Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Tăng cường xúc tiến thương mại nông sản trên sàn MadeinCaMau.com

Trong năm 2021, sản lượng thủy sản của tỉnh Cà Mau đạt 613.700 tấn (khai thác 230.000 tấn, nuôi trồng 383.700 tấn), sản lượng lúa đạt 459.000 tấn,…. Nông sản chiếm tỉ trọng rất lớn trong tổng sản phẩm của tỉnh. Để nâng cao giá trị thương hiệu của nông sản Cà Mau, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ đặc sản, sản phẩm mang nhãn hiệu được bảo hộ có vai trò vô cùng trọng đối với địa phương; đặc biệt trên môi trường thương mại điện tử. Theo đó, các mặt hàng nông sản được tăng cường xúc tiến thương mại điện tử trên Sàn TMĐT Cà Mau madeincamau.com.

Đại diện Trung tâm xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (iPEC) chia sẻ với phóng viên (PV) về hoạt động của Sàn TMĐT Cà Mau và kế hoạch xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT. Theo đại điện iPEC, Sàn TMĐT Cà Mau hiện được iPEC vận hành, cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, hỗ trợ trưng bày, quảng bá và kết nối tiêu thụ hàng hóa của tỉnh.

PV: Chính sách hỗ trợ đối với người bán trên Sàn TMĐT Cà Mau như thế nào?

Sàn TMĐT Cà Mau được xây dựng với mục tiêu trưng bày và quảng bá đặc sản các sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ của tỉnh và xúc tiến thương mại, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Theo đó, người bán là doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được miễn các khoản phí khởi tạo và duy tri tài khoản, phí xử lý đơn hàng,…. (ngoại trừ các khoản phí do đơn vị vận chuyển hay đơn vị thanh toán quy định). Đồng thời, Sàn TMĐT Cà Mau có đội ngũ nhân sự hỗ trợ người bán chụp ảnh và đăng tải thông tin hàng hóa. Người bán được hướng dẫn và đào tạo các kỹ năng cơ bản để quản lý gian hàng và thực hiện các giao dịch TMĐT. Hiện nay, để đa dạng các ngành hàng, dịch vụ được trưng bày và giao dịch trên Sàn TMĐT Cà Mau, qua đó hỗ trợ tốt nhất đến người tiêu dùng khi mua sắm, Sàn TMĐT Cà Mau có những chính sách ưu đãi riêng đối với doanh nghiệp và hàng hóa ngoài tỉnh.

Sàn TMĐT Cà Mau đang mời gọi doang nghiệp, thương nhân tham gia kênh người bán với ưu đãi miễn 100% các khoản phí (duy trì tài khoản và xử lý đơn hàng)

PV: Hiện có bao nhiêu sản phẩm tham gia trưng bày, giao dịch trên Sàn TMĐT Cà Mau? Trong đó sản phẩm nông nghiệp, OCOP chiếm ưu thế như thế nào? Hiệu quả của sàn TMĐT trong kết nối, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm đặc sản đặc trưng của Cà Mau trong thời gian qua thế nào?

Hiện có hơn 300 sản phẩm được trưng bày trên Sàn TMĐT Cà Mau, thuộc gần 60 gian hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thương nhân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đa phần là các sản phẩm nông nghiệp bao gồm các mặt hàng thủy hải sản tươi sống và chế biến, các loại khô, nước mắm, bánh phồng tôm, gạo, mật ong, bồn bồn,.. đặc biệt có nhiều hàng hóa mang nhãn hiệu đã được bảo hộ của tỉnh như Tôm khô Rạch Gốc, Cua Năm Căn, Khô bổi U Minh … Hiện nay hầu hết các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và chứng nhận Công nghiệp nông thôn tiêu biểu qua các năm đều đã được mời trưng bày trên Sàn TMĐT Cà Mau.

Dịp cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần, thông qua Sàn TMĐT Cà Mau, iPEC đã phối hợp các chủ thể OCOP giao dịch thành công cho hơn 150 giỏ quà tết (mỗi giỏ chứa chứa 4 – 6 mặt hàng là sản phẩm đạt chứng nhận OCOP năm 2020 và 2021). Ngoài ra, Sàn TMĐT còn nhận được nhiều đề nghị từ người mua ngoài tỉnh để được kết nối với người bán để tìm hiểu và thực hiện các giao dịch thương mại trực tiếp.

Hơn 300 sản phẩm (đa phần là nông sản), bao gồm các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và chứng nhận Công nghiệp Nông thôn tiêu biểu qua các năm được trưng bày trên Sàn TMĐT Cà Mau

PV: iPEC có kế hoạch hỗ trợ gì để doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đưa được sản phẩm của mình lên sàn TMĐT trong năm 2022?

Là đơn vị trực tiếp quản lý và vận hành Sàn TMĐT Cà Mau, iPEC đã xây dựng kế hoạch cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Cà Mau trong năm 2022. Thứ nhất, đội ngũ nhân sự iPEC tư vấn trực tiếp, hỗ trợ thương nhân mở tài khoản, đăng thông tin sản phẩm; qua đó có thể hướng dẫn thêm một số kỹ năng quản lý gian hàng trực tuyến và các giao dịch cơ bản trên sàn TMĐT. Thứ hai, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng quảng bá, tiếp thị sản phẩm thông qua các gian hàng trên các sàn TMĐT, mời các đơn vị đào tạo chuyên nghiệp tập huấn nâng cao các kỹ năng về TMĐT, xúc tiến thương mại trực tuyến và maketing online. Thứ ba, iPEC tạo lập và quản lý gian hàng “MadeinCaMau” trên các Sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada, Tiki,… và Sàn TMĐT Cà Mau; thông qua gian hàng này, iPEC sẽ quảng bá và trưng bày hàng hóa của doanh nghiệp và có thể xúc tiến thêm giao dịch giao dịch cho doanh nghiệp. Đồng thời, iPEC có thể hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh của tỉnh khởi tạo và vận hành gian hàng riêng trên các sàn TMĐT này để mở rộng việc kết nối và tiêu thụ hàng hóa.

PV: Đưa nông sản lên sàn TMĐT là mở ra một kỳ vọng mới hướng mới số hoá cho hộ sản xuất nông nghiệp. Để làm được điều này chúng ta cần làm gì để giúp hộ sản xuất nông nghiệp tiếp cận được sàn TMĐT cũng như hỗ trợ, định hướng xây dựng thương hiệu sản phẩm?

Để hộ sản xuất nông nghiệp tiếp cận được sàn TMĐT, chúng ta cần có: (i) chương trình đào tạo về xây dựng hình ảnh sản phẩm (chụp ảnh, quay phim, xây dựng các nội dung giới thiệu sản phẩm, xây dựng câu chuyên sản phẩm); (ii) đào tạo, tập huấn về kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản, các thao tác mua bán, thanh toán trên sàn, lựa chọn đơn vị vận chuyển hàng hóa; (iii) chính sách hỗ trợ của các chủ sàn (chính sách vận chuyển; chiết khấu ưu đãi cho nông sản).

Cụ thể trong năm 2021, iPEC đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các lớp tập huấn giới thiệu Sàn TMĐT Cà Mau Madeincamau.com, Sàn Voso.vn của Viettel, Sàn Postmart.vn của Bưu điện đến doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, iPEC đang có kế hoạch tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng tiếp thị sản phẩm trên các sàn TMĐT cho các chủ thể OCOP và và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dự kiến tổ chức trong tháng 4/2022. Ngoài ra, để triển khai “Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” (Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 10/01/2022 của UBND tỉnh), iPEC đang xây dựng các chương trình đào tạo về kỹ năng bán hàng, giới thiệu sản phẩm trên sàn TMĐT, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại dự kiến sẽ triển khai trong năm 2022.

iPEC tiếp tục phối hợp với các Sở: Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ và các đơn vị có liên quan tiếp tục truyên truyền, giúp hộ sản xuất nông nghiệp dần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng mẫu mã, bao bì, đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm, nghiên cứu kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm, bảo hộ logo, thương hiệu; hỗ trợ đào tạo kỹ năng, hướng dẫn hộ sản xuất nông nghiệp cách thức bán hàng và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong nước và cả nước ngoài thông qua môi trường số.

PV: Thuận lợi và khó khăn khi đưa sản phẩm nông nghiệp hay đặc sản đặc trưng của Cà Mau lên sàn TMĐT? Đề xuất ý kiến?

Một số sản phẩm nông nghiệp hay đặc sản của Cà Mau đã có vị thế trong cộng đồng người tiêu dùng, nên đây là thuận lợi rất lớn trong việc xúc tiến thương mại các mặt hàng này trên các sàn TMĐT. Tuy nhiên, công tác hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm, hàng hóa lên các sàn TMĐT còn gặp một số khó khăn: (i) doanh nghiệp chưa có dữ liệu số về thông tin doanh nghiệp và hàng hóa (ví dụ logo nhận diện doanh nghiệp, bộ ảnh về sản phẩm, câu chuyên sản phẩm của doanh nghiệp) hoặc đã có nhưng chưa rõ, chưa đặc sắc; (ii) Thiếu các thông tin cần thiết trên bao bì sản phẩm như thành phần, hướng dẫn sử dụng, điều kiện bảo quản, hạn sử dụng, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng, các chứng nhận; (iii) Đóng gói sản phẩm chưa đạt yêu cầu, sản phẩm đôi khi chỉ chứa trong các bao bì tạm, mẫu mã sản phẩm chưa đẹp và bắt mắt người dùng, quy cách đóng gói chưa phù hợp với nhu cầu và thị hiếu, nhiều bao bì chưa đáp ứng điều kiện bảo quản trong tủ đông, tủ lạnh….

Hình ảnh hàng hóa, bao bì sản phẩm là yếu tố quan trọng để xúc tiến thương mại trên các sàn thương mại điện tử 

Để có thể thành công trong việc kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, đặc sản Cà Mau và tham gia sàn TMĐT, doanh nghiệp và thương nhân cần: (i) tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình chuyển đổi số, xúc tiến thương mại,… để xây dựng dữ liệu số về thông tin (hình ảnh, video) về doanh nghiệp, sản phẩm (câu chuyên sản phẩm); (ii) xây dựng bộ ảnh sản phẩm chất lượng cao, đẹp, bắt mắt sao cho khách hàng mua sắm trực tuyến có thể truy cập vào xem hàng hóa và thông tin của doanh nghiệp trong khi có vô số các sản phẩm cùng loại xuất hiện trước mắt họ; (iii) đăng tải thông tin hàng hóa phải chi tiết, có thành phần và tiêu chuẩn chất lượng cụ thể, thể hiện được điểm nổi bật của sản phẩm, trình bày nội dung cuốn hút để dễ dang thuyết phục khách hàng chọn mua sản phẩm; (iv) giao dịch hàng hóa chất lượng, đúng nội dung đã quảng cáo và trưng bày để đảm bảo khách hàng tiếp tục ủng hộ các sản phẩm của doanh nghiệp. 

Xem thêm: Đồng hành cùng doanh nghiệp Cà Mau trong chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến”

 Phúc Ngươn

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC