“Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam.
Ngại chi đường xa không tới, về để nói với nhau mấy lời” (1).
Câu hát đã thôi thúc nhiều người đến với vùng đất cực Nam Tổ quốc để chinh phục điểm cuối cùng của đất nước Việt Nam thân yêu. Nhưng hôm nay tôi không chỉ nghe nói nữa mà đã chứng kiến tận mắt, bắt tận tay vùng đất mũi Cà Mau để nhìn thấy biển trời bao la, vùng đất tận cùng của Tổ quốc. Để có một chuyến về thăm đất Mũi chúng tôi phải trải qua một hành trình không mấy dễ dàng. Cái khoảnh khắc mong chờ được đặt chân lên đất Mũi cứ ào ạt trong lòng. Nhiều người nói vui rằng chưa đặt chân lên đất Mũi thì chưa được coi là đã đến Cà Mau. Cái mỏm đất cuối cùng thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.
Từ thành phố Cà Mau, chúng tôi đi bằng ca nô cao tốc mới đến được đất Mũi. Khi tàu bắt đầu khởi hành cho cuộc hành trình, trong mỗi chúng tôi đều cảm thấy bồi hồi, háo hức. Ca nô lướt ào ào trên con sông Cửa Lớn – một con kênh dài 58km rộng 600m. Ở đây chằng chịt những luồng lạch và rạch nước. Những dòng nước trắng xóa tạo thành từng đường khi ca nô vun vút lướt qua, những luồng gió mát vỗ về êm dịu vào mặt người làm chúng tôi vừa cảm thấy bỏng rát, nhồn nhột, vừa cảm thấy êm ái dễ chịu, tạo thêm hứng khởi cho chúng tôi muốn nhanh chóng đặt chân đến đất Mũi Cà Mau để được khám phá hết vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú của mảnh đất này.
Chúng tôi ngồi trên ca nô thích thú như chơi trò chơi cảm giác mạnh trên sông nước. Thỉnh thoảng ca nô liệng qua ngã ba, ngã tư, cua trái, quẹo phải… với cách đánh tay lái khá điệu nghệ và bình thản của người sông nước miền Tây. Nếu người nào hay say tàu xe thì nên uống thuốc chống say trước khi lên ca nô cao tốc này. Còn không thì đây là cơ hội cho những ai khám phá “Hương rừng Cà Mau”.
Cảm giác mong chờ rồi cũng đến, chúng tôi đặt chân lên Mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 (cây số 0) là điểm mốc có ý nghĩa thiêng liêng đánh dấu điểm tận cùng cực Nam của Việt Nam (trên đất liền) chính là Đất Mũi (Cà Mau). Với mỗi người dân Việt Nam, ai ai cũng muốn một lần được đến mũi Cà Mau để check in địa điểm này. Được xây dựng vào tháng 1 năm 1995, đây là một cột mốc lớn, được xây dựng rất đẹp, có hình dạng ngôi sao sáu cánh, ở giữa có một cái lỗ hình vuông là tâm của cột mốc.
Để có tầm nhìn rộng hơn, bao quát toàn bộ vùng Đất Mũi, chúng tôi trèo lên đài quan sát cao 21 m. Từ đây phóng tầm mắt ra xa, thấp thoáng trong rừng đước trăm mái nhà ngư dân xóm Mũi. Trước mặt là bao la biển cả, sau lưng là bạt ngàn rừng đước. Từ Mũi Cà Mau, nhìn về phía Tây Nam, đảo Hòn Khoai hiện lên xanh rì giữa muôn trùng sóng biếc. Đảo Hòn Khoai gắn liền với tên tuổi thầy giáo Phan Ngọc Hiển, người con thân yêu của vùng đất Cà Mau trong cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai, lãnh đạo nhân dân đứng lên chống Pháp đô hộ. Đây là nơi duy nhất trên cả nước có thể nhìn thấy mặt trời mọc trên biển ở phía Đông và lặn ở phía Tây. Trải qua biết bao năm tháng, phù sa lấn dần ra biển rộng, vùng đất trước mặt khi xưa là biển nước mênh mông nay đã gần như nằm trong đất liền, được bao bọc bởi màu xanh của rừng đước dày đặc. Đúng như lời bài hát: “Đất mũi Cà Mau, trăm thương ngàn mến. Một hạt phù sa lấn biển thêm rừng đều giục người đi nhanh nhanh đôi bàn chân, nhanh nhanh những nghĩ suy và ước vọng về đất biển Cà Mau, thấy đất trời thêm rộng lớn”(2).
Cách đó không xa là Biểu tượng Mũi tàu của Đất Mũi Cà Mau. “Tổ quốc tôi như một con tàu. Mũi thuyền ta đó – mũi Cà Mau” (3), câu thơ rất hay của nhà thơ Xuân Diệu mà nhiều người từng đọc đã gợi tả sinh động vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Mũi Cà Mau “như một mũi thuyền” như Xuân Diệu ví von, vươn ra giữa bao la xanh của rừng đước và Biển Đông.
Rời Đất Mũi, ấn tượng trong tôi không chỉ có biển xanh, rừng ngập mặn mà đặc biệt hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc biểu tượng con tàu vượt sóng ra khơi, và cột Mốc tọa độ đánh dấu chủ quyền quốc gia. Vẫn con tàu thủy đưa chúng tôi đến Đất Mũi, sau lại đón chúng tôi từ Đất Mũi trở về, vẫn lướt trên dòng sông Cửa Lớn.
Với nhiều người Việt Nam mũi đất Cà Mau, cực Nam Tổ quốc vẫn luôn là tượng đài nằm trong sâu thẳm trái tim. Nếu ai chưa ghé đất Mũi, tôi khuyên ghé dù chỉ một lần, để có dịp cảm nhận về mảnh đất địa đầu Tổ quốc, chủ quyền quốc gia và sự thay da đổi thịt của mảnh đất này. Lúc đó bạn sẽ thốt lên rằng “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” (4).
Sau một ngày đi thăm đất Mũi, những bước chân không biết mệt mỏi vẫn muốn lôi kéo chúng tôi đi mãi, đi mãi để khám phá hết những vẻ đẹp kỳ diệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất này. Mặc dù đã mệt nhoài sau những ngày khám phá vẻ đẹp của Cà Mau. Một chuyến đi đã để lại trong tôi nhiều khoảnh khắc đáng nhớ đó là một vùng biển, một hệ sinh thái rừng ngập mặn rất đa dạng và phong phú với biết bao kỷ niệm dấu yêu và đặc biệt hơn tôi đã tận mắt chứng kiến cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi Mũi Cà Mau là vùng đất được xây dựng từ máu xương, thành quả lao động của các thế hệ cha ông.
Có những cung bậc cảm xúc thật khó tả mỗi khi ai đã từng đặt chân đến Cà Mau, ít nhiều gì cũng sẽ có những ấn tượng và kỉ niệm sâu sắc để lại trong lòng khi xa nơi này. Khi xa nơi đây, tôi vô cùng nhớ! vì Cà Mau đã để lại một góc nhỏ trong trái tim tôi. Cà Mau ơi, nhất định tôi sẽ quay trở lại. Xin mượn lời bài hát để kết thúc bài viết này:
“Cà Mau mặc thêm áo mới, về Cà Mau là thấy thương em rồi”(5).
——————————-
Chú thích:
(1), (5): Bài hát: Áo Mới Cà Mau, Nhạc sĩ: Thanh Sơn
(2): Bài hát Về đất mũi Cà Mau, Nhạc sĩ Hoàng Hiệp
(3): Bài thơ “Mũi Cà Mau” của Xuân Diệu
(4): Bài thơ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng” của Chế Lan Viên
Xem thêm: Du lịch thăng hạng: Việt Nam rút ngắn khoảng cách với thế giới