Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Gỡ khó cho phát triển du lịch sinh thái Cà Mau

Khó khăn của những điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại Cà Mau là không dễ vay vốn mở rộng, đường đi không thuận tiện do nằm trong rừng.

Gỡ khó cho phát triển du lịch sinh thái Cà Mau
Du lịch cộng đồng về với thiên nhiên tại Cà Mau đang thu hút khách nhưng để đến được điểm du lịch quá xa so với trung tâm thành phố Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Hầu hết các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại tỉnh Cà Mau đều nằm trong diện tích rừng. Cơ sở không thể thế chấp vay vốn bằng quyền sử dụng đất, muốn mở rộng không dễ. Bên cạnh đó, để đến được những điểm du lịch, đường đi cũng khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Hôn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ – Xây dựng – Du lịch Hoàng Hôn (chủ điểm du lịch cộng đồng Hoàng Hôn, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển), tâm tư: “Phải làm sao để đường về Đất Mũi thuận tiện, đảm bảo xuyên suốt thì khách mới đến được. Dù có đường thuỷ về Đất Mũi, khách phải tốn thêm thời gian, tiền bạc, và đâu phải ai cũng thích”.

Về phía doanh nghiệp, để đầu tư mở rộng, nâng cấp xây dựng ở đây không dễ, theo ông Hôn. Bởi, diện tích đất khai thác du lịch còn là đất rừng, không thể tác động. Nếu không có vốn thì khó làm, bởi không thể thế chấp quyền sử dụng đất rừng.

Điểm du lịch Hoàng Hôn, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ
Điểm du lịch Hoàng Hôn, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Anh Phạm Duy Khanh, chủ điểm du lịch cộng đồng Mười Ngọt, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ: “Mình rất cố gắng để thu hút khách, nhưng đường vô đây khó đi quá, người ta cũng nản”.

Dù điểm du lịch Mười Ngọt khá nổi tiếng, đường đi vẫn còn bất tiện. Du khách phải kết hợp đi ôtô, vỏ lãi, đi bộ thêm một đoạn khá dài mới tới điểm du lịch. Do đó, điểm du lịch này không dành cho khách bận rộn, đi về trong ngày.

Điểm du lịch cộng đồng Mười Ngọt, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ
Điểm du lịch cộng đồng Mười Ngọt, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Hiện nay, các sản phẩm du lịch của tỉnh Cà Mau chỉ tập trung ở loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, bước đầu thử sức với du lịch nông nghiệp. Trong khi đó, tài nguyên du lịch Cà Mau, như du lịch văn hoá – tâm linh, du lịch biển đảo, du lịch giải trí – nghỉ dưỡng hầu như bỏ ngỏ.

Định hình rõ ràng nhất về sản phẩm du lịch chỉ thể hiện được ở tuyến du lịch Mũi Cà Mau, còn những nơi khác khá mờ nhạt, hoặc mang tính đơn lẻ, chưa tạo được dấu ấn riêng.

Địa điểm, không gian đẹp nhưng đường vào quá xa khiến du khách ngại đến. Ảnh: Nhật Hồ
Địa điểm, không gian đẹp nhưng đường vào quá xa khiến du khách ngại đến. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Cà Mau nêu: “Không chỉ khó khăn về hạ tầng kết nối du lịch, mà tỉnh Cà Mau còn khó tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược để làm khu du lịch có đủ tầm vóc, sức hút và khả năng cạnh tranh để khai thác đúng lợi thế, tiềm năng.

Đơn cử như đầm Thị Tường, kỳ vọng là rất lớn nhưng mời gọi đầu tư chưa được. Hay như Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, nhà đầu tư rất quan tâm, nhưng vướng cơ chế, chính sách đành thoái lui”.

Cùng chủ cơ sở trải nghiệm ăn ong U Minh Hạ. Ảnh: Nhật Hồ
Cùng chủ cơ sở trải nghiệm ăn ong U Minh Hạ. Ảnh: Nhật Hồ

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lĩnh vực du lịch, ngày 1.7 tại buổi gặp mặt kết nối doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã đề nghị các sở, ngành liên quan đặc biệt quan tâm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi đề nghị, các hộ làm du lịch cộng đồng dưới tán rừng cần xây dựng phương án, xuất trình hồ sơ, thủ tục quy mô diện tích đất cần để làm du lịch, đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Trải nghiệm ngủ tại một điểm du lịch cộng đồng U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ
Trải nghiệm ngủ tại một điểm du lịch cộng đồng U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Về vấn đề này, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các địa phương rà soát, hỗ trợ các hộ làm du lịch thực hiện đúng quy trình thủ tục, trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, đơn vị phối hợp với địa phương xây dựng phương án phát triển mạng lưới giao thông, gắn du lịch với công tác bảo tồn hệ sinh thái dưới tán rừng, giữ gìn vệ sinh môi trường, đa dạng các sản phẩm để thu hút du khách.

Xem thêm: Thu hút du khách bằng nhưng điểm đến xanh mát, nhiều trải nghiệm

Nhật Hồ laodong.vn thực hiện

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC