Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

  • Tin tức du lịch
  • >
  • Cà Mau quy hoạch và tìm nhà đầu tư phát triển du lịch sinh thái

Cà Mau quy hoạch và tìm nhà đầu tư phát triển du lịch sinh thái

Du lịch sinh thái được đánh giá là mô hình giàu tiềm năng và là xu hướng phát triển bền vững, đặc biệt tại các điểm đến có giá trị tự nhiên và đa dạng sinh học cao như các vườn quốc gia, khu bảo tồn. Cà Mau là địa phương có nhiều tiềm năng để đầu tư và phát triển loại hình du lịch này. Hệ sinh thái đất ngập nước tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ và Đầm Thị Tường tạo nên phong cảnh thiên nhiên vô cùng độc đáo và cung cấp môi trường sống cho nhiều loài thủy sản. Để khai thác hiệu quả và bền vững hệ sinh thái đất ngập nước tại các địa điểm trên, tỉnh Cà Mau đang tập trung nguồn lực để quy hoạch, đề xuất dự án và lựa chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm và tiềm lực để phát triển du lịch tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ và Đầm Thị Tường.

Khu Trung tâm thuộc Khu du lịch Mũi Cà Mau với các công trình Biểu tượng cột cờ Hà Nội, Cột mốc tọa độ GPS 0.001, Đền thời Lạc Long Quân, Tượng Mẫu Âu Cơ,…

Vườn quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau với diện tích hơn 41.800 ha có hệ sinh thái đất ngập mặn ven biển rất đặc thù về hệ động – thực vật. VQG Mũi Cà Mau là Khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam và thứ 2088 của thế giới, đồng thời là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Theo đó, VQG Mũi Cà Mau được quy hoạch với chức năng bảo tồn rừng và đa dạng sinh học, bảo tồn hệ sinh thái đất ngập mước. Đặc biệt, một phần VQG Mũi Cà Mau đã được phê duyệt quy hoạch là Khu du lịch Mũi Cà Mau (khu du lịch cấp tỉnh), trong đó khu trung tâm (khu I) nổi bật với các công trình điểm nhấn như Khu Biểu tượng cột cờ Hà Nội, Cột mốc tọa độ GPS 0.001, Đền thời Lạc Long Quân, Tượng Mẫu Âu Cơ, Biểu tượng con cua Cà Mau, Điểm chóp Mũi Cà Mau… Ngoài các điểm check-in trên, Khu du lịch Mũi Cà Mau còn thu hút du khách với nhiều hoạt động trải nghiệm xuyên rừng, khai thác và thưởng thức hải sản. Để khai thác du lịch hiệu quả hơn trong thời gian tới, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được quy hoạch phát triển du lịch với dự án đầu tư Khu Trung tâm thuộc Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau. Quy mô dự án là tập trung phá triển du lịch trên diện tích khoảng 2.100 ha và dự kiến tổng vốn đầu tư là 16.000 tỷ đồng. Việc đầu tư phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau trong thời gian tới phải đáp ứng yêu cầu bền vững, chuyên nghiệp, bảo đảm sinh kế cộng đồng dân cư; đồng thời gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Vườn quốc gia U Minh Hạ độc đáo với hệ sinh thái rừng tràm trên nền đất phèn, than bùn ngập nước theo mùa phù hợp để phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn nguồn gen động – thực vật

Một vùng đất ngập nước quan trong khác của Cà Mau là VQG U Minh Hạ, cách thành phố Cà Mau khoảng 25km về phía tây. Đây là một khu rừng tự nhiên, với cây tràm là loài chiếm ưu thế. VQG U Minh Hạ mang đậm nét đặc trưng của hệ sinh thái rừng tràm trên nền đất phèn, than bùn ngập nước theo mùa. Kiểu hệ sinh thái này không còn nhiều ở Việt Nam và trên thế giới. VQG U Minh Hạ có nhiều loài động, thực vật quí hiếm phục vụ nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen, và đặc biệt phù hợp để phát triển du lịch sinh thái. Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí VQG U Minh Hạ đến năm 2030 đã được phê duyệt với quy mô 2 phân khu chức năng có tổng diện tích 1.318,5 ha (Phân khu dịch vụ hành chính 743,6 ha và Phân khu phục hồi sinh thái là 574,9 ha). Các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được bố trí thành 6 khu chức năng: (1) Khu đón tiếp du khách 4,6 ha, (2) Khu du lịch sinh thái 1.191,3 ha, (3) Khu vườn sưu tập động thực vật và vườn dược liệu (mô hình Safari vườn + thú) 45 ha, (4) Khu tái hiện làng rừng và các làng nghề truyền thống 15 ha, (5) Khu nghỉ dưỡng 40 ha, (6) Khu trồng cây lưu niệm 22,6 ha. Hiện tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ đang triển khai thực hiện Đề án, xúc tiến kêu gọi đầu tư; lập các quy hoạch, dự án đầu tư, tiểu dự án đầu tư, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt làm cơ sở để tổ chức thực hiện.

Dự án Khu du lịch sinh thái Đầm Thị Tường được định hướng khai thác du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn di tích lịch sử và bảo tồn tài nguyên giống thủy sản.

Đầm Thị Tường (còn có tên gọi là đầm Bà Tường) cách thành phố Cà Mau khoảng 35km về phía Nam, là đầm tự nhiên nước lợ mặn với diện tích mặt nước khoảng 700 ha. Đầm Thị Tường là một trong những đầm lớn nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng đất ngập nước quanh năm, kết nối với Vịnh Thái Lan qua sông Mỹ Bình và sông Ông Đốc. Đầm Thị Tường có địa giới hành chính trên 3 huyện Phú Tân, Trần Văn Thời và Cái Nước. Phía Nam của Đầm thuộc xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân là khu Căn cứ Tỉnh ủy tại ấp Xẻo Đước là điểm di tích lịch sử quan trọng của tỉnh Cà Mau. Hệ sinh thái của Đầm Thị Tường rất đa dạng, phong phú và đặc thù. Đầm là nơi cư trú, sinh sản và phát triển của nhiều giống loài thuỷ sản nước mặn – nước lợ có giá trị kinh tế cao. Quanh Đầm có các loài thực vật thuộc hệ sinh thái đất ngập nước như cây dừa nước, cây mắm, cây đước,….  Từ năm 2012, tỉnh Cà Mau xác định Đầm Thị Tường là khu du lịch nằm trong tuyến du lịch nội tỉnh Cà Mau – Sông Đốc – Đầm Thị Tường. Để phát huy tiềm năng du lịch của Đầm Thị Tường, Đồ án Quy hoạch chung Khu du lịch sinh thái Đầm Thị Tường tỷ lệ 1/10.000 đang được Sở Xây dưng trình UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt, trong đó bờ bắc của Đầm với 2 khu trung tâm khai thác du lịch 56 ha và 51 ha, bờ nam có 2 trung tâm khai thác du lịch với 32 ha và 98 ha. Tỉnh Cà Mau sẽ sớm xúc tiến và lựa chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm và tiềm lực để đầu tư dự án du lịch sinh thái tại Đầm Thị Tường. Quy hoạch yêu cầu phát triển đu dịch phải kết hợp các phương án khôi phục môi trường và bảo tồn nguồn giống thủy sản tại đây.

Các hoạt động trải nghiệm độc đáo, hệ sinh thái đặc trưng
và môi trường trong lành là các yếu tố quan trọng để thu hút du khách

Để khai thác hiệu quả tiềm năng về vị trí địa lý và tài nguyên từ hệ sinh thái, việc lập quy hoạch chi tiết các dự án nêu trên, lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực là công việc khó khăn và cấp bách của chính quyền địa phương Cà Mau trong thời gian tới. Theo đó, Lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương xây dựng, phê duyệt quy hoạch dự án các dự án nêu trên và sớm triển khai thực hiện mời gọi đầu tư khi đủ điều kiện theo quy định. Đồng thời, chính quyền địa phương đang nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, và cải thiện môi trường kinh doanh – đầu tư. Với nỗ lực từ chính quyền địa phương và sự quan tâm của các nhà đầu tư, các dự án trên sớm được triển khai và nhanh chóng đóng góp và sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đặc biệt phát triển theo đúng định hướng xanh và bền vững./.

Phúc Ngươn

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC