TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL sẽ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chung nhằm quảng bá, xúc tiến, giới thiệu du lịch
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng Liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng TP HCM và và 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong nửa cuối năm 2020, nhằm tiếp tục cụ thể hóa các nội dung của thỏa thuận đã ký kết giữa TP và 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong phát triển du lịch.
Tăng cường sự gắn kết
Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa UBND TP HCM và UBND 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2020 – 2025 đã được 14 tỉnh, thành ký kết tháng 12-2019 tại hội nghị lãnh đạo TP và 13 tỉnh, thành ĐBSCL về liên kết hợp tác phát triển du lịch lần 2 năm 2019. Bước đi này nhằm tăng cường sự gắn kết, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các địa phương, đồng thời phát huy thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương vào việc xây dựng các sản phẩm và thương hiệu du lịch vùng.
Theo Sở Du lịch TP, trong nửa đầu năm 2020, tuy ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng với sự chỉ đạo của lãnh đạo các tỉnh, thành và hoạt động phối hợp chặt chẽ giữa các Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch tỉnh, thành trong liên kết đã tổ chức thực hiện nội dung được ký kết tại thỏa thuận chung của vùng. Trong đó, tập trung xây dựng cơ chế phối hợp giữa các tỉnh thành, xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện nội dung của thỏa thuận, xây dựng sản phẩm du lịch vùng, bồi dưỡng nguồn nhân lực…
Cụ thể, trong khoảng 2 tháng không bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 (tháng 1 và tháng 5) đã có trên 50.000 lượt du khách đăng ký mua tour tại 5 doanh nghiệp (DN) lữ hành lớn của TP HCM để đi du lịch đến các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL. Thời gian lưu trú của khách ở một số tỉnh, thành dài hơn.
Liên kết cũng giúp thu hút du khách từ miền Bắc và miền Trung đến vùng ĐBSCL. Ông Trần Đoàn Thế Duy, quyền Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, cho biết từ sau hội nghị liên kết phát triển du lịch TP và ĐBSCL, công ty đã thiết kế lại các sản phẩm tour, tuyến theo 3 tuyến trục sản phẩm đã đề xuất nhằm kết nối giữa TP và ĐBSCL. Cụ thể, tuyến du lịch xuyên tâm TP HCM – Tiền Giang – Vĩnh Long – Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau. Tuyến du lịch hành lang ven biển phía Nam TP HCM – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng. Tuyến du lịch theo hướng biên giới phía Tây tiếp giáp Campuchia là Long An – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang.
Liên kết để phát triển bền vững là cần thiết, đặc biệt trong ngành du lịch khi nhu cầu của du khách không chỉ khám phá một nơi, một điểm đến. Riêng kết nối giữa TP và ĐBSCL giúp cả DN và địa phương có sản phẩm tốt, cùng tập trung quảng bá điểm đến vùng tới du khách nhiều hơn. “Việc kết nối giúp từng địa phương nhận ra đặc trưng riêng của mình để không bị trùng lắp. Từ đó, DN sẽ lựa chọn mỗi đặc trưng để tạo thành chuỗi giá trị cho sản phẩm, dịch vụ. Như đờn ca tài tử tỉnh nào cũng có nhưng Vietravel chỉ chọn phục vụ khách ở Bạc Liêu vì đây là cái nôi; Tiền Giang sẽ tập trung vào miệt vườn; Cà Mau có rừng ngập mặn, đất mũi… Ngay cả ẩm thực mỗi nơi cũng có nét riêng và DN sẽ chủ động lựa chọn đưa vào sản phẩm tour để không trùng lặp, không nhàm chán cho du khách” – ông Trần Đoàn Thế Duy phân tích.
Du khách tham quan Khu Di tích Xẻo Quýt (Đồng Tháp) bằng xuồng. Ảnh: NGỌC TRINH
Quảng bá thương hiệu du lịch chung
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết để triển khai Kế hoạch số 840/KH-UBND của UBND TP (tháng 3-2020) về liên kết hợp tác phát triển du lịch TP và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2020, TP đã phối hợp triển khai đẩy mạnh kích cầu khách du lịch nội địa đến khu vực này trong nửa cuối năm.
Cụ thể là triển khai 3 chương trình du lịch Những nẻo đường phù sa; Sắc màu vùng biên; Non nước hữu tình, trong đó đề nghị các địa phương vận động cơ sở lưu trú du lịch tham gia chương trình kích cầu với giá thành tour thực sự hấp dẫn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các khu – điểm tham quan du lịch xây dựng các chính sách kích cầu kép (vừa giảm chi phí ăn uống vừa miễn phí vé tham quan)…
Hiện đã có 10/13 tỉnh, thành ĐBSCL gửi danh sách các điểm vận động tham gia kích cầu về TP với mức giảm từ 10% – 100% tùy đơn vị (phổ biến là giảm từ 10%-20%). Trên cơ sở đó, các DN lữ hành của TP đã xây dựng 52 chương trình du lịch kích cầu từ TP đến các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, đánh giá ĐBSCL không chỉ là điểm đến tiềm năng và hấp dẫn cần được khai thác, cũng là thị trường cung cấp nguồn khách lớn cho du lịch TP HCM khi đời sống, thu nhập của người dân ngày càng tăng. Do đó, liên kết phát triển du lịch giữa TP và ĐBSCL nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh để DN trong ngành du lịch tạo ra sản phẩm mới, tour tuyến mới hấp dẫn… là cần thiết. “Sau dịch Covid-19, khách nội địa là nguồn khách quan trọng với tất cả mọi điểm đến nên thúc đẩy kết nối giữa TP với ĐBSCL, cũng như địa phương khác là cần thiết. Dù vậy, trong quá trình phát triển du lịch, các địa phương vùng ĐBSCL cũng cần quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực bài bản để người dân bản địa có cơ hội tham gia làm du lịch tại chỗ. ĐBSCL là vùng sông nước, người dân sống nhờ sông nước nên đầu tư du lịch cần đi kèm bảo vệ môi trường, nên định hướng thu hút ít khách nhưng chất lượng” – ông Phan Xuân Anh góp ý.
Trong giai đoạn nửa cuối năm 2020, TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chung để quảng bá, giới thiệu du lịch; tổ chức khảo sát 3 tuyến du lịch kết nối; phối hợp xây dựng phim quảng bá chung về liên kết phát triển du lịch vùng đến các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế; phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến mời gọi đầu tư du lịch…
Khai mạc Ngày hội kích cầu du lịch TP HCM và ĐBSCL
Sáng 3-7, tại TP Cần Thơ, Ngày hội kích cầu du lịch TP HCM và ĐBSCL chính thức khai mạc. Đây là một trong những hoạt động điểm nhấn trong chuỗi sự kiện hội nghị sơ kết thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP HCM và các tỉnh ĐBSCL. Có 30 gian hàng của 14 tỉnh, thành và 11 đơn vị kinh doanh du lịch với nhiều lĩnh vực: lữ hành, nhà hàng, khách sạn, vườn du lịch và các hãng hàng không tham gia trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm dịch vụ du lịch mới, các điểm đến an toàn của TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; giới thiệu các gói sản phẩm kích cầu của các đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn, điểm – vườn du lịch; mua bán sản phẩm, dịch vụ du lịch trực tiếp với khách tham quan tại gian hàng ngày hội, với nhiều ưu đãi, giảm giá từ 10%-60%. Điển hình như: Vinpearl tung chương trình “Vinpearl sale sốc – Cơn lốc hè 2020” khuyến mại đến 50% giá phòng và các dịch vụ, tiện ích 5 sao. Resort VinOasis Phú Quốc đang chạy chương trình giảm 50% tất cả hạng phòng kèm ăn sáng, ẩm thực, spa, Vinpearl Safari… Saigontourist đưa ra tour Mỹ Tho – Cần Thơ – Cà Mau – Hà Tiên – Đồng Tháp đi 5 ngày 4 đêm chỉ với 5.979.000 đồng/khách…
Trong khuôn khổ này, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo “Kết nối du lịch ĐBSCL” vào chiều cùng ngày. Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Sự liên kết giữa TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL trong thời gian qua trong lĩnh vực du lịch đã phát huy lợi thế của nhau, giúp mở rộng thị trường, thị phần khách dễ dàng hơn. Trong bối cảnh chưa thể mở rộng du lịch với thế giới do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc thúc đẩy phát triển du lịch trong nước được xem là giải pháp duy nhất để từng bước khôi phục du lịch. Việc kết nối du lịch ĐBSCL với TP HCM sẽ là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch nội địa cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng”.
Xem thêm: Hội thảo kết nối du lịch đồng bằng sông Cửu Long
C.Linh THÁI PHƯƠNG (Nguồn: nld.com.vn)