Từ lâu, Vườn quốc gia U Minh Hạ được biết đến là nơi bảo tồn, tái tạo giá trị cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, phát triển nguồn gen các loại động thực vật quý hiếm. Và đây cũng là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan và du lịch của người dân.
Vị trí – Quy mô
Được thành lập trên cơ sở sáp nhập Khu bảo tồn thiên nhiên rừng đặc dụng Vồ Dơi và một phần diện tích rừng tràm U Minh Hạ, Vườn quốc gia U Minh Hạ có diện tích 8.286 ha, thuộc địa giới hai huyện U Minh và Trần Văn Thời.
Vườn quốc gia (VQG) U Minh hạ được chia thànhba phân khu chính gồm: Khu bảo tồn hệ sinh thái rừng trên đất than bùn(2.570 ha); Phân khu phục hồi và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng ngập nước (4.961 ha); Phân khu dịch vụ hành chính (755 ha).
Bên cạnh đó, Vườn quốc gia U Minh Hạ còn có hơn 25.000 ha rừng đệm, là khu bảo vệ thiết yếu bảo đảm cho sự phục sinh của nhiều loài đặc hữu của hệ sinh thái ngập nước như: Hổ mang chúa, tê tê, rái cá lông mũi…
Hệ sinh thái tự nhiên đa dạng
Nằm trong vùng đất ngập nước trên lớp than bùn, vì thế mà VQG U Minh Hạ có hệ sinh thái khá đặc biệt, độc đáo với hệ động thực vật rất đa dạng và phong phú.
+ Hệ thực vật rừng gồm 176 loài, chia 4 nhóm chính: cây gỗ, cây bụi, thảm tươi, thủy sinh. Trong đó, điển hình nhất vẫn là tràm và một số loại dây leo khác.
+ Hệ động vật tại đây gồm có 32 loài thú, 91 loài chim, 36 loài bò sát, 11 loài lưỡng cư, 37 loài cá. Đặc trưng là: rái cá, tê tê, nai, khỉ, lợn rừng, rùa, trăn, rắn…
+ Về thủy sản, dưới tán rừng U Minh Hạ ngập nước vào mùa mưa là nơi sinh sản, trú ngụ của nhiều loài cá nước ngọt như cá lóc, cá rô, cá trê, thác lác…
Đó là các loài như chích cồ, còng cọc, vạc, điên điển, le le, cúm núm, chàng bè, sếu đen… và rất nhiều loài cò như: cò trắng, cò xanh, cò đỏ, cò hương, dơi quạ…
Ngoài ra, rừng U Minh Hạ còn được xác định là một trong những vùng có trữ lượng than bùn lớn nhất nước, với độ dày trung bình 0,3 – 1,2 m. Theo Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tổng trữ lượng than ở vùng này khoảng 14 triệu tấn.
Vườn quốc gia U Minh Hạ cùng với vườn quốc gia Mũi Cà Mau và rừng phòng hộ ven biển Tây được UNESCO xếp vào danh sách Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau.
Giá trị lịch sử – văn hóa
Rừng U Minh là một vùng địa lý đặc thù đã ghi dấu ấn sâu sắc trong tiềm thức và tình cảm của nhân dân Nam Bộ, bởi U Minh là căn cứ kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực (1868), của hai anh em Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự (1872).
Bên cạnh việc tham quan các cảnh đẹp, tìm hiểu về các giá trị tự nhiên của rừng tràm, đến đây, du khách còn có thể tìm hiểu thêm các giá trị nhân văn khác như: nơi thờ Ông Lê Trọng Lược hy sinh năm 1972 (tại tuyến trung tâm cầu T21); Công binh xưởng (Tiểu khu IV khoảnh 23 x 24); Trạm quân y (Tiểu khu II khoảnh 23 x 24); Hầm bí mật (Tiểu khu III khoảnh 22)…
Du lịch – khám phá
Để đến được với U Minh Hạ, du khách có thể ngồi trên những chiếc vỏ lãi xuôi dòng sông Trèm Trẹm, Cái Tàu, sông Đốc để di chuyển, vừa khám phá thêm nét đẹp tự nhiên của rừng tràm nơi đây.
Ngoài ra, khi đến với khu du lịch sinh thái VQG U Minh Hạ, du khách cũng có thể theo chân những người thợ gác kèo ong để vào rừng ăn ong, lấy mật, tham gia các hoạt động giăng lưới, câu cá, hái rau rừng, nhổ bông súng… . Đồng thời thưởng thức các món ăn đặc sản của xứ sở rừng tràm U Minh như cá lóc nướng trui, cá rô đồng nấu lẫu mắm, lương um lá nhàu, rắn hổ hành nấu cháo đậu xanh, chuột đồng chiên…
Di chuyển – Lưu ý nhỏ
Từ TP HCM – TP.Cà Mau: 360 km
TP.Cà Mau – U Minh Hạ: 40 km
Một số lưu ý nhỏ đối với du khách khi đi tham quan Vườn quốc gia U Minh Hạ:
+ Mặc áo quần dài tay
+ Mang theo thuốc xịt tránh côn trùng.
+ Mang kính dày khi vào rừng (nếu được thì nên mang ủng).
Xem thêm: Mũi Cà Mau
Duy Tình (Nguồn: camautourism.vn)