Cà Mau có khoảng 3.960 doanh nghiệp (DN), 223 hợp tác xã (HTX) và cơ sở sản xuất, với hàng trăm mặt hàng có thương hiệu uy tín trên thị trường, đã giao thương, kết nối cung cầu với các tỉnh, thành trong khu vực và ngoài nước.

Trong những năm qua, Cà Mau đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết và ký kết các biên bản ghi nhớ với các tỉnh, thành phố trong cả nước; tổ chức nhiều đoàn tham quan, tìm hiểu thị trường và triển khai hợp tác với các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam… Đồng thời đẩy mạnh hợp tác phát triển các lĩnh vực giữa Cà Mau và các tỉnh, thành phố thông qua các hội thảo, hội nghị kết nối cung – cầu, hội chợ triển lãm nông nghiệp – thương mại – du lịch… Thông qua đó, nông sản Cà Mau đã có nhiều mặt hàng, sản phẩm được các DN Cà Mau kết nối, tiêu thụ với các đối tác. Tôm Cà Mau; cua Năm Căn; mật ong, khô cá bổi U Minh… được các ngành chức năng hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu; các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm, nhà hàng, khách sạn đã kết nối tiêu thụ và quảng bá đến người tiêu dùng cả nước.


Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai hoạt động kết nối giao thương giữa Cà Mau và các tỉnh, thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo ông Quách Văn Ấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN Cà Mau: “Nguyên nhân do khâu sản xuất các mặt hàng nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ, khâu quản lý chất lượng sản phẩm, quá trình nuôi trồng, lưu thông chưa chặt chẽ. Các hộ, HTX sản xuất hàng hóa, nông sản còn theo tập quán truyền thống. Nhiều nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng. Mẫu mã bao bì sản phẩm chưa hấp dẫn người tiêu dùng… Cùng với yêu cầu khắt khe trong việc đưa sản phẩm vào kênh phân phối hiện đại giữa DN Cà Mau với các tỉnh, thành kết nối giao thương, thì xu hướng người tiêu dùng cũng đòi hỏi các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc, thân thiện với môi trường, giá thành hợp lý… Do đó, nếu các sản phẩm không đảm bảo các yêu cầu trên, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ”.


Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ DN Cà Mau sẵn sàng đồng hành cùng các DN, HTX, cơ sở sản xuất ở địa phương trong kết nối cung cầu, nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho DN, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa Cà Mau và các tỉnh, thành phố trên cả nước một cách bền vững. Qua đó, nhằm đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương thời gian tới.
HUỲNH LÂM (baoanhdatmui.vn)