Tối 26/3, tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đã diễn ra Lễ công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với Lễ hội truyền thống Nghinh Ông Sông Đốc (Cà Mau).
Dự lễ có đại diện Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, các sở, ngành của tỉnh Cà Mau; đại diện Tổng cục Du lịch, Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); cùng đông đảo cán bộ, nhân dân vùng biển Sông Đốc.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cảm ơn, biểu dương nhân dân thị trấn Sông Đốc và Ban Quản trị lăng Ông trong thời gian qua đã ủng hộ, hỗ trợ, cung cấp thông tin để xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc, qua đó thể hiện sự trân trọng, ghi nhận của Nhà nước đối với Lễ hội truyền thống này.
Việc Lễ hội Nghinh Ông ở thị trấn Sông Đốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm tự hào của người dân tỉnh Cà Mau, nhất là người dân ở miền biển Sông Đốc, mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.
Đồng thời, đây cũng là điều kiện thuận lợi để bạn bè trong nước, quốc tế biết nhiều hơn về nét đẹp văn hóa của vùng đất ven biển Cà Mau.
‘‘Với những giá trị vốn có của Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc về văn hóa, lịch sử, kinh tế, khoa học…, cần chung tay ra sức bảo vệ di sản, để di sản được trường tồn với thời gian, được lưu truyền, kế thừa và phát triển hơn nữa về quy mô cũng như giá trị. Trong đó, ngư dân là chủ thể của văn hóa, tín ngưỡng, do đó cách bảo tồn hiệu quả nhất phải do chính chủ nhân của văn hóa, tín ngưỡng lựa chọn và thực hiện,” ông Trần Hồng Quân nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội tại di sản cần được tăng cường, gắn với trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân nhằm thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; tuyên truyền về bảo tồn văn hóa phi vật thể cho người dân, qua đó nâng cao nhận thức về truyền thống văn hóa của dân tộc; đưa di sản văn hóa phi vật thể vào bảo quản trong các kho tư liệu, vào giảng dạy trong nhà trường, tổ chức sinh hoạt trong cộng đồng hay tại bảo tàng, di tích.
Ông Trần Hồng Quân đề nghị các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc bảo tồn di sản; hỗ trợ cộng đồng, gia đình và nghệ nhân tổ chức truyền dạy, trình diễn, quảng bá Lễ hội Nghinh Ông; phục hồi, lưu truyền các nghi thức tế lễ cùng các bài bản, hình thức diễn xướng truyền thống trong Lễ hội hiện đã bị mai một, các tập quán xã hội liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc trong cuộc sống đương đại…
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần quan tâm thực hiện tốt chính sách đãi ngộ, khen thưởng cho những nghệ nhân có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc…
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cam kết sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất để ngư dân tiếp tục bám biển; huy động thêm nhiều nguồn lực cả trong và ngoài nước nhằm phát huy, bảo tồn có hiệu quả giá trị Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia – Lễ hội truyền thống Nghinh Ông Sông Đốc.
Xem thêm: Phong phú chuỗi hoạt động “Hương rừng U Minh”
Kim Há (TTXVN/Vietnam+)