Nếu chấp nhận được sự bấp bênh, không sợ đối diện với thất bại thì hãy lựa chọn làm việc tại công ty startup.
Thời gian gần đây, mọi người thường xuyên nghe, nhắc đến cụm từ “startup”, thuật ngữ này rất phổ biến ở nước ngoài và vài năm trở lại nay đã du nhập vào Việt Nam với ý nghĩa là “các công ty trong giai đoạn khởi nghiệp”.
Có thể nói, làn sóng startup phát triển rất nhanh và nhận được sự hưởng ứng rất nồng nhiệt của các nhân tài trẻ ở Việt Nam. Song, đã nói là khởi nghiệp tức là họ đang bắt đầu từ con số 0, điều này sẽ tồn tại rất nhiều hạn chế so với một doanh nghiệp lớn đã có bề dày kinh nghiệm. Vì vậy, trước khi quyết định lựa chọn môi trường nào, bạn hãy thử tự trả lời những câu hỏi dưới đây:
1. Bạn có thích trở thành người đặt nền móng?
Như đã nói, một công ty startup tức là mọi việc đều đi lên từ con số 0 tròn trĩnh, từ cơ sở vật chất, nguồn vốn và nhân lực đều thiếu thốn. Bạn sẽ phải làm mọi thứ, tự tìm hiểu, tự mày mò, thậm chí là làm việc một mình mà ít có sự giám sát từ cấp trên.
Do đó, lượng công việc khổng lồ cứ thế đè lên vai mọi người. Tại startup, bạn không chỉ là làm việc cho đến tối khuya tại văn phòng, mà bạn còn phải gửi mail lúc nửa đêm, phát điên với danh sách công việc dài vô tận khiến bạn và đồng nghiệp nhiều lúc lại ngủ quên ngay chính bàn làm việc của mình.
Lúc này, bạn sẽ phải đặt ra các quy tắc để đưa bản thân vào khuôn khổ, tránh lầm đường lạc lối rồi thất bại.
Nhưng điều thuận lợi ở đây là, bạn sẽ có nhiều không gian để sáng tạo và tự do đặt ra các tiêu chuẩn cho chính mình. Nếu kĩ năng quản lý công việc và tư duy làm việc của bạn tốt, môi trường startup sẽ là nơi lý tưởng để bạn thoải mái “vẫy vùng”, tạo nên những thành tựu cho bản thân.
2. Bạn có sẵn sàng nhận đồng lương ít ỏi?
Không phải tất cả nhưng đa số các doanh nghiệp startup đều khá hạn hẹp về tài chính nên mức lương ban đầu bạn nhận được có thể sẽ khá thấp. Song, nếu bạn chấp nhận chịu khổ được với mọi người thì về sau, bạn sẽ nhận được quả ngọt cả về tiền bạc và sự thăng tiến, nếu startup thành công.
3. Bạn có muốn kết thân với tất cả đồng nghiệp?
Ở công ty lớn, bạn lo lắng về việc ma cũ bắt nạt ma mới, văn hoá doanh nghiệp khiến bạn đau đầu. Nhưng ở một công ty startup, trong môi trường khá hạn hẹp về không gian và hạn chế về nhân lực, những đồng nghiệp xung quanh đồng thời cũng sẽ là những người cực kỳ thân thiết với bạn.
Bạn sẽ cùng mọi người xây dựng nền móng cho công ty, cùng nhau trải qua những khó khăn, cùng nhau khóc khi thất bại và mỉm cười khi chiến thắng.
Đối với những người sống khép kín, việc này đúng là thật phiền toái. Vì vậy, mếu bạn không phải là người cởi mở, môi trường startup có thể sẽ rất khó khăn để bạn hòa nhập.
4. Bạn có là người chấp nhận sự bấp bênh?
Startup là một môi trường bấp bênh hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp đã tồn tại lâu đời. Bởi vì bản thân chủ doanh nghiệp cũng đang phải lo lắng rất nhiều vấn đề cho sự sống còn của công ty của mình. Ở startup không có chỗ cho những sai lầm và thời gian để học hỏi nhiều như doanh nghiệp lớn.
Khi làm việc ở công ty startup hãy chấp nhận cả sự thất bại
Bạn có thể sẽ được chứng kiến một công ty bắt đầu từ vạch xuất phát trở thành một tập đoàn vững mạnh. Hoặc cũng có thể là “sập” trở về lúc khởi nguồn.
Song, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào thì tham gia vào một startup, bạn đều có cơ hội để “mục sở thị” phương pháp những đàn anh đàn chị làm việc, giải quyết khủng hoảng, điều hành, tuyển dụng,…hơn là chỉ nghe hay học qua sách vở, tài liệu hay nghe chia sẻ.
5. Bạn muốn được startup hay chỉ theo trào lưu?
Để xây dựng nên một doanh nghiệp tốt, bạn phải mất rất nhiều năm. Đằng sau thời kì phát triển hoàng kim đó là rất nhiều năm làm việc âm thầm miệt mài và mệt nhọc của cả tập thể. Vì vậy, nếu bạn chỉ đi theo khởi nghiệp hay đi làm vì “đam mê” thì tốt nhất hãy lựa chọn một “nơi chốn” thích hợp hơn.
Bên cạnh đó, bạn đừng bao giờ làm việc cho startup, nếu bạn có nhiều lo ngại về công ty. Hằng ngày, bạn luôn có nỗi lo rằng “liệu công ty có còn tồn tại sau 6 tháng nữa hay không?’’ sẽ khiến bạn luôn cảm thấy bất ổn. Một số công ty thành công nhất hiện nay đã từng bị đánh giá là thiếu hấp dẫn và không thực tế trong thời điểm họ khởi nghiệp. Nhưng đến cuối cuộc chơi, họ đã làm rất tốt với mô hình kinh doanh dựa vào những xu hướng nổi bật.
Nhìn chung, môi trường startup đòi hỏi rất nhiều sự “tự thân vận động”, rất dễ chết yểu, thậm chí là chết trong chính tay bạn nếu như bạn chưa đủ kinh nghiệm. Nhưng bù lại, công ty startup đem lại cho bạn cơ hội phát triển bản thân “thần tốc”, cơ hội thăng tiến cao và mọi công sức bạn bỏ ra đều được ghi nhận. Hi vọng đọc đến đây, bạn đã tìm ra câu trả lời cho chính mình!
Xem thêm: Khởi nghiệp sáng tạo là động lực để kinh tế đất nước phát triển bền vững
Nguyễn Phượng ttvn.toquoc.vn thực hiện