Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Làn gió mới từ du lịch nông nghiệp nông thôn

Du lịch nông nghiệp nông thôn (du lịch cộng đồng, nông nghiệp và sinh thái) đang có sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Đây là mô hình vừa gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp vừa tạo thêm sinh kế cho người dân và bảo vệ môi trường sinh thái.

Làn gió mới từ du lịch nông nghiệp nông thôn
Người dân thôn Bình Thành tham gia phát triển du lịch sinh thái – Ảnh: VGP/Lưu Hương

Người dân cùng đồng hành

Thôn Bình Thành, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi là vùng quê giàu truyền thống, có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển các vườn cây ăn trái như chôm chôm, bưởi da xanh, sầu riêng và chuối ngự.

Ngoài ra, thôn còn giữ được nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm đã có từ cách đây hơn 100 năm. Đây là dịch vụ trải nghiệm thú vị, phục vụ du khách và cả học sinh tham quan, học tập trong thời gian gần đây.

Cứ vào dịp cuối tuần, ông Nguyễn Diên Thọ (thôn Bình Thành) đều đón đoàn khách từ TP. Quảng Ngãi đến tham quan, trải nghiệm tại vườn cây ăn quả của gia đình. “Thời gian đầu khách đến chưa nhiều, nhiều thứ còn bỡ ngỡ. Đến nay hoạt động dịch vụ du lịch của gia đình đã đi vào quy củ, khách đến đây trải nghiệm văn hóa thôn quê đông hơn. Gia đình luôn chăm chút cảnh quan, giữ gìn môi trường xanh sạch để giữ chân du khách”, Ông Thọ cho hay.

Ông Đoàn Phú Việt Nam, Giám đốc HTX nông nghiệp-dịch vụ và du lịch cộng đồng Bình Thành cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, Bình Thành liên tục đón những đoàn khách đến tham quan. Mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch này vừa mang lại cho du khách cơ hội gần gũi thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống nhà nông đồng thời cũng tăng thu nhập cho các thành viên nông dân, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kết hợp dịch vụ”, ông Nam trao đổi.

Tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, loại hình du lịch sinh thái cộng đồng cũng đang phát triển mạnh mẽ. Các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các điểm đến như: Gành Yến, rừng Cóc Trắng, bàu Cá Cái, rừng dừa nước… đang thu hút đông đảo lượng khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.

Ông Võ Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho hay, địa phương đang hướng đến phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo ra sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cho người dân, không chỉ dừng lại là điểm check in, tham quan. Người dân trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch, làm ra sản phẩm đặc sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của địa phương để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, tiêu thụ và người dân hưởng lợi.

Theo Sở VHTT&DL Quảng Ngãi, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch đang được khuyến khích phát triển nhằm đa dạng hóa sản phẩm và phát huy được tài nguyên du lịch của tỉnh. Sau đại dịch COVID-19, du lịch nội địa, du lịch cộng đồng, du lịch xanh trong thời gian ngắn đang là xu hướng lựa chọn của du khách.

Thêm sinh kế cho người dân

Được huyện hỗ trợ vay vốn để thành lập mô hình du lịch sinh thái, gia đình ông Đinh Văn Như (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) đã có homestay rộng hơn 700 m2 được bao bọc bởi khe suối, núi đồi. Vào các ngày cuối tuần, lượng khách đến rất đông.

Du khách đến đây không chỉ nghỉ ngơi thư giãn mà còn được trải nghiệm các phong tục, tập quán, văn hóa của người Cơ Tu qua các điệu múa cồng chiêng, hát lý, tắm suối, lên nương rẫy, tham quan nghề dệt thổ cẩm, đan lát và thưởng thức đặc sản của địa phương.

Từ mô hình du lịch sinh thái cộng đồng của ông Đinh Văn Như, nhiều hộ đồng bào Cơ Tu ở xã Hòa Bắc đã học tập làm theo.

Chị Zơ Râm Thị Hồng, ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc cho biết, chị được vay vốn từ Ngân hàng chính sách để xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, bước đầu đã có thu nhập. “Chúng tôi dẫn khách đi tham quan, nấu cho khách những món ăn truyền thống của đồng bào, dẫn khách trải nghiệm những nét văn hóa bản địa, nhờ làm du lịch, cuộc sống của đồng bào nay cũng ổn định hơn những ngày lên nương rẫy”, chị Zơ Râm Thị Hồng chia sẻ.

Bà Đinh Thị Tin, người dân trong thôn cho hay, từ khi có mô hình du lịch homestay, bà con tham gia dệt thổ cẩm, may các sản phẩm như ví, áo, túi xách… phục vụ du khách, vừa gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình, vừa nâng cao cuộc sống. “Khách đến xem dệt, mua khăn giúp tôi kiếm được từ 500.000-700.000 đồng/tuần”, bà Tin vui mừng kể.

photo-1657608004492
Đà Nẵng vừa khai trương Làng du lịch sinh thái cộng đồng thôn Thái Lai – Ảnh: VGP/Lưu Hương

Để tăng  thêm sản phẩm du lịch nông thôn, mới đây, TP. Đà Nẵng đã đưa vào khai thác Làng du lịch sinh thái cộng đồng thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang). Du khách đến đây sẽ được khám phá các giá trị văn hóa độc đáo qua các khu vườn kiểu mẫu, hay nhà cổ Tích Thiện Đường được xây dựng cách đây khoảng 150 năm. Ngoài ra, còn được thưởng thức di sản dân ca bài Chòi; tham quan những khu vườn cây ăn trái rộng lớn, phong phú về chủng loại như thanh long, bưởi, mít, chôm chôm, khế, xoài…

Theo UBND huyện Hòa Vang, từ điểm du lịch cộng đồng Tà Lang–Giàn Bí xã Hòa Bắc, với khởi đầu là dự án homestay ông Đinh Văn Như, đã đánh dấu hướng tiếp cận đúng của huyện trong việc phát triển du lịch cộng đồng. Thành công bước đầu của mô hình này đã lan tỏa cảm hứng cho nhân dân toàn xã. Chỉ trong hơn 2 năm, dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, du lịch tại Hòa Bắc đã lan rộng ra cả cộng đồng với nhiều sản phẩm du lịch mới lạ và chất lượng.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy du lịch nông thôn, trong đó sẽ ưu tiên đẩy mạnh phát triển hạ tầng du lịch khu vực nông thôn; xây dựng chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn tín dụng để làm du lịch; hỗ trợ hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa, nâng cao năng lực cộng đồng; thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản…

Xem thêm: Du lịch chăm sóc sức khỏe: Mảnh đất màu mỡ

Lưu Hương baochinhphu.vn thực hiện

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC