Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

Lạc giữa đầm Bà Tường

Chiếc xuồng máy chấp chới giữa muôn trùng sóng nước, đưa chúng tôi phiêu du trên đầm nước lớn nhất miền Tây Nam Bộ, như lạc giữa đại dương mênh mông.

Đầm Thị Tường (còn gọi là đầm Bà Tường) cách TP Cà Mau hơn 40 km, nằm giữa 3 huyện Trần Văn Thời, Cái Nước và Phú Tân của Cà Mau. Đầm có diện tích gần 800 ha, dài hơn 10 km, nơi rộng nhất hơn 2 km. Nhìn từ trên cao, đầm có hình thù như cây đàn guitar, “cần đàn” là con sông Mỹ Bình dài hơn 10 km, thông ra vịnh Thái Lan, thuộc vùng biển Tây Cà Mau. Nơi đây có thể được coi là điểm du lịch sinh thái mang đậm nét đặc trưng của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.

“Biển Hồ” của miền Tây

Ngày nay, chưa có cơ sở khẳng định về lịch sử hình thành của đầm nước lớn nhất miền Tây này. Giả thuyết đầm Thị Tường là một phần còn sót lại của biển cả trong quá trình bị bồi lắng không hoàn chỉnh có lẽ là một cách lý giải thuyết phục. Hiện đầm cách xa biển hơn 10 km, giống như một biển nhỏ nằm sâu trong đất liền.

Cảnh sắc ở đây không đẹp lung linh như các hồ nước ngọt ở miền núi. Đầm nước nơi cuối cùng cực Nam này luôn vẩn đục bởi phù sa nhưng vẫn có sức thu hút kỳ lạ với nét hoang sơ phóng khoáng của miền sông nước.

Lạc giữa đầm Bà Tường - Ảnh 1.
Là một điểm du lịch lâu đời nhưng cách làm du lịch ở đầm Thị Tường còn khá đơn sơ

Có lẽ, những ngư dân trên đầm Thị Tường chính là những người làm du lịch cộng đồng sớm nhất ở Cà Mau khi loại hình du lịch homestay còn chưa xuất hiện. Họ làm một cách tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu của du khách.

Trước khi đến đầm Thị Tường, điều đầu tiên không thể bỏ qua là gọi điện cho ngư dân đặt làm vài món hải sản ưa thích. Còn gì thú vị hơn khi thưởng thức những món đặc sản tươi sống trong ngôi nhà sàn giữa mênh mông sóng nước, thả hồn theo con sóng lăn tăn nối tiếp chạy vào bờ. Mà bờ thì xa lắc, chỉ là một vạch nhỏ xíu ngút tầm mắt phía chân trời. Nếu nán lại qua đêm, khách còn có thể giao lưu văn nghệ, nghe những điệu khúc du dương vẳng ra từ một ngôi nhà sàn nào đó mờ ảo trong ánh đèn câu soi bóng giữa không gian đầy thi vị.

Lạc giữa đầm Bà Tường - Ảnh 2.
Một ngôi nhà sàn chơi vơi trên đầm Thị Tường đủ sức chứa 50 du khách cùng lúc

Từ bao đời nay, mặc thủy triều lên xuống, đầm không hề bị bồi lắng cũng như không sâu thêm chút nào. Dù rộng mênh mông nhưng độ sâu của đầm chỉ giữ ở mức trên dưới 1 m, là điều kiện lý tưởng để nhiều loài thủy sản kéo về sinh sôi. Đặc sản của đầm Thị Tường có thể kể đến như: sò huyết, rẹm, lịch huyết… Nhưng cá dồ chó mới là đặc sản chỉ có duy nhất ở đầm này. Theo ngư dân, đây là loài cá da trơn có vằn như chó vện và tinh khôn như chó, nên người ta lấy tên loài chó 4 chân ghép cho nó.

Dồi dào tôm cá

Trên mặt đầm mênh mông, chấm phá những ngôi nhà sàn của ngư dân cách nhau chừng 100 m, là phạm vi quy định được phép khai thác, đánh bắt thủy sản cho mỗi hộ dân. Chúng tôi ghé vào một ngôi nhà sàn cực rộng chơi vơi giữa đầm. Nhà rộng đến 8 gian theo phong cách miệt vườn, được đóng cọc bê-tông chắc chắn và lợp lá dừa nước. Đó là nhà của một ngư dân được du khách phương xa đặt cho biệt danh là “Vua đầm”. Tên ông là Nguyễn Văn Hùng, thường gọi là Hai Hùng.

Lạc giữa đầm Bà Tường - Ảnh 3.
Ngư dân đầm Thị Tường trồng rau sạch ngay trên nhà sàn

Ngồi trong căn nhà dài, rộng, chơi vơi trên sóng nước, gió lộng tứ bề, đối diện là vị chủ nhà dáng vóc to lớn, bặm trợn, cười nói hào sảng, tôi cứ ngỡ như đang trở về thời khai hoang mở đất xa xưa. Chỉ xuống sàn nhà lót ván bóng loáng, ông Hai Hùng tự hào khoe: “Khách du lịch ghé nhà tôi hoài, có cả khách Tây, Hàn Quốc… Có khi họ ở đây cả tháng trời vì thích thú. Lúc mới ra đây, tôi chỉ cất nhà vừa đủ ở, sau này thấy khách nhiều quá nên cơi nới ra dần, nay đủ chỗ nghỉ ngơi cho 50 người cùng lúc. Nước sinh hoạt lấy từ mạch nước ngầm dưới đáy đầm hàng trăm mét; điện thì kéo từ trong bờ ra. Đồ ăn thì khỏi phải lo, tôm – cua – cá dưới đầm vô kể, cứ xuống bắt lên ăn. Khách chỉ cần trả 200.000 đồng mỗi người cho một ngày lưu trú và ăn uống thả ga”.

Lão ngư Huỳnh Bảy nay đã 75 tuổi, người đã 3 đời mưu sinh trên đầm Thị Tường, bảo rằng trước đây, tôm cá trong đầm nhiều đến mức chỉ cần một chiếc xuồng con, một cái chài hoặc vài tay lưới là có thể nuôi sống được một gia đình năm bảy miệng ăn.

“Theo địa giới hành chính thì đầm này được gọi là đầm Thị Tường nhưng dân ở đây mấy chục năm nay quen gọi là Bà Tường rồi. Hồi trước giải phóng, người ta còn kháo nhau rằng ai dám bơi ngang qua đầm bảo đảm cặp chân chỉ còn lại bộ xương. Chẳng phải chuyện kinh dị gì mà cá ở đây nhiều đến mức chỉ thò chân xuống nước không bị chúng bu lại rỉa thịt thì cũng bị ngạnh của nó quậy đâm nát chân” – ông Bảy kể có vẻ như hơi phóng đại nhưng những ngư dân khác vẫn gật gù đồng tình với lời của ông lão.

Lạc giữa đầm Bà Tường - Ảnh 4.
Phương tiện đưa rước khách trên đầm cũng là phương tiện gia dụng và khai thác thủy sản của ngư dân

Đặt chung rượu vừa uống cạn xuống sàn nhà, ông Bảy đưa mắt về phía mênh mông sóng nước lấp lánh dưới ánh hoàng hôn, ngâm nga 4 câu mà những ngư dân lớn tuổi nơi đây đều thuộc nằm lòng: “Chồng đem tấm lưới chặn dòng sông/ Vợ vác cần dài xuống bến câu/ Nắng sớm ra đi chèo một mái/ Trăng đêm trở lại cá đầy khoang”…

Nhiều năm qua, ngành du lịch tỉnh Cà Mau không ngừng mời gọi đầu tư dự án du lịch ở đầm Thị Tường nhưng chưa có doanh nghiệp nào mặn mà bởi việc kết nối tour, tuyến với các điểm du lịch khác của tỉnh còn nhiều trở ngại, nhất là hạ tầng giao thông. Cũng may là vẫn còn có những ngư dân hiếu khách đã không để lãng phí một món quà tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho con người vùng đất cuối trời Nam này.

Mời gọi đầu tư

Đầm Thị Tường từng được UBND tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau) ấp ủ làm du lịch khá lâu. Một dự án du lịch rộng 700 ha hiện vẫn đang mời gọi đầu tư. Trong khi chờ đợi, tour du lịch Cà Mau – đầm Thị Tường đã được xây dựng nhưng vẫn chưa thu hút được số lượng du khách như mong đợi.

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết trong bản đồ quy hoạch du lịch của tỉnh, đầm Thị Tường là một lựa chọn cho du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử cách mạng. “Để thuận lợi cho nhà đầu tư, tỉnh đã mở thêm tuyến giao thông bờ Nam Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) đến đầm Thị Tường. Đồng thời đã lập quy hoạch dự án Khu Du lịch Văn hóa – Thể thao đầm Thị Tường để mời gọi đầu tư. Hy vọng thời gian không xa sẽ thu hút được nhà đầu tư. Khi được đầu tư bài bản, đầm Thị Tường sẽ là một điểm du lịch đầy tiềm năng của tỉnh” – ông Hiếu Hùng nhận định.

Xem thêm: Xem người dân miền Tây bắt cả trăm ký cá đầy sáng tạo

Bài và ảnh: DUY NHÂN(nld.com.vn thực hiện)

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC