Du lịch Cà Mau đã tạo được sự lan tỏa rộng và nhận được sự quan tâm tìm hiểu, hợp tác của nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong và ngoài nước, song lĩnh vực du lịch còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế mang tính đặc thù.
Việc xây dựng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau không chỉ để… chụp hình lưu niệm, cần có các hoạt động mang tính sự kiện như thượng cờ nhằm thu hút nhiều người đến tham gia, gắn phát huy truyền thống lịch sử cách mạng với phát triển du lịch.
Đánh giá trên được đưa ra tại Hội nghị chuyên đề “Phát triển du lịch Cà Mau năm 2021 và những năm tiếp theo” được UBND tỉnh tổ chức tuần qua. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân cho rằng tiềm năng du lịch ở Cà Mau là vô cùng to lớn, khiến nhiều tỉnh phải “ghen tị”, nhưng chúng ta chưa tận dụng và khai thác có hiệu quả.
Nhắc lại vai trò và tầm quan trọng của vị trí địa lý tác động đến chiến lược phát triển du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định cụm từ “Đất Mũi” như là nam châm kéo du khách tìm về khi đến với miền Nam. Đó không đơn thuần chỉ là trải nghiệm, khám phá, mà đến đây là về với nguồn cội khi chạm vào vùng đất thiêng dân tộc, là tình cảm, tấm lòng tri ân với vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang.
Nêu lên hàng loạt những lợi thế từ vị trí địa lý đến văn hóa, tâm linh, truyền thống lịch sử, ẩm thực…, người đứng đầu chính quyền tỉnh cho rằng đã qua khách đến Cà Mau chưa mang tính “chuyên sâu”, chỉ lướt qua, vì thực tế tỉnh còn nhiều hạn chế về sản phẩm du lịch. Điều cần nhìn nhận đó là chưa mang tính kết nối giữa các điểm du lịch. “Đến Cà Mau vào thời điểm nào, sự kiện gì…, thực sự chưa nổi bật để du khách tiếp cận, khám phá”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân chỉ rõ.
Hệ sinh thái tự nhiên là thương hiệu, là đặc trưng mang tính riêng biệt, trở thành sức hút của Cà Mau; vấn đề là cách làm, tổ chức nhằm tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo.
Liên quan đến thực tế này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho rằng sự phối hợp giữa các đơn vị, cấp chính quyền đã qua chưa thực sự gắn kết, đây là cái yếu nhất cần nhìn nhận thực tế để có giải pháp khắc phục, kết nối chặt chẽ hơn, cụ thể hơn trong thời gian tới, tạo ra giá trị sản phẩm du lịch.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Trần Hiếu Hùng gợi ý các địa phương, đơn vị việc tổ chức các sự kiện nhằm tạo nên thương hiệu, điểm đến cho du khách, như tới đây, Vườn Quốc gia U Minh Hạ tổ chức lễ hội thu hoạch cá đồng; tháng 3 – 4, huyện Trần Văn Thời tổ chức Lễ hội Nghinh Ông; tháng 5 – 6 có lễ hội thu hoạch mật ong. Về lễ hội lịch sử cách mạng, tháng 9 tại huyện Ngọc Hiển có hành trình “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển”’; Lễ thượng cờ thống nhất non sông: Cà Mau – Hà Nội – Quảng Trị, năm thứ 2 là thượng cờ Cà Mau – Hà Giang – Huế, năm thứ 3 là Cà Mau – Phú Yên – Quảng Ninh.
Diễn thế tự nhiên theo hệ sinh thái đặc trưng ở Cà Mau sẽ là sản phẩm trải nghiệm lý thú cho du khách khi được ngành Du lịch tổ chức bài bản, hấp dẫn…
Theo ông Trần Hiếu Hùng, nên duy trì Lễ hội Cua vào tháng 8 hằng năm; ở Thới Bình thì nên có tour du lịch “Bên dòng Sông Trẹm” gắn với chuyện tình Triệu Vỹ – Mỹ Lan vốn đã nổi tiếng thông qua tiểu thuyết cùng tên, gắn kết với đó là các câu chuyện kể của Bác Ba Phi. Cần xem xét tổ chức các giải marathon vượt rừng (U Minh Hạ hay Mũi Cà Mau). Trước mắt, cần sớm tổ chức giải đua vỏ, canô theo hình thức game show tại huyện Ngọc Hiển.
Đi vào cụ thể của vấn đề, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân cho chủ trương, cần xúc tiến nhanh việc hình thành Chương trình “Cà Mau – điểm đến 2021” nhằm phát đi thông điệp để truyền thông, quảng bá thương hiệu rộng rãi để mọi người biết đến, tạo cảm hứng để du khách tìm về Cà Mau khám phá, trải nghiệm. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh gợi ý các địa phương cần tiến hành nhanh việc “mỗi huyện, thành phố một sự kiện” nhằm kết nối, tạo thương hiệu, sản phẩm thúc đẩy phát triển du lịch. Cần tổ chức “Không gian Văn hóa – Nghệ thuật” vào tối thứ Sáu và tối thứ Bảy tại TP. Cà Mau, không những thu hút, phát triển du lịch, mà qua đó tạo sân chơi, giao lưu, phát hiện tài năng sân khấu…
Cà Mau xác định có 3 tuyến du lịch chính, gồm: Cà Mau – Vườn Quốc gia U Minh Hạ – Hòn Đá Bạc; Cà Mau – Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm; Cà Mau – Khu du lịch Mũi Cà Mau. Riêng tuyến du lịch Cà Mau – Khu du lịch Mũi Cà Mau được xác định là tuyến trọng điểm của tỉnh, hiện nay đã và đang khai thác phát triển các tuyến du lịch tham quan xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (tuyến nội bộ), nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù, từng bước phát triển thương hiệu du lịch Cà Mau có sức cạnh tranh so với khu vực và cả nước.
Xem thêm: Nhìn lại 5 năm phát triển sản phẩm du lịch Đất Mũi
THANH PHÚC (baoanhdatmui.vn)