được ý tưởng, cần định vị sản phẩm phục vụ cho thị trường phù hợp, tức là cần tìm ra đối tượng khách hàng mục tiêu, khách hàng lý tưởng để sản phẩm phát huy khả năng tốt nhất cho người khác. Có như vậy thì khách hàng mới sẵn sàng trả tiền, chọn sản phẩm của mình thay vì đối thủ. Doanh nghiệp khởi nghiệp phải nghĩ đến việc mở rộng quy mô kinh doanh để làm sao có đủ nguồn lực tài chính, cũng như các nguồn lực khác để phát triển bền vững.Mô hình phải đảm bảo được lợi nhuận phải cao hơn chi phí bỏ ra. Lúc này, mô hình kinh doanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư hay quỹ đầu tư bên ngoài. Có như vậy, các startup mới có được bệ phóng để tăng trưởng. Ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: “Ngoài yếu tố ý tưởng, định vị sản phẩm tốt, một trong những yếu tố quan trọng nữa là nguồn lực phải mang tính khả thi. Nghĩa là doanh nghiệp phải đủ người, đủ tài chính, tài sản, thiết bị quan trọng, năng lực sản xuất để có thể phát triển mô hình kinh doanh của mình.”

Một điểm yếu khác của khởi nghiệp tại Việt Nam, trong đó có ĐBSCL là thiếu đồng đội, thiếu team, đội nhóm… Phải có sự chia sẻ với nhau về nguồn lực khác nhau để có thể đảm bảo việc thực hiện mô hình kinh doanh thành công. Khởi nghiệp ở Việt Nam thường mang tính cá nhân hoặc những đồng đội không bổ sung được nguồn lực cho nhau để cộng hưởng, cùng phát triển.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở Bến Tre.

Khởi nghiệp sáng tạo ở ĐBSCL

Nói về khởi nghiệp, chúng ta tạm chia thành hai nhóm.Nhóm thứ nhất là những người có nhu cầu lập nghiệp sau thời gian đi làm, muốn tự thân lập nghiệp để tạo cơ hội cho bản thân.Họ có thể mua bán, kinh doanh sản phẩm nào đó đơn giản nhất. Nếu những người này giỏi về marketing, về thương mại điện tử, thì có thể bán sản phẩm của người khác hoặc mở cửa hàng kinh doanh truyền thống như quán phở, quán hủ tíu…

Xu hướng thứ hai là khởi nghiệp sáng tạo. Đầu tiên những người này đi tìm cách giải quyết vấn đề thị trường đang cần, tìm thị trường mới, cơ hội mới.Đây là những nơi họ tạo ra sự khác biệt và có tính mới so với những sản phẩm trên thị trường. Với cách nhìn như vậy, họ học về tư duy đổi mới sáng tạo, học mười yếu tố đổi mới sáng tạo như thế nào để đổi mới về dịch vụ, sản phẩm, đổi mới về tương tác, về trải nghiệm, mô hình doanh thu, phương thức tổ chức,  quy trình công việc…

Có rất nhiều yếu tố để các bạn trẻ tạo ra giá trị mới cho xã hội thông qua khởi nghiệp sáng tạo. Thí dụ có người giỏi về công nghệ và có thể kết hợp với công nghệ mới vào mô hình kinh doanh của mình, thì với những tư duy trong việc ứng dụng giá trị mới này có thể cho phép họ khởi nghiệp sáng tạo. Điều này giúp họ tạo ra được mô hình kinh doanh mới lạ và hấp dẫn thị trường, mang tính khả thi cao và thu hút được nguồn lực đầu tư.

Như vậy, giữa khởi nghiệp thông thường và khởi nghiệp sáng tạo khác nhau ở điểm chính, đó là giá trị mới mà chúng ta tạo ra cho xã hội, thể hiện qua những giải pháp, sản phẩm đủ sức hấp dẫn khách hàng.

Gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của tỉnh An Giang tại Mekong Connect 2021.

Những giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, để khởi nghiệp thành công, điều đầu tiên là người khởi nghiệp phải tiếp cận phương thức khởi nghiệp đúng trong thời đại hiện nay theo xu hướng startup. Có nghĩa là bắt đầu đi tìm những vấn đề của xã hội để giải quyết hoặc là nhu cầu thị trường chưa được đáp ứng. Để làm được điều này, người khởi nghiệp phải đi học bài bản, học về khởi nghiệp tinh gọn, cách đổi mới sáng tạo. Đơn cử như việc Đoàn Thị Hồng Thắm ở Cần Thơ khởi nghiệp, tạo ra giá trị mới, một ngành mới mà chúng ta chưa bao giờ nghe, đó là ngành dược và ngành trà. Dược sĩ này nghĩ ra được khái niệm “dược trà” như sản phẩm trung gian của hai ngành này để tạo ra giá trị mới.Có nghĩa là khách hàng uống trà nhưng có tính chất dược lý, giúp chữa bệnh hay ngăn ngừa bệnh chẳng hạn. Đây chính là một trong những tư duy đổi mới sáng tạo. Nếu chúng ta kinh doanh dựa vào nguồn tài nguyên bản địa, chế biến một ít hoặc bán thô thì rõ ràng, những giá trị này không được quan tâm, kể cả khách hàng hay nhà đầu tư.

Người khởi nghiệp cần xác lập rõ tâm thế của mình, chuẩn bị những kiến thức, hành trang cần thiết để định vị mình như người khởi nghiệp sáng tạo và tạo ra những giá trị mới. Phải chuẩn bị để trở thành những doanh nhân trong tương lai, chuẩn bị nguồn lực, kiến thức để thu hút cộng đồng, thu hút thêm những nhà đầu tư khác hỗ trợ trong quá trình phát triển kinh doanh. Các bạn trẻ khởi nghiệp cần học hành, tận dụng mối quan hệ, nhất là đội ngũ cố vấn (mentor), những doanh nhân hoặc thầy cô, những người có kinh nghiệm kinh doanh thực tế để được hỗ trợ, định hướng.

Vai trò của nhà nước

Theo ông Trần Anh Tuấn, Nhà nước phải tạo ra môi trường thuận lợi để kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm người khởi nghiệp, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các viện trường đại học, cơ quan Chính phủ để làm sao tạo ra hệ sinh thái đủ mạnh. Hạn chế lớn nhất của khởi nghiệp Việt Nam đó là tính kết nối giữa các đối tượng này còn yếu.Đứng về phía doanh nghiệp, vai trò của khởi nghiệp vẫn chưa được thừa nhận.Đâu đó, các doanh nghiệp vẫn chưa đề cao vai trò của khởi nghiệp.Trong khi đó, trên thế giới, khởi nghiệp đóng vai trò khá chủ động, tiên phong trong việc tạo ra ý tưởng mới và sản phẩm mới cho xã hội, góp phần tăng cường thêm lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Bản thân Nhà nước phải xác định là nhà đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đầu tư bằng cách tạo ra những trung tâm đổi mới sáng tạo, quỹ đầu tư trong giai đoạn hạt giống. Khi một ý tưởng thành lập thì làm thế nào chúng ta tạo ra những phòng Lab trong trung tâm đổi mới sáng tạo để giúp các bạn khởi nghiệp tạo ý tưởng, tạo sản phẩm mẫu, rồi giúp các bạn thử nghiệm thị trường, chứng minh sản phẩm khả thi.

Xét về Nhà nước, hiện Việt Nam có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, có thể do công tác truyền thông nên những hỗ trợ của Nhà nước chưa đến được với người khởi nghiệp. Ngoài ra, các bạn khởi nghiệp chưa nhận thức rõ được những hỗ trợ của nhà nước đối với việc khởi nghiệp của bản thân.

Xem thêm: 3 năm liên tiếp dự án khởi nghiệp tỉnh Cà Mau đạt giải cao nhất tại Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL

Anh Tuấn thegioihoinhap.vn thực hiện

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC