TheLEADER – Các nhóm giải pháp liên quan đến dịch Covid-19 bao gồm: Nhóm cung cấp giải pháp xử lý trực tiếp tuyến đầu dịch bệnh; Nhóm cung cấp giải pháp hỗ trợ người chịu ảnh hưởng của cách ly/hoặc giúp cộng đồng hạn chế đi lại; Nhóm cung cấp giải pháp hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp trước ảnh hưởng của Covid -19.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, cả đất nước đều trong tâm thế cao với việc phòng và chống dịch.
Theo khảo sát Văn phòng “Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện tại có hơn 90 dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp cung cấp giải pháp chống dịch Covid-19.
Các nhóm giải pháp liên quan đến dịch Covid-19 bao gồm: Nhóm cung cấp giải pháp xử lý trực tiếp tuyến đầu dịch bệnh; Nhóm cung cấp giải pháp hỗ trợ người chịu ảnh hưởng của cách ly/hoặc giúp cộng đồng hạn chế đi lại; Nhóm cung cấp giải pháp hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp trước ảnh hưởng của Covid -19.
Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết đang tiếp thu các giải pháp từ startup và tiến hành kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ phù hợp.
Một trong những điểm sáng là startup Kompa – ứng dụng Dữ liệu lớn và AI tạo ra website giúp theo dõi diễn biến của đại dịch, tránh các tin tức giả mạo về Covid-19 gây hoang mang. Dữ liệu trên website được cập nhật liên tục theo WHO, Bộ Y Tế Việt Nam cùng nguồn dữ liệu từ các bên chính thống như CDC, ECDC… nên có độ uy tín cao.
Ứng dụng COVID 19 Check là một dịch vụ phi lợi nhuận do các kỹ sư phần mềm của Got It tình nguyện xây dựng để đóng góp chung vào nỗ lực dập dịch Covid-19 tại Việt Nam. COVID 19 Check giúp người dùng có thể kiểm tra được khả năng bị lây nhiễm với Covid-19 theo phân loại từ F0 tới F5 của Bộ Y tế Việt nam.
Hay như một startup đã sản xuất những tấm che mặt bằng công nghệ in 3D để gửi tặng cho các bệnh viện trước tình trạng thiếu hụt nhựa PPE. Công ty cũng đưa robot đến nhiều bệnh viện trên thế giới nhằm vừa chăm sóc người bệnh nằm tại viện, vừa giúp bác sĩ và người thân có thể thăm khám bệnh nhân từ xa.
Cùng với đó, Bệnh viện Trung ương Huế đã tự chế tạo và đưa vào vận hành một con “robot” chăm sóc người bệnh với chức năng tiếp phẩm phục vụ cho các bệnh nhân trong thời gian cách ly điều trị do nghi nhiễm SARS-CoV-2 nhằm ngăn ngừa, giảm lây lan cũng như đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ nhân viên y tế.
Hoặc startup đưa ra hệ thống thiết bị bay thông minh kết nối trực tiếp người bán với người mua trên nhà cao tầng, an toàn, dễ quản lý, tiết kiệm 50% phí giao hàng, không chậm trễ do kẹt xe, đem về thu nhập cho người sở hữu.
Ứng dụng Lên Lớp (Lenlop.vn), nền tảng lớp học trực tuyến đa phương tiện hỗ trợ thầy cô giáo trên toàn quốc tổ chức các lớp học trực tuyến. Nền tảng tạo tương tác giữa người dạy với học sinh, sinh viên, thông qua truyền hình trực tuyến, trình chiếu tài liệu và bảng điện tử. Đại diện Lenlop.vn cho biết, nền tảng này hiện hỗ trợ miễn phí 900 lớp học ảo mỗi ngày, với thời lượng 2 giờ mỗi lớp trong đợt cao điểm Covid-19.
Tính đến sáng 1/4 đã có tới 93 startup đăng ký và dự kiến số lượng này sẽ còn tăng cao hơn nữa trong các ngày tới.
Xem thêm: 3 điều quan trọng các công ty khởi nghiệp cần nhớ khi bắt đầu kinh doanh
Việt Hưng