Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

Các lĩnh vực tiềm năng để khởi nghiệp bền vững

CEO Vietnam Oman Investment gợi ý gợi ý các lĩnh vực tiềm năng để khởi nghiệp bền vững gồm năng lượng tái tạo, nhà máy điện mặt trời, nông nghiệp

Buổi workshop “Khởi nghiệp bền vững: Cơ hội dẫn đầu trong thời đại mới” do Báo điện tử VnExpress tổ chức đã diễn ra tối 29/6 tại Zion Sky Lounge and Dining (TP HCM). Chương trình có sự góp mặt của bốn chuyên gia hàng đầu trong mảng đầu tư, khởi nghiệp bền vững, gồm: ông Linh Nguyễn, đồng sáng lập và điều hành quỹ Earth Venture Capital; ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc điều hành quỹ Vietnam Oman Investment; ông Nguyễn Trần Thi, Nhà sáng lập Koina và ông Chung Diệu Tuấn, Giám đốc điều hành Copper Mountain Energy.

Workshop “Khởi nghiệp bền vững: Cơ hội dẫn đầu trong thời đại mới” diễn ra tối 29/6 có sự góp mặt của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư khởi nghiệp bền vững.

Tại sự kiện, các diễn giả đã có những chia sẻ đắt giá về thế nào là khởi nghiệp bền vững, làm sao để startup hiệu quả, hút vốn đầu tư, tăng trưởng nhanh chóng mà vẫn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn ESG về cải thiện môi trường, xã hội và quản trị.

Đồng thời, những bài học thực tiễn do chính các startup trong lĩnh vực bền vững như ông Nguyễn Trần Thi và ông Chung Diệu Tuấn cũng góp phần tiếp thêm động lực cho những startup non trẻ, có ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực bền vững phát triển bứt phá, dẫn đầu thời đại mới.

Nắm bắt xu thế

Trong thời đại mới, khi hầu như tất cả mọi khía cạnh trong đời sống đều xoay quanh hai yếu tố chính môi trường và con người, định hướng phát triển bền vững được xem như điều tất yếu đối với mọi doanh nghiệp. Dù kinh doanh trong bất cứ lĩnh vực nào, chiến lược phát triển của họ đều ít nhiều gắn liền với yếu tố bền vững.

Lĩnh vực startup cũng không ngoại lệ khi khởi nghiệp bền vững ngày càng được nhiều người hưởng ứng. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc điều hành Vietnam Oman Investment nhận định “bền vững” hiện có thể xem là một trong những lĩnh vực nổi trội, hút lượng lớn startup mỗi năm. Bản thân ông đến nay đã có danh sách dài những startup tiềm năng đang hợp tác với Vietnam Oman Investment trogn lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc điều hành Vietnam Oman Investment.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc điều hành Vietnam Oman Investment.

Ông Sơn chỉ ra rằng các startup xuất thân từ giới tài chính, đầu tư thường đưa các tiêu chí ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) vào mô hình vận hành doanh nghiệp. Trong đó, trách nhiệm với môi trường và xã hội chiếm phần lớn, bắt nguồn từ việc biến đổi khí hậu do ô nhiễm gây nên.

Theo ông Sơn, định nghĩa của khởi nghiệp bền vững là những mô hình, công nghệ, dịch vụ, sản phẩm… mang lại giá trị thiết thực, giúp cải thiện môi trường, tiết kiệm và gìn giữ tài nguyên thiên nhiên. “Nếu doanh nghiệp giải quyết được những vấn đề của nhân loại, tất nhiên sẽ có dòng tiền đi vào”, ông nói.

Khởi nghiệp bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng tái tạo

Dù biết rõ bền vững hiện là xu thế tất yếu, song không ít startup vẫn e ngại doanh nghiệp của họ không đủ khả năng đáp ứng các tiêu chí ESG để trở thành startup bền vững đúng nghĩa. Thêm vào đó, việc định hướng khởi nghiệp bền vững trong lĩnh vực cụ thể để trở nên hấp dẫn trong mắt các quỹ đầu tư cũng khiến các startup đắn đo.

Ông Linh Nguyễn, Đồng sáng lập và điều hành quỹ Earth Venture Capital cho biết trước đây mục tiêu quan trọng hàng đầu của doanh nghiệp là thu về lợi nhuận, nhưng ít quan tâm những mục tiêu khác về xã hội.

Ông Linh Nguyễn, Đồng sáng lập và điều hành quỹ Earth Venture Capital.
Ông Linh Nguyễn, Đồng sáng lập và điều hành quỹ Earth Venture Capital.

Gần đây, khi cả thế giới đối diện ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, mục tiêu của doanh nghiệp không còn gói gọn ở doanh thu, lợi nhuận, mà còn nằm ở cả con người, môi trường.

Ông Linh Nguyễn chỉ ra hiện nay có nhiều sản phẩm công nghệ trên thị trường với khả năng khai thác tài nguyên, phục vụ nhu cầu của con người. Tuy nhiên những tài nguyên này có giới hạn, cần có giải pháp để sử dụng song song với tái tạo. Đây cũng là khoảng trống cho các doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững len lỏi vào và khai thác triệt để.

Ông Nguyễn Hồng Sơn gợi ý các lĩnh vực tiềm năng để khởi nghiệp bền vững hiện nay có năng lượng tái tạo và nhà máy điện mặt trời. Ngoài ra, nông nghiệp cũng điểm sáng mới nổi mà các quỹ đầu tư để tâm.

Xu hướng đầu tư nông nghiệp và tái tạo năng lượng

Là một trong những startup thành công với định hướng nông nghiệp, ông Nguyễn Trần Thi, Nhà sáng lập Koina cho biết doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thành công, trước tiên cần chạm đến ngưỡng có thể tự nuôi sống mình.

“Dù mô hình có hay ho, tạo ra những đặc sản trong tương lai, cuối cùng vẫn phải tự lực cánh sinh mới có thể bền vững được. Tất cả startup từng trải qua quá trình này đều hướng đến mục tiêu là phải có lãi. Hiện tại lĩnh vực này vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Tuy nhiên thị trường rộng lớn cũng là cơ hội để có thể tìm kiếm đầu tư dài hạn”, Nhà sáng lập Koina chia sẻ.

Lấy ví dụ từ chính doanh nghiệp của mình, ông Nguyễn Trần Thi cho biết Koina tham vọng giải quyết bài toán về nông nghiệp cho Việt Nam. Đa số hộ canh tác, nông dân đều hoạt động với quy mô nhỏ lẻ. Họ phụ thuộc lớn vào nguồn thu mua và thương lái. Giá cả, chất lượng sản phẩm chưa được đầu tư bài bản.

Thêm vào đó, nông nghiệp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoại cảnh khác như thời tiết, thổ nhưỡng… dẫn đến tính bấp bênh cao. Hiện tại nhiều nơi còn gặp phải vấn đề bị thương lái chèn ép giá. Chưa kể chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất, nuôi trồng đến trao sản phẩm tận tay người dùng tiêu tốn khá nhiều thời gian.

Ông Nguyễn Trần Thi, Nhà sáng lập Koina.
Ông Nguyễn Trần Thi, Nhà sáng lập Koina.

Với những vấn đề kể trên, ông Thi cùng đội ngũ nhân sự Koina quyết giải bài toán kết nối, tối giản hành trình đưa sản phẩm từ nông dân đến với người tiêu dùng. Theo ông, đầu tư vào nông dân về vốn, kỹ thuật canh tác, phương pháp nuôi trồng sẽ giúp giảm chi phí vận hành. Giá thành sản phẩm cũng chuyển dịch theo hướng lý tưởng, nhiều ưu đãi, giá tốt sẽ giúp việc tiêu thụ hiệu quả hơn nhiều so với phương pháp và quy trình truyền thống.

Từ các quan điểm trên, ông Nguyễn Trần Thi thành công đưa Koina trở thành startup hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Ông cho biết ở thời điểm hiện tại, Koina không còn đứng ở vị thế đi tìm nhà đầu tư. Thay vào đó, họ trở thành người nắm giữ quyền lựa chọn đối tác tiềm năng nhất và phù hợp với mô hình họ cung cấp.

Với ông Chung Diệu Tuấn, Giám đốc điều hành Copper Mountain Energy, thành tựu điện năng lượng tái tạo với công trình điện mặt trời áp mái tại sân bay Tân Sơn Nhất là minh chứng rõ nhất cho sự thành công của mô hình khởi nghiệp bền vững. Đây được xem là dự án flagship của doanh nghiệp khi đòi hỏi nhiều yếu tố bao gồm chất lượng hệ thống, kỹ thuật, nhân sự lẫn an ninh và an toàn sân bay.

“Copper Mountain Energy tự hào là doanh nghiệp duy nhất có khả năng làm được dự án này ở một trong những vị trí khó khăn nhất đòi hỏi yêu cầu chất lượng tối ưu”, ông Tuấn cho biết.

Mặt khác, vị CEO cũng nhấn mạnh nếu muốn khởi nghiệp ổn định, bền vững và sớm chạm thành tựu, startup nên thận trọng, tránh chạy theo chính sách. Năm 2018, thời điểm Copper Mountain Energy mới thành lập, chính phủ đang có những chính sách bước đầu khuyến khích và thúc đẩy lĩnh vực này. Song các chính sách này chỉ phát triển ở mức độ nhất định.

Theo ông Tuấn, các chính sách với mức giá thu mua đầy hấp dẫn sẽ thu hút ngày càng nhiều người khởi nghiệp trong lĩnh vực tái tạo năng lượng. Tuy nhiên một khi thay đổi chính sách, những doanh nghiệp thiếu sự chuẩn bị sẽ dễ bị kéo theo, thậm chí chịu ảnh hưởng nặng nề nếu không đủ sức trụ vững.

Từ khi thành lập, Copper Mountain Energy đã theo đuổi mô hình tập trung bán sản phẩm cho doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng năng lượng giá rẻ, năng lượng xanh và không chạy theo chính sách. Lý giải cho định hướng này, ông Tuấn cho biết tập trung vào tiêu thụ và nhu cầu khách hàng giúp đảm bảo mô hình kinh doanh bền vững, lâu dài, tránh được nhiều rủi ro.

Với hai ví dụ về mô hình khởi nghiệp bền vững trong cả lĩnh vực nông nghiệp lẫn năng lượng tái tạo trên, ông Linh Nguyễn khẳng định khởi nghiệp bền vững không hề khó, quan trọng là phải xây dựng lộ trình kỹ càng và phù hợp. Các diễn giả còn cũng đồng tình rằng nếu muốn tiến xa hơn, startup cần tuân thủ những tiêu chuẩn cao hơn về môi trường, xã hội, con người…

“Việc xây dựng lộ trình đạt tiêu chí ESG sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực bền vững. Mục đích doanh nghiệp bền vững hướng đến giờ đây là tạo giá trị mới cho tương lai, và tiền sẽ là yếu tố giúp doanh nghiệp làm được việc đó”, ông Linh Nguyễn nhấn mạnh.

Xem thêm: Startup Việt làm thiết bị cảnh báo môi trường ao nuôi tôm

Thy An startup.vnexpress.net thực hiện

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC