Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

  • Tin tức du lịch
  • >
  • Đầm Thị Tường – Điểm đến lý tưởng của du lịch sông nước Cà Mau

Đầm Thị Tường – Điểm đến lý tưởng của du lịch sông nước Cà Mau

Đầm Thị Tường có thể được xem là một giếng nước trời với diện khoảng 700 ha thuộc địa phận của các huyện Trần Văn Thời, Cái Nước và Phú Tân tỉnh Cà Mau. Theo truyền thuyết xa xưa được người dân địa phương kể lại rằng. Từ thời khai hoang, mở đất nơi này có một người phụ nữ tên là Tường, bà vốn gan dạ quả cảm có công ngăn chặn và xua đuổi các loài hổ dữ đến đây quấy phá nguồn sống cũng như tôm cá trên đầm. Vì ghi nhớ công đức của bà đã bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân nghèo trên đầm, người ta đã lấy tên bà đặt cho đầm là Thị Tường (tức Bà Tường). Đầm bao đời nay đã sớm trở thành một bãi đẻ quy tụ các loài thủy hải sản sinh sôi nảy nở và thu hút nhiều người dân đến sinh sống và khai thác làm nên cảnh quan thiên nhiên đặc sắc trước sự mênh mông của sông nước hữu tình. Chúng ta hãy bắt đầu hành trình trải nghiệm khám phá đầm nước tự nhiên lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long này các bạn nhé!

Xuôi xe từ thành phố Cà Mau, theo đường Quốc lộ 1A về hướng Cà Mau – Năm Căn khoảng 27 km rẽ phải đi tiếp 12 km là chúng ta có thể đến được với Đầm Thị tường. Từ trên xe, du khách có thể ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường rợp bóng cây xanh và Đầm Thị Tường hiển hiện xa xa như một bức tranh thủy mặc làm rung động lòng người.

Khu Di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước

Trước tiên chúng ta hãy đến với khu Căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước để tìm hiểu về quá trình hoạt động gian khổ của các nhà cách mạng yêu nước trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Năm 1960, do yêu cầu của cuộc trường kỳ kháng chiến nên Tỉnh ủy chọn Xẻo Đước làm trung tâm căn cứ Tỉnh ủy. Vì nơi này cách xa thị xã, lại gần Đầm Thị Tường, mực nước dưới đầm cạn kẻ thù không thể dùng tàu lớn tấn công vào, đường bộ thì hiểm trở với nhiều tán rừng, cây cối, vườn tược, dừa nước,… lại được nhân dân ủng hộ và che chở, có thể dễ dàng phản công trước kẻ thù. Đến tham quan khu di tích, chúng ta được quan sát tượng đài tưởng niệm cao vút  thể hiện tinh thần đấu tranh bừng bừng khí thế chống giặc ngoại xâm của quân và dân ta; tham quan các mô hình phục dựng lại quá trình làm việc và sinh hoạt của các đồng chí ta tại hội trường họp, văn phòng làm việc của Tỉnh ủy, nơi làm việc của Bí thư, nhà văn thư, nhà ăn,…trong khuôn viên hoa lá và vườn cây xanh tươi tốt. Đây là di tích lịch sử văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương. Ngày 11/6/2007, Khu căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước được UBND tỉnh Cà Mau công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Sau khi xuôi dòng lịch sử với Di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy Xẻo Đước, chúng ta sẽ xuống vỏ lãi để tham quan, khám phá Đầm Thị Tường. Cảm giác chiếc xuồng máy xẻ dòng nước lướt nhẹ trên mặt đầm sóng sánh nước vừa có thể tận hưởng những luồng gió mát rượi vừa phóng tầm mắt quan sát mọi góc đẹp của đầm sẽ làm cho du khách thật sự thích thú trước sự bao la rộng lớn. Những căn nhà sàn mái lá của người dân địa phương để nuôi và canh giữ sò huyết được bố trí lát đát trên mặt đầm cùng với bóng dáng của những hàng dừa nước xanh um đu đưa trong gió bao bọc hầu như toàn bộ chu vi của đầm. Thỉnh thoảng có vài hình bóng ẩn hiện những chiếc xuồng của cư dân địa phương hoạt động khai thác đánh bắt sò, chài, giăng câu, đó,… Mực nước trên đầm thay đổi thường theo sự lên xuống của thủy triều từ 0,7 m đến 1,5 m người dân cũng nương theo đó mà khai thác, đánh bắt các loại thủy hải sản.

Tùy vào từng thời điểm khác nhau mà du khách có thể tận hưởng cảnh đẹp của đầm với những sự chuyển biến mới mẻ theo ngày. Sáng sớm khi ánh bình minh bắt đầu ló dạng, sự phản xạ của nước với những tia nắng đầu tiên trong ngày trở nên lung linh rực rỡ và mặt trời tưởng chừng như một hòn lửa rải xuống mặt đầm những sợi vàng óng ánh. Về trưa, dường như không khí oi bức với cái nắng gay gắt không còn nữa thay vào đó là những cơn gió lùa nơi mái nhà tranh xào xạc đem đến cảm giác mát rượi, du khách có thể thả hồn mình lắc lư trên chiếc võng êm đềm chợp mắt, quên đi những ồn ào nơi phố thị bon chen tấp nập. Và khi ánh hoàng hôn buông xuống, du khách sẽ được ngắm những ánh nước lăn tăn dát đỏ sẽ là thời điểm ánh mặt trời nghỉ ngơi nhường chỗ cho màn đêm tĩnh mịch, đâu đó trên các căn chòi xuất hiện những đốm sáng lung linh, huyền ảo của những ngọn đèn đêm, ánh đèn của người đi soi cá, ánh đèn của những hàng đăng uốn lượn,…sinh động đến lạ thường.

Hiện tại, trên đầm có vài hộ kinh doanh dịch vụ du lịch, ăn uống theo kiểu du lịch dựa vào cộng đồng. Du khách có thể tham gia trải nghiệm, hòa nhập vào với đời sống dân dã của người dân địa phương như chài lưới, câu, đó, bao chà bắt cá… và tự mình có thể chế biến món ăn theo phong cách và khẩu vị riêng. Sau khi đã chuẩn bị xong nguyên liệu và chế biến thành thành phẩm du khách có thể cùng ngồi xuống tận hưởng những giai điệu của đờn ca tài tử bên cạnh mâm cơm nóng hôi hổi với các món ăn mang đậm chất biển từ các loại thủy hải sản tươi sống như cá vồ chó, cá ngát, sò huyết, hàu, cua đá, ghẹ, ba khía rang muối,…

Phải nói rằng, Đầm Thị Tường không chỉ là một điểm du lịch tự nhiên độc đáo mà con mang tính chất đơn sơ gần gũi bởi sự nhiệt tình mến khách của những người nông dân làm du lịch nơi đây. Họ khiến cho những du khách đến đây trải nghiệm một lần rồi nhớ mãi bởi cái chất hồn hậu, thật thà và phóng khoáng sẵn có của người dân vùng sông nước Cà Mau.

Xem thêm: Việt Nam được đề cử 11 hạng mục của Giải thưởng Du lịch thế giới 2020

Dương Kim Chuyển

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC