Vùng đất U Minh Hạ không chỉ vang danh với mật ong rừng tràm, mà nơi đây còn có đặc sản đặc trưng là mắm làm từ cá. Mắm có thể chế biến thành nhiều món ăn, trong đó ưa chuộng nhất là lẩu mắm.
Theo người dân địa phương, mắm ở vùng đất U Minh (tỉnh Cà Mau) thường làm từ cá nước ngọt như cá lóc, cá sặc, cá rô… Ngoài ra, còn có mắm làm từ cá biển được đánh bắt từ vùng biển Cà Mau.
Mắm có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, như mắm sống (dùng để ăn sống mà không qua chế biến từ nấu nướng), mắm chưng trứng thịt, mắm chiên, gỏi cuốn mắm ong, mắm trộn đu đủ, cá om mắm nướng,… Đặc biệt, không thể bỏ qua món lẩu mắm.
Để làm lẩu mắm, người làm phải qua nhiều khâu chế biến như nước lẩu từ mắm (theo dân địa phương, ngon nhất là mắm cá sặc), với nguyên liệu đi kèm như cà phổi, nấm rơm, cá (chủ yếu là cá nước ngọt), thịt ba chỉ, hải sản (mực, tôm…)…
Cùng ăn chung với lẩu mắm thì không thể thiếu rau sống nhúng vào lẩu. Ở đất U Minh có hàng chục loại rau được ưa chuộng, như bắp (hoa) chuối, rau muống, bông súng, lá hẹ, bồn bồn, rau đắng, bông bí, rau dừa, rau nhúc, mồng tơi…
Có thể nói, khi về vùng đất U Minh Hạ, với ẩm thực, thưởng thức các món ăn từ mắm rất thú vị, ăn một lần nhớ mãi. Nhiều du khách khi về đây hay nói vui: “Ăn mắm U Minh, chỉ nhìn rau thôi cũng đã thèm”.
Trước đó, tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập top 100 món ăn đặc sản Việt Nam đối với Lẩu mắm U Minh. Còn Mật ong rừng U Minh cũng vào top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam.
Lẩu mắm U Minh được nấu từ mắm cá nước ngọt hoặc cá biển, đi kèm là cá và các loại hải sản, cùng nhiều loại rau.
Còn mật ong rừng U Minh được lấy từ vùng U Minh Hạ, nơi nổi tiếng với “bốn bể là tràm”. Vào mùa ong lấy mật, hoa tràm nở rộ trắng cả khu rừng U Minh.
Xem thêm: Văn hóa ẩm thực Khmer trong món ăn của người Cà Mau
Huỳnh Hải(dantri.com.vn thực hiện)