Những năm gần đây, kinh tế lâm nghiệp tỉnh Cà Mau có nhiều khởi sắc… thông qua các hình thức chuyển đổi sản xuất, từ giống cây trồng đến hình thức canh tác, chế biến lâm sản, nuôi trồng dưới tán rừng, tận dụng hệ sinh thái rừng để phát triển du lịch, mang lại nguồn lợi đáng kể. Đặc biệt, thay đổi đời sống của người dân vùng rừng, cũng như các chủ rừng.
Một góc rừng U Minh hạ – thuộc Công ty THHH MTV Lâm nghiệp U Minh hạ, nhìn từ trên cao xuống.
Năm 2009 khu vực U Minh Hạ bắt đầu thực hiện chuyển đổi một phần diện tích rừng tràm sang trồng keo lai bằng phương pháp lên liếp trồng rừng tập trung, diện tích trồng keo lai đã tăng nhanh vào các năm tiếp theo. Đến năm 2022 có khoảng trên 23.500 ha rừng U Minh hạ được chuyển đổi từ trồng rừng tràm truyền thống sang lên liếp trồng rừng theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng rừng (keo 11.250 ha; tràm 12.250 ha). Keo lai ở U Minh Hạ sinh trưởng tương đối nhanh, rừng trồng 5 năm tuổi trữ lượng bình quân biến động từ 200m3/ha đến 260m3/ha, có những nơi lên trên 300 m3/ha (cây có đường kính D13 trên 20 cm chiếm khoảng trên 35% số cây).
Hướng đi đúng cho kinh tế rừng
Ông Trần Ngọc Thảo – Giám đốc Công ty THHH MTV Lâm nghiệp U Minh hạ cho biết: “Hiện nay đơn vị đang quản lý 23.966 ha. Diện tích quy hoạch trồng rừng trên 19.400ha. Ngoài loài cây tràm bản địa, khu vực rừng tràm đã nhập ngoại cây Keo Lai và Tràm Úc. Diện tích rừng Keo Lai trên lâm phần Công ty 5.924ha chiếm 32%, năng suất bình quân khoảng 160 -180 m3, giá trị 140-160 triệu đồng/ha; tràm thâm canh diện tích 7.622ha chiếm 40%, năng suất bình quân khoảng 120 – 150 m3, giá trị 60 – 80 triệu đồng/ha; tràm quảng canh 2.243ha chiếm 12%, năng suất bình quân khoảng 50-70m3, giá trị 40 – 60 triệu đồng/ha”.
“Việc phát triển trồng rừng thâm canh đáp ứng được nguyện vọng của người kinh doanh rừng tăng về khối lượng trên một đơn vị diện tích, tăng gấp 1,5 đến 2 lần so với trước đây” – ông Thảo cho biết thêm.
Trồng keo Lai thâm canh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Theo ông Lưu Tấn Hùng – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển, diện tích rừng của đơn vị có sự phối hợp với Công ty Camimex thu mua tôm nguyên liệu dưới tán rừng và thực hiện chi trả dịch vụ rừng khi được chứng nhận mô hình tôm – rừng sinh thái với số hộ tham gia là 1.633 cho phần diện tích trên 9.409 ha với diện tích đất có rừng 4.535,14 ha . “Thực tế này đã tạo điều kiện tốt cho việc xây dựng mô hình rừng – tôm (tôm sinh thái) kết hợp với bảo vệ rừng có hiệu quả, mô hình đang được nhân rộng và phát triển trên lâm phần. Đặc biệt, công tác bảo vệ rừng, trồng rừng đi vào nề nếp hơn, khai thác rừng thực hiện theo phương án quản lý rừng bền vững được cấp thẩm quyền phê duyệt” – ông Hùng chia sẻ.
Ông Lâm Ngọc Kiên – Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi, cũng cho biết: “Mô hình phát triển rừng kết hợp rừng – tôm/sinh thái là hướng đi thiết thực trong tình hình hiện nay. Qua đó, giúp cho cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư có ý thức tự giác, tích cực tham gia mô hình rừng – tôm kết hợp theo hướng bền vững, góp phần thích ứng với biển đổi khí hậu; đồng thời tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho toàn bộ hộ dân trên lâm phần, tích cực tham gia quản lý tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và tăng cường trữ lượng carbon”.
“Đây là hướng đi mới, thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đồng thời tạo điều kiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Ngọc Hiển” – ông Kiên đánh giá.
Sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị
Từ kết quả trên cho thấy, kinh tế lâm nghiệp đang trên đà phát triển và còn nhiều tiềm năng để phát huy lợi thế. Tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại, như chất lượng rừng trồng chưa cao, lâm sản tiêu thụ không ổn định, chủ yếu bán cây đứng tại rừng, gỗ nhỏ chiếm tỷ lệ lớn, chưa gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ.
Ông Trần Văn Thức – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hiện nay công nghiệp chế biến lâm sản trong khu vực chưa phát triển. Tại Cà Mau, chỉ có các cơ sở gia công nhỏ lẻ, chưa có các nhà máy có công suất lớn đi vào hoạt động và tiêu thụ sản phẩm ổn định cho người trồng rừng, nên chưa hình thành chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trong trồng, khai thác, chế biến lâm sản; đầu ra của sản phẩm rừng trồng chưa ổn định”.
Mô hình sản xuất lâm – ngư kết hợp trên lâm phận của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển (tôm sinh thái), có chứng nhận quốc tế đã góp phần nâng giá trị và thương hiệu cho các mặt hàng tôm Cà Mau xuất khẩu trên thị trường thế giới.
“Tỉnh Cà Mau quy hoạch đất lâm nghiệp đến năm 2030 là 142.599 ha (diện tích có rừng 96.113 ha), trong đó: Đất rừng đặc dụng 20.291 ha tăng 192 ha so với năm 2020; Đất rừng phòng hộ 30.753 ha, giảm 1.154,1 ha so với năm 2020; Đất rừng sản xuất 91.555ha, giảm 121 ha so với năm 2020. Đồng thời, tập trung áp dụng cơ giới hóa, các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, tạo vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, chất lượng cao, chế biến sâu và nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, Cà Mau tập trung quản lý chặt chẽ, bảo vệ và sử dụng bền vững rừng tự nhiên hiện có; đẩy mạnh tái sinh tự nhiên, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Cùng với đó, phát triển du lịch sinh thái và kinh tế dưới tán rừng góp phần phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu. Phấn đấu, tỷ lệ độ che phủ của rừng đạt 18,5%, tỷ lệ diện tích rừng sản xuất có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 10% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030” – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, định hướng phát triển kinh tế rừng trong thời gian tới.
Trước đó, ngày 4/8, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo tham vấn các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ rừng; các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài tỉnh đã trao đổi, thảo luận đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất lâm nghiệp; ứng dụng khoa học kỹ thuật để trồng rừng, khai thác rừng, chế biến, tiêu thụ lâm sản, chứng nhận quản lý rừng bền vững, tín chỉ các bon rừng… Một số đại biểu đề xuất tỉnh Cà Mau cần đẩy mạnh đầu tư và có các chính sách thu hút đầu tư các cơ sở sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn có thể đáp ứng cho nhu cầu trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, khai thác triệt để tiềm năng lợi thế về tài nguyên đất đai, sử dụng đất có hiệu quả và bền vững nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện tham gia thị trường tín chỉ các bon, dịch vụ môi trường rừng nhằm nâng cao nguồn thu từ lâm nghiệp.
Xem thêm: Làn sóng mới cho du lịch Đồng bằng sông Cửu Long
Trọng Nghĩa