Ngày 1/5 vừa qua, Đoàn công tác tỉnh Cà Mau do Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Công ty Vegar Law (Đức) tại thủ đô Berlin, Cộng hoà Liên bang Đức, về xuất khẩu lao động sang thị trường nước này.
Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và lớn thứ 4 thế giới, có thế mạnh trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế tạo máy, thiết bị điện tử, hóa chất, dược phẩm.
Dân số nước này vào năm 2022 là hơn 83 triệu người, trong đó cộng đồng người Việt định cư tại Đức có hơn 300.000 người, là cộng đồng uy tín ở Đức.
Vegar Law là Công ty luật do người Việt Nam làm chủ, có văn phòng đại diện tại Berlin, Leipzig (Đức) và TP Hồ Chí Minh. Công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn luật, nhân sự và có nhiều năm kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Đức tuyển dụng lao động từ Việt Nam.
Đoàn công tác tỉnh Cà Mau và Công ty Vegar Law trong buổi làm việc tại Văn phòng Công ty ở Berlin, Cộng hoà Liên bang Đức.
Đại diện Đoàn công tác tỉnh Cà Mau, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi bày tỏ mong muốn của tỉnh trong việc tìm hiểu tiếp cận thị trường lao động của nước Đức.
Thông qua buổi làm việc, tỉnh mong muốn được hỗ trợ về thông tin cũng như điều kiện đưa người lao động sang Đức, đồng thời tiếp tục giữ mối quan hệ giữa tỉnh và Công ty, từ đó tạo điều kiện tốt nhất để lao động Cà Mau được sang Đức làm việc.
Đại diện Công ty Vegar Law đã cung cấp tương đối chi tiết và đầy đủ thông tin về thị trường lao động Đức.
Nước này đang thiếu tương đối nghiêm trọng nguồn lao động đào tạo cơ bản, mỗi năm cần từ 500-600 ngàn lao động phổ thông thuộc mọi ngành nghề, trong đó đặc biệt là các ngành: Điều dưỡng, đầu bếp, cơ khí, điện, lắp ráp, chế tạo máy, xây dựng,…
Kể từ năm 2020, Chính phủ Đức đã đưa ra chiến lược lựa chọn 5 quốc gia hợp tác chuyên sâu về lao động, trong đó có Việt Nam.
Khác biệt với các nước châu Á, chương trình xuất khẩu lao động sang Đức không giới hạn thời gian làm việc và có thể mang gia đình sang học tập và làm việc trong thời gian lao động ở Đức.
Khi sang Đức, ngoài các quyền lợi và mức lương cao, người lao động còn được học tập tinh thần kỷ luật, tính năng động, sáng tạo của người dân Đức, là vốn quý giá cho phát triển sự nghiệp cá nhân cũng như xây dựng đất nước.
Tuy nhiên, để có thể sang Đức làm việc, cần phải trải qua các khoá đào tạo về tiếng và thực hiện quá trình chuyển đổi bằng cấp phù hợp. Ngoài ra, môi trường làm việc ở Đức đòi hỏi tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao.
Trước nhu cầu của thị trường lao động Đức cũng như tiềm năng xuất khẩu lao động của Cà Mau, Công ty Vegar Law đề xuất giải pháp thành lập trung tâm đào tạo nghề tại tỉnh Cà Mau, đào tạo song song các bằng cấp phù hợp và tiếng Đức.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi thống nhất với đề xuất của Công ty và đề nghị sử dụng các cơ sở đào tạo hiện có của địa phương để thực hiện, trước mắt thí điểm 2 ngành là điều dưỡng và xây dựng, đề nghị phía Công ty hỗ trợ tỉnh về giảng viên và giáo trình đào tạo bằng tiếng Đức.
Hoạt động này sau khi được triển khai thực hiện sẽ là bước đệm để Cà Mau đưa người lao động đi học tập, làm việc không chỉ ở Đức mà còn ở các nước lân cận, tạo điều kiện cho thanh niên địa phương được học tập, làm việc ở những quốc gia tiên tiến trên thế giới, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.
Xem thêm: iPEC tăng cường xúc tiến thương mại đặc sản Cà Mau trong và ngoài nước
Xuân Anh