Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

Cà Mau: đòn bẩy từ hạ tầng giao thông

Để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh Cà Mau đã và đang ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các công trình, dự án có tính liên kết, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Với những ưu thế đặc biệt, Cà Mau được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư.

CÀ MAU: ĐÒN BẨY TỪ HẠ TẦNG GIAO THÔNG
Công trình cầu Ông Đốc dự kiến thông xe vào cuối năm 2023.

Giao thông đi trước

Xác định hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và tạo lợi thế thu hút đầu tư, những năm qua, tỉnh Cà Mau đã chủ động rà soát, triển khai lập và hoàn thiện quy hoạch đồng bộ hệ thống giao thông, trên cơ sở kết nối hợp lý giữa các vùng kinh tế tại địa phương cũng như khu vực lân cận.

Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải Cà Mau, hệ thống giao thông của tỉnh phát triển qua từng năm. Hạ tầng giao thông thuỷ, bộ được đầu tư nâng cấp, xây mới, tạo kết nối thông suốt giữa các địa phương trong tỉnh, giữa tỉnh với các tỉnh trong khu vực. Toàn tỉnh hiện có tổng số 4.693 tuyến đường các loại, với tổng chiều dài khoảng 15.093 km. Trên địa bàn có 143 tuyến sông, kênh chính thuộc hệ thống đường thuỷ nội địa với tổng chiều dài hơn 1.820 km.

Sân bay Cà Mau đang khai thác các tuyến Cà Mau – TP Hồ Chí Minh, Cà Mau – Hà Nội và ngược lại. Bên cạnh đó, bãi đáp máy bay ở Hòn Khoai và Năm Căn, khi có nhu cầu và điều kiện, vẫn có thể khôi phục để đưa vào sử dụng phục vụ du lịch, an ninh – quốc phòng, thăm dò khai thác dầu khí. Ðây được xem là bước phát triển, cũng như lợi thế về hạ tầng giao thông của tỉnh.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Cà Mau xác định huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược. Trong đó, Cà Mau ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các công trình, dự án có tính liên kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo đó, nhiều dự án giao thông trọng điểm đã được khởi công triển khai xây dựng. Tiêu biểu, cầu Sông Ðốc nối đôi bờ Bắc – Nam thị trấn Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay, hay cầu qua sông Gành Hào nối xã Tân Thuận (huyện Ðầm Dơi) với huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu cũng đã được khởi công. Ðặc biệt, đường cao tốc Hậu Giang – Cà Mau đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trong năm 2025 theo kế hoạch đã đề ra, để đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026…

Dồn lực đầu tư

Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh là từng bước tạo ra hệ thống giao thông vận tải đồng bộ và liên hoàn, có khả năng phát triển bền vững; đồng thời đảm bảo lưu thông thuận tiện và an toàn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng gia tăng và đa dạng hoá phục vụ chiến lược phát triển về kinh tế – xã hội của tỉnh, đảm bảo an ninh và quốc phòng, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo quy hoạch đến năm 2030, Cà Mau đề xuất khôi phục, đưa vào nâng cấp kỹ thuật các tuyến đường tỉnh với quy mô tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp V đồng bằng với chiều rộng mặt đường tối thiểu 5,5 m, lộ giới tối thiểu 32 m. Ðối với các tuyến quan trọng có nhu cầu đi lại lớn, sẽ cắm trước lộ giới theo tiêu chuẩn cấp III là 45 m nhằm giảm chi phí đền bù sau này.

Ðối với hệ thống đường đô thị, ưu tiên xây dựng các tuyến trục chính mới hướng tâm kết hợp cải tạo chỉnh trang các tuyến khu vực, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị đạt tiêu chuẩn về mật độ giao thông chính gồm 2 km/km2 đối với đô thị trung tâm toàn vùng; 1,5 km/km2 đối với đô thị trung tâm vùng và huyện.

Cảng Hàng không Cà Mau quy hoạch đến năm 2030 đạt cấp 4C (theo mã chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế ICAO) để kết nối sân bay thuận tiện trong tương lai tiến hành nâng cấp Quốc lộ 1 và đường vành đai của TP Cà Mau.

Về cảng biển, đạt loại III để phát triển cửa ngõ liên kết đối ngoại phù hợp với điều kiện vị trí địa lý của Cà Mau, xây dựng các tuyến đường bộ liên kết, phát huy lợi thế vận tải logistics, tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong khu vực; Hình thành trung tâm logistics (tại huyện Năm Căn, rộng 30 ha) và cảng cạn tổng hợp (rộng 50 ha) làm đầu mối giao thông quan trọng trong chuỗi dịch vụ vận tải logistis…

Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2030, để đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, hệ thống hạ tầng giao thông cần nguồn vốn đầu tư trên 81 ngàn tỷ đồng. Khi hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư hoàn chỉnh, tạo sự kết nối để rút ngắn khoảng cách mới có thể mời gọi đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm, phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế đã được quy hoạch.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau sẽ tập trung phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, nổi trội và riêng biệt làm điều kiện, nền tảng phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Cà Mau nhanh, bền vững và toàn diện, trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng ĐBSCL và của cả nước.

Xem thêm: Giải pháp để Cà Mau phát triển bền vững

Thùy Linh diendandoanhnghiep.vn thực hiện

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC