Đầu năm 2023, Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC) đã thực hiện hiệu quả nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm đặc trưng, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh, không chỉ tại Cà Mau và các tỉnh thành trong nước mà còn ở Mỹ và Châu Âu.
Trong tháng 3 và tháng 4/2023, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau đã được giới thiệu đến thị trường Mỹ thông qua Trung tâm Giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại New York, Hoa Kỳ (Viet Trade New York), và đến cộng đồng người Việt ở châu Âu tại Trung tâm Thương mại Sapa ở Thủ đô Praha, Cộng hòa Séc và Trung tâm Thương mại Đồng Xuân ở Thủ đô Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức. Đây là các trung tâm giới thiệu và thương mại lớn, quy tụ nhiều chuỗi phân phối, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu sản phẩm Việt Nam và châu Á vào thị trường Mỹ và châu Âu. Đặc biệt, Trung tâm Thương mại Sapa là đầu mối nhập khẩu sản phẩm châu Á và Việt Nam để phân phối cho toàn bộ thị trường châu Âu. Trong thời gian tới, ngoài sản phẩm tôm đông lạnh, các mặt hàng khác của tỉnh Cà Mau như bánh phồng tôm, các sản phẩm hải sản khô như tôm khô, cá khô,…. đạt chuẩn OCOP sẽ có nhiều cơ hội để được xuất hiện tại thị trường Mỹ và Châu Âu.
Hoạt động giới thiệu và xúc tiến thương mại đặc sản Cà Mau tại Mỹ và Châu Âu đầu năm 2023 (tin và ảnh: Thanh Tuấn, Xuân Anh)
Những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Cà Mau, mang nhãn hiệu bảo hộ, đạt chứng nhận OCOP hoặc chứng nhận công nghiệp nông thôn tiêu biểu được iPEC thường xuyên tập họp, trưng bày và quảng bá tại Không gian khởi nghiệp Cà Mau (Số 28 Phan Ngọc Hiển, Phường 2, thành phố Cà Mau). Đây cũng là cửa hàng vật lý và kho trung chuyển hàng hóa của gian hàng tỉnh Cà Mau trên sàn TMĐT lớn như shopee, postmart, voso và Sàn TMĐT Cà Mau. Các loại sản phẩm phổ biến tại Không gian khởi nghiệp là thực phẩm được chế biến từ tôm như tôm khô, bánh phồng tôm, chà bông tôm, chả tôm, mắm tôm, bột tôm nêm canh…. Các sản phẩm chất lượng cao, với bao bì nhỏ gọn, đẹp mắt thường xuyên được người tiêu dùng và du khách quan tâm, lựa chọn để thiết kế thành các bộ quà tặng Đặc sản Cà Mau (hay còn được gọi là quà tăng Sản vật Cà Mau). Thời gian tới, iPEC sẽ mở rộng quy mô để có thể trưng bày, giới thiệu tất cả 128 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP tại Không gian khởi nghiệp (*). Đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hoàn thiện thiết kế bao bì, nhận diện thương hiệu và xây dưng dữ liệu số phục vụ hoạt động xúc tiến và phát triển thương mại điện tử cho doanh nghiệp.
Đặc sản Cà Mau được trưng bày, giới thiệu tại Tòa nhà Không gian khởi nghiệp
(*) Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh Cà Mau
Lũy kế đến năm tháng 4/2023, tỉnh Cà Mau có128 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; trong đó sản phẩm được chế biến từ tôm chiếm số lượng lớn nhất với 53 sản phẩm Tiếp theo là cá khô, chả cá và các sản phẩm từ cá (18 sản phẩm). Gạo và các sản phẩm từ gạo có 6 sản phẩm. Các sản phẩm từ thịt có 6 sản phẩm. Có 6 sản phẩm rượu (rượu trắng và rượu ngâm). Mật ong và các loại thức uống bảo vệ sức khỏe (trà và nước cốt trái nhàu) với 5 sản phẩm. Chuối và sản phẩm từ chuối có 3 sản phẩm. Cua và sản phẩm từ cua có 3 sản phẩm. Đặc biệt trong các sản phẩm từ tôm, có 17 sản phẩm tôm khô, 10 sản phẩm bánh phồng tôm, 5 sản phẩm chà bông tôm khô, 5 sản phẩm mắm tôm. Tất cả các sản phẩm này sẽ được iPEC tăng cường giới thiệu và xúc tiến thương mại vào thời gian tới.
Vào ngày 29/4/2023, cùng thời điểm khai trương chuyến bay Hà Nội – Cà Mau, gian hàng đặc sản Cà Mau đặt tại Cảng hàng không Cà Mau đã được iPEC thực hiện để trưng bày, giới thiệu và cung cấp các sản phẩm đặc trưng Cà Mau đến hành khách. Thời gian đầu các sản phẩm được trưng bày chủ yếu là thực phẩm được chế biến từ tôm, cá và các loại nông sản khác. Dự kiến sẽ mở rộng quy mô gian hàng trưng bày để đa dạng các sản phẩm, gia tăng sự lựa chọn cho khách hàng. Theo đó, khách hàng có thể cảm nhận sự đa dạng và trù phú của vùng bán đảo Cà Mau nổi tiếng với nhiều đặc sản chất lượng cao.
Xúc tiến thương mại trong nước cũng khá nổi bật đối với hàng hóa đặc sản Cà Mau. Vừa qua tại các sự kiện văn hóa được tổ chức tại địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Giang, sản phẩm đặc trưng, đạt chứng nhận OCOP của tỉnh đã được iPEC giới thiệu đến khách tham quan tại các sự kiện nêu trên. Đặc biệt tại Không gian quảng bá, xúc tiến Việt – Pháp được tổ chức tại Hà Nội, các sản phẩm đặc trưng, đạt chứng nhận OCOP (không chỉ sản phẩm vốn đã nổi tiếng như tôm khô, chuối xiêm, đũa gỗ cây đước và mật ong, mà các sản phẩm bảo vệ sức khỏe mới như trà xạ đen, nước cốt nhàu, rược trái giái) đã được giới thiệu đến người dân, du khách và các nhà phân phối tại thị trường Việt Nam và Pháp. Đặc biệt sản phẩm tôm khô và bánh phồng (nhiều vị khác nhau như tôm, cua, hàu, chuối và khoai môn) thu hút được nhiều nhà phân phối quan tâm, mong muốn được ký kết làm nhà phân phối tại khu vực miền bắc.
Các hoạt động nêu trên là một phần thuộc Chương trình xúc tiến trong và ngoài nước năm do iPEC phụ trách. Thời gian tới trong năm 2023, iPEC tăng cường các hoạt động giới thiệu và quảng bá trên các nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội nghị kết nối giao thương được tổ chức tại các thành phố thuộc miền Bắc. Hơn nữa, sẽ tiếp tục giới thiệu và quảng bá đặc sản Cà Mau tại thị trường Châu Á giàu tiềm năng như Trung Quốc, Singapore và Malaysia. Hy vọng với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và sự năng động, nhiệt huyết của doanh nghiệp, các sản phẩm OCOP, đặc sản tỉnh Ca Mau sớm vươn khắp đất nước và vươn ra thế giới.
Xem thêm: Tôm khô, mắm ruốc xuất ngoại
Phúc Ngươn