Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Khai thác cần gắn với bảo vệ nguồn lợi cá đồng Cà Mau

Cà Mau có nguồn lợi cá đồng dồi dào, tuy nhiên thời gian qua nguồn lợi này bị suy giảm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều người dân khai thác chưa đi đôi với bảo vệ nguồn lợi.

Vùng ngọt hóa thuộc huyện Trần Văn Thời và U Minh là nơi tập trung nguồn lợi cá đồng của tỉnh Cà Mau. Hiện đang vào thời điểm thu hoạch cá đồng của người dân địa phương. Tại ấp Trùm Thuật, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời có những hộ thu được trên dưới chục triệu đồng từ nguồn lợi này.

“Khi thu hoạch cá đồng có người tát bắt, có người chụp nên mỗi ngày có người được 8 – 9 triệu đồng cũng có người được hơn 10 triệu hay chí ít vài triệu đồng. Bà con bảo vệ cá đồng cũng mỗi người mỗi khác. Gia đình tôi thường sau khi bắt sẽ lựa thả lại một phần để cho cá sinh sản năm sau thu hoạch tiếp”, ông Trần Văn Nguyện, người dân ấp Trùm Thuật cho biết.

Khai thác cần gắn với bảo vệ nguồn lợi cá đồng Cà Mau
Tại xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời có những hộ dân thu hoạch cá đồng được hơn chục triệu đồng.

Tuy nhiên, ý thức của bà con trong bảo vệ nguồn lợi này rất quan trọng. Có những nông hộ rất quan tâm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi nhưng cũng có những hộ xem nhẹ, khai thác cả cá con dẫn đến suy giảm sản lượng.

Theo ông Đinh Văn Úc, người dân địa phương cho biết, thực tế hiện nay nhiều khi bà con tát, bắt bán cá con quá nhiều nhưng không thả lại. “Trước đây người dân thường thả lại cá con vì không có giá trị kinh tế, nhưng bây giờ cá lớn nhỏ bị bắt bán hết. Có con cá đồng bao năm giúp người dân tăng thu nhập qua thời kỳ khó khăn, nhất là mấy tháng hạn này người dân chụp cá có nguồn thu lớn”, ông Úc cho hay.

Theo chia sẻ của người dân địa phương, bà con thấy rõ nguồn lợi cá đồng ngày càng ít hơn trước. Ngoài việc khai thác không đi cùng bảo vệ nguồn lợi, còn có nguyên nhân đến từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức. Đặc biệt, tình trạng dùng xiệc diện để khai thác cá đồng vẫn tồn tại, làm ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn lợi.Điều này được thể hiện rất rõ ngay trên địa bàn xã Khánh Hải. Tại khu vực các ấp Trùm Thuật, Lung Tràm sản lượng cá đồng còn khá cao và mang lại thu nhập đáng kể cho người dân như nêu trên. Tuy nhiên, tại các ấp Đường Ranh, Khánh Hưng A phổ biến tình trạng đánh bắt cá đồng bằng xiệc điện, sản lượng cá thấp hơn rất nhiều.

“Ở đây vẫn còn tồn tại việc người dân đi xiệc trộm cá, nhân dân địa phương cũng có yêu cầu nhưng không thể xử lý triệt để. Người dân xiệc trộm cá ban đêm rất khó kiểm soát, cũng vì vậy nguồn lợi cá đồng hằng năm giảm rất nhiều”, ông Phan Văn Thuận, người dân ấp Khánh Hưng A cho biết.

Người dân khai thác cá đồng cần đi đôi với bảo vệ.

Ông Phạm Thành Được, Chủ tịch UBND xã Khánh Hải khuyến cáo, người dân trong quá trình khai thác cần đi đôi với bảo vệ nguồn lợi cá đồng. Ở giai đoạn mùa khô, người dân cần tránh bắt cá con khi chụp, tát đìa. Còn thời điểm đầu mùa mưa là lúc cá sinh sản, người dân không nên bắt cá bố mẹ và cá non.

Đặc biệt, việc dùng xiệc điện khai thác sẽ gây thiệt hại rất lớn, không chỉ cá con bị chết hàng loạt mà cá lớn còn sót lại cũng không thể phát triển bình thường. Hơn nữa, việc dùng xiệc khai thác cá trong môi trường tự nhiên là trái quy định pháp luật, bị nghiêm cấm./.

Xem thêm: Trải nghiệm xuyên rừng ngập mặn và rừng tràm ở Cà Mau

vov.vn thực hiện

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC