Không ai giỏi bằng người nông dân khi làm nông nghiệp, nhưng vì sao nhiều nông dân vẫn khốn khổ trên chính mảnh ruộng của mình, đổ bỏ chính nông sản vừa “một nắng hai sương” sản xuất ra là câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng nếu có hành động cụ thể từ chính người nông dân về thay đổi sản xuất, tới các bộ ngành, địa phương nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho từng vấn đề mà nông dân gặp phải, chắc chắn nền nông nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, đời sống nông dân khấm khá hơn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, ông đã từng nhận được những câu hỏi không dễ trả lời chính xác, như: “Nông dân chúng ta giàu hay nghèo? Giải pháp nào để tăng thêm thu nhập cho người nông dân?”.
Nông dân đang khó ở đâu?
Một nông dân vùng miền Tây sông nước từng bày tỏ nỗi trăn trở với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan rằng: “Tại sao cũng cùng làm nghề nông, mà nông dân ở các nước khác có mức sống khá giả, trong khi nông dân quê mình cần cù, chịu thương, chịu khó, sao mà vẫn nghèo khổ, cơ cực quá?”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân.
Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 4, nhiều nông dân cũng bày tỏ tâm tư về vấn đề làm sao để giá cả nông sản không còn bấp bênh, làm sao để người nông dân không phải ly hương, làm sao cũng một sản phẩm đó nhưng bán được giá trị cao hơn…
Nông dân Nguyễn Thị Trâm đến từ xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, cho hay gia đình chị hiện có 5ha trồng rau công nghệ cao ở Bắc Ninh, 10ha trồng rau an toàn ở Hà Giang với sản lượng 1.000 tấn rau. Tuy nhiên, vấn đề mà chị Trâm băn khoăn nhất là sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu đang ở dạng sản xuất thô, các sản phẩm nông sản xuất khẩu cũng dưới dạng thô, chưa có chế biến sâu, nên giá trị thu về còn thấp.
“Xin Thủ tướng cho biết, Chính phủ có giải pháp gì để hỗ trợ chế biến nông sản cho nông dân? Chính phủ sẽ có chính sách gì để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao?”, nông dân Nguyễn Thị Trâm chia sẻ trăn trở với Thủ tướng.
Trong khi đó, nông dân Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam (Yên Châu, Sơn La) – hiện có 100ha trồng cây ăn quả và xuất khẩu đi Mỹ, cho hay thời gian qua, người nông dân Sơn La đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, nhiều diện tích cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng, đã được xuất khẩu vào nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên, từ năm 2020, các chính sách kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của Trung Quốc đã khiến hoạt động xuất khẩu sang thị trường này gặp nhiều khó khăn.
Đồng thời, trái cây tươi của tỉnh Sơn La khi xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu chiếu xạ thường phải chuyển vào các tỉnh phía Nam xử lý, nên tăng thời gian vận chuyển và chi phí, dẫn tới thương nhân thu gom thường giảm giá mua tại vườn của người dân.
Đặc biệt, nông dân Chảo Thị Yến (xã Nậm Chạc, Bát Xát, Lào Cai) nêu ra một vấn đề rất xót xa hiện nay là nhiều lao động ở vùng miền núi từ người trẻ đến trung niên bỏ làm nông nghiệp để đi làm thuê, làm công nhân ở các khu công nghiệp. Khi đến các bản làng có thể dễ nhận thấy đa số là người già và trẻ em.
Nông dân Chảo Thị Yến mong muốn Thủ tướng có giải pháp để thu hút lực lượng lao động trẻ ở lại phát triển nông nghiệp, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa – dân tộc.
Chia sẻ với trăn trở mà nhiều nông dân đang gặp phải, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH đánh giá những năm gần đây, các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước đã nhận thức được vai trò sống còn của công nghệ cao cũng như nỗ lực theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Nhờ thế, ngành có sự phát triển tương đối mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 vẫn đạt 48,6 tỷ USD. Xuất khẩu nông sản riêng trong tháng 4/2022 đạt 4,8 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ…
Tuy nhiên, bà Hương cho rằng kết quả này vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam. “Không ai giỏi bằng người nông dân khi làm nông nghiệp, nhưng để nông nghiệp trở thành hàng hóa, để tiếp sức cho sản phẩm của nông dân và doanh nghiệp đơm hoa kết trái, để ứng dụng thành công các thành tựu về khoa học công nghệ, khoa học quản trị của thế giới thì cần có những cơ chế, chính sách thích hợp cho từng ngành nghề, từng thời điểm”, bà Thái Hương nhận định.
Gỡ từng ‘nút thắt’
Nhà sáng lập Tập đoàn TH đề xuất hai việc cần triển khai sớm và mạnh mẽ. Cụ thể, cần đánh giá lại nguồn lực về đất đai để từ đó có các chính sách điều chỉnh phù hợp: “Nên khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Như một số loại cây trồng mang vai trò xóa đói giảm nghèo trong các giai đoạn trước, đến nay đã không còn phù hợp nữa, nên chuyển sang cây ăn trái hoặc thảo dược. Tùy khí hậu thổ nhưỡng từng địa phương, cần có nghiên cứu bài bản và có mô hình điểm cho nông dân. Chẳng hạn, cây keo bây giờ không có hiệu quả như lịch sử của nó được xem như loại cây trồng giúp xóa đói giảm nghèo trước đây, nay nên chuyển đổi”.
Trên thực tế, cách làm này đã được Tập đoàn TH triển khai từ nhiều năm nay. TH chuyển đổi nhiều diện tích trồng cây keo sang cây ăn trái, thảo dược, chẳng hạn như đàn hương (để sản xuất trà đàn hương), mắc ca và các loại cây lấy tinh dầu, chế biến dược liệu.
Thứ hai, bà Thái Hương cho rằng, để khai thác, tiếp cận đa dạng thị trường, đặc biệt là xuất khẩu, cần có chiến lược phát triển Thương hiệu quốc gia. “Bộ Công Thương rất quan tâm đến vấn đề này và từ 20 năm nay đã có chương trình Thương hiệu quốc gia. Tôi mong muốn Bộ Công Thương có đủ kinh phí để tiếp tục và nâng cao hơn nữa việc hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp Việt trong việc tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng trên thế giới”, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH nói.
Đối thoại trực tiếp với nông dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu 9 vấn đề lớn cần quan tâm, giải quyết trong thời gian tới. Một trong những vấn đề lớn là Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến và thống nhất ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới về đất đai; nông nghiệp, nông dân, nông thôn; kinh tế tập thể: Nghị quyết tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn 2045; Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Thủ tướng đề nghị cần quán triệt nghiêm túc và triển khai hiệu quả các nghị quyết của Đảng sau khi ban hành.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân” để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế…
Các Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung… cũng trực tiếp đưa ra giải pháp về các vấn đề mà nông dân đang gặp phải như đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, liên kết sản xuất gắn với chuyển đổi cây trồng, hạ giá thành sản xuất, đào tạo nghề…
Đây chắc chắn là những giải pháp nếu được đẩy mạnh, triển khai đồng bộ như yêu cầu Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra là: “Vấn đề mà nông dân gặp phải thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý, giải quyết với tinh thần trách nhiệm làm hết mình, không nêu ra vấn đề rồi để đấy” , nền nông nghiệp Việt Nam sẽ “cất cánh”, nông dân có cuộc ấm no hơn. Và câu hỏi “nông dân chúng ta giàu hay nghèo? Giải pháp nào để tăng thêm thu nhập cho người nông dân?” như Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu ra ban đầu sẽ không còn khó trả lời.
Xem thêm: Việt Nam trở thành “Tam giác vàng khởi nghiệp” tại Đông Nam Á
Lê Thúy vnbusiness.vn thực hiện