Theo nhiều chuyên gia, thời điểm hiện tại rất thích hợp phát triển cộng đồng xúc tiến xuất khẩu thông minh. Như vậy sẽ góp phần mở rộng thị trường quốc tế cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy Việt Nam tham gia sâu rộng chuỗi giá trị thực phẩm và đồ uống toàn cầu.
Một hoạt động giới thiệu sản phẩm vải thiều Việt Nam tại Thái Lan.
Một số chuyên gia nhận định, sự phát triển về sản lượng, chất lượng của các sản phẩm xuất khẩu ngành nông, lâm, thủy sản của nước ta đã từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các thị trường quốc tế.
Cùng với đó là sự tăng trưởng tích cực trong kim ngạch xuất khẩu thực phẩm và đồ uống có thương hiệu, nhãn hiệu riêng của doanh nghiệp và nguồn gốc xuất xứ Việt Nam.
Tuy nhiên, để vươn xa hơn, sẽ có nhiều khó khăn mà doanh nghiệp cần phải vượt qua, nhất là trong thời đại 4.0.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xuất-nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) cho biết, Chánh Thu là doanh nghiệp xuất khẩu lô bưởi Việt Nam đầu tiên sang Mỹ năm 2022, lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc năm 2022,…
Mặc dù vậy việc quảng bá thương hiệu toàn cầu, thúc đẩy marketing quốc tế và nâng cao thành tích xuất khẩu vẫn là bài toán không hề dễ dàng với các doanh nghiệp, đặc biệt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp hạn chế và thách thức về nguồn lực tài chính, nhân lực chuyên nghiệp, khả năng kết nối hợp tác công-tư-cộng đồng và đặc biệt là tối ưu giải pháp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chế biến của Việt Nam tại Hội chợ Vietnam Expo 2023.
Theo bà Lê Hoàng Oanh, đồng sáng lập Cộng đồng Xuất khẩu thông minh (Smart Hub), truyền thông số toàn cầu, trí tuệ nhân tạo, khai thác dữ liệu lớn, thương mại điện tử xuyên biên giới…, gọi chung là xúc tiến xuất khẩu thông minh sẽ là “chìa khóa vàng” để nâng cao thành tích xuất khẩu.
Các cơ quan chức năng, tổ chức hỗ trợ kinh doanh và cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tăng cường hơn nữa các giải pháp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu.
Vừa qua, dự án Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu Việt Nam (SwissTrade) của Chính phủ Thụy Sĩ thông qua Tổng cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO) đã lựa chọn tài trợ cho dự án Tasty Vietnam – Xúc tiến xuất khẩu thông minh thực phẩm và đồ uống Việt Nam.
Hoạt động này nhằm góp phần nâng cao thành tích xuất khẩu và năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam một cách đổi mới sáng tạo, bền vững và toàn diện.
Tasty Vietnam là dự án hợp tác giữa Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA) và Doanh nghiệp xã hội Tasty Vietnam với sự đồng hành của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cùng Smart Hub.
Dự án vượt qua quy trình đánh giá cạnh tranh của ban đánh giá gồm các chuyên gia quốc tế của Trung tâm Thương mại quốc tế (ICT) và chuyên gia trong nước của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương).
Đây cũng là mô hình vườn ươm, đào tạo, huấn luyện các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận xúc tiến xuất khẩu thông minh. Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ nâng cao năng lực tự xây dựng và triển khai hiệu quả dài hạn, nhân rộng mô hình. Từ đó phát triển cộng đồng xuất khẩu thông minh thực phẩm và đồ uống Việt Nam.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) Thân Văn Hùng cho biết, cần thêm những dự án liên quan xuất khẩu thông minh. Như vậy sẽ góp phần số hóa thị trường nông nghiệp nước nhà, thiết lập thành công các mô hình chuyển đổi số ngành nông nghiệp và giúp mở rộng thị trường.
Xem thêm: Giải pháp nào cho doanh nghiệp thuỷ sản chắc chân hơn ở thị trường nội địa?
Hoàng Phan nhandan.vn thực hiện