Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau mới có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề xuất vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện Dự án “Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL – tỉnh Cà Mau”.
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân ở Cà Mau.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Cà Mau, Dự án chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long – tỉnh Cà Mau, nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới (WB) với tổng vốn đầu tư là 960,231 tỷ đồng, tương đương khoảng 41,4 triệu USD.
Dự án có hai hợp phần, dự kiến thực hiện trong bốn năm (2026 – 2029), nhằm tăng cường khả năng chống chịu điều kiện khí hậu cực đoan, khai thác và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao đời sống cho người dân khu vực 20.000ha ở phía nam tỉnh Cà Mau.
Theo đó, hợp phần sinh kế với diện tích dự án tác động khoảng 14.000ha nuôi trồng thủy sản. Trong đó, nuôi tôm quảng canh cải tiến đảm bảo an toàn sinh học; đa dạng hóa loài nuôi thông qua nuôi tôm kết hợp với các đối tượng phù hợp nhằm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, nước để nuôi trồng thủy sản.
Hợp phần xây dựng công trình, xây dựng 18 cống kết hợp cầu giao thông, nâng cấp 19,6km đê phía tây sông Bảy Háp đoạn từ Hòa Trung đến Nhà Thính (mở rộng mặt đê đất 9,3km; nâng cấp đê kết hợp lộ giao thông 7,9km; đầu tư đê mới kết hợp lộ giao thông 2,4km; chiều rộng mặt đê 7m).
Trong 8 năm qua, tỉnh Cà Mau chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Giai đoạn 2015 – 2023, hạn hán, mặn xâm nhập tại Cà Mau làm thiệt hại đến sản xuất hơn 800 tỷ đồng.
Tình hình sạt lở bờ biển (187/254 km bị sạt lở), bờ sông tại địa phương ngày càng phức tạp, khó lường, tổng thiệt hại giai đoạn 2011-2021 hơn 1.000 tỷ đồng.
Xem thêm: Cà Mau mời gọi đầu tư tại diễn dàn kinh tế kiều bào toàn cầu
Trọng Nghĩa baophapluat.vn thực hiện