Cơ sở hạ tầng, đường sá giao thông được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm đầu tư để tạo nền tảng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Chú trọng xây dựng hạ tầng
Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau luôn coi trọng việc lập, điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chi tiết để xây dựng trung tâm văn hóa các xã, mở rộng thị trấn Trần Văn Thời và đã mang lại hiệu quả rất tích cực.
Năm 2021, địa phương đã xây dựng hoàn thành 5 đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tại các xã Khánh Bình Tây, Khánh Hưng, Khánh Hải và Lợi An. Riêng 3 đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng thị trấn Trần Văn Thời dự kiến hoàn thành trong quý 1/2022.
Hạ tầng giao thông ở huyện Trần Văn Thời được quan tâm đầu tư, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế phát triển.
Thời gian qua, công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông vận tải, trật tự xây dựng, hành lang an toàn đường bộ, lộ giới, quy hoạch tạo luồng đường thủy nội địa được địa phương quan tâm thực hiện rất tốt.
Theo đó, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực xây dựng, giao thông và quy hoạch. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành lang lộ giới theo quy định…
Góp vào thành công chung của huyện, phải kể đến vai trò của Ban Quản lý Dự án xây dựng huyện Trần Văn Thời. Đơn vị này đã tham mưu cho UBND huyện rất chặt chẽ trong hoạt động xây dựng trên địa bàn.
Với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, Ban Quản lý Dự án xây dựng huyện đã giám sát chặt chẽ từng công trình nên khi bàn giao đưa vào sử dụng luôn được người dân đánh giá cao về chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, ngụ huyện Trần Văn Thời hồ hởi: “Nhờ được các cấp lãnh đạo quan tâm đầu tư nên hạ tầng đường sá, nhà văn hóa trên địa bàn huyện đường xây dựng khang trang, thông thoáng.
Người dân thuận tiện lưu thông, giao thương mua bán rất tiện lợi và có nơi tập trung để sinh hoạt văn hóa, giải trí nên đời sống bây giờ ổn định lắm. Đường sá được xây dựng nhiều thì sẽ kéo theo nền kinh tế của địa phương phát triển theo nên chúng tôi rất mừng”.
Theo người dân địa phương, nhờ đường sá giao thông phát triển nên nhiều sản phẩm nông nghiệp của nông dân làm ra đã được thương lái đến tận nhà thu mua với giá cả hợp lý. Nhờ vậy, không còn tình trạng bị ép giá, ùn ứ sản phẩm vì không bán được do không có đường vận chuyển như trước đây.
Công trình xây dựng đường chợ Nông sản đấu nối tuyến lộ Tắc Thủ – Sông Đốc đang được triển khai, khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời nói: “Công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường ô tô về trung tâm xã, đường nội ô các thị trấn được triển khai.
Địa phương quan tâm chỉ đạo khảo sát, thiết kế các nơi bị hư hỏng hằng tháng để kịp thời sửa chữa vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa tiết kiệm được kinh phí ngân sách nhà nước”.
Theo đó, các tuyến đường ô tô về trung tâm các xã Phong Lạc, Phong Điền, Lợi An; đường nội ô thị trấn Trần Văn Thời, thị trấn Sông Đốc… đã được sửa chữa, khắc phục kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông an toàn.
Năm 2021, địa phương đã triển khai đầu tư, xây dựng 146 công trình, với tổng vốn đầu tư hơn 206,5 tỷ đồng. “Công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán các dự án, công trình được thực hiện khá tốt.
Đến nay, chủ đầu tư đã gửi hồ sơ đề nghị quyết toán 145 công trình (đã thẩm tra quyết toán 113 công trình, đang thẩm tra quyết toán 32 công trình còn trong thời hạn quyết toán)”, ông Công cho biết thêm.
Đặc biệt, địa phương còn chú trọng đầu tư các công trình như, xây dựng tuyến đường chợ nông sản đấu nối tuyến lộ Tắc Thủ – Sông Đốc dài 500 mét, tổng vốn đầu tư (cả giải phóng mặt bằng) khoảng 11 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ rút ngắn thời gian và khoảng cách đi lại từ thị trấn Trần Văn Thời – thị trấn Sông Đốc.
Cũng phải kể đến công trình xây hệ thống cống thoát nước trên địa bàn huyện để chào mừng năm mới Nhâm Dần 2022. Công trình được phê duyệt với giá trị hơn 5 tỷ đồng. Hiện đơn vị thi công đang khẩn trương thực hiện để kịp bàn giao đúng tiến độ cho chủ đầu tư đưa vào sử dụng.
Kinh tế phát triển
Mặc dù năm 2021, huyện Trần Văn Thời chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với nhiều nỗ lực, quyết tâm và lãnh chỉ đạo kỳ quyết của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của nhân dân nên nhiều chỉ tiêu kinh tế của huyện đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện là hơn 51 triệu đồng/người/năm. Kinh tế thủy sản tiếp tục đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển của huyện Trần Văn Thời, các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh cải tiến 2 giai đoạn tiếp tục mang lại hiệu quả cao cho người nuôi và đang tiếp tục phát triển.
Đặc biệt, nghề nuôi cá bớp lồng bè ở đảo Hòn Chuối phát triển rất ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Toàn huyện Trần Văn Thời có 2.312 phương tiện khai thác và dịch vụ hậu cần thủy sản với nhiều phương tiện có công suất lớn đáp ứng nhu cầu đánh bắt xa bờ.
Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước đạt gần 148.000 tấn, đạt 100,7 % kế hoạch năm.
“Nhờ được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ kỹ thuật nuôi nên tôi đã nuôi thành công nhiều vụ tôm siêu thâm canh và cho lợi nhuận khá, gia đình rất phấn khởi. Nhìn chung, tôm nuôi của gia đình khi thu hoạch đều đạt trọng lượng tốt, tiêu chuẩn đạt chất lượng được thương lái đánh giá rất cao và tin tưởng.
Con tôm đã làm thay đổi đời sống của gia đình tôi rất nhiều. Đây là mô hình kinh tế mang lại lợi nhuận cao nên sắp tới tôi sẽ có hương mở rộng diện tích”, một hộ dân nuôi tôm công nghiệp ở huyện Trần Văn Thời phấn khởi cho biết.
Song song đó, lĩnh vực kinh tế tập thể, Chương trình mỗi xã một sản phẩm ở huyện phát triển nhanh và mang hiệu quả cao. Toàn huyện hiện có 48 HTX, 366 THT và 8 trang trại… bước đầu đã tạo được chuỗi liên kết, phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.
“Nhìn chung các HTX hoạt động hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao. Từ đó, tác động tích cực vào nhận thức của người dân trong liên kết sản xuất theo thế chung của yêu cầu thị trường.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, các nhãn hiệu tập thể và sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu từng bước được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì, mở rộng sản xuất và đã khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường”, ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời thông tin.
Theo vị lãnh đạo UBND huyện Trần Văn Thời, hiện địa phương có 6 sản phẩm nông nghiệp được đánh giá 3 sao, đang tiếp tục trình tỉnh xem xét công nhận 2 sản phẩm đạt 3 sao.
Toàn huyện có 4 nhãn hiệu tập thể gồm cá khô bổi U Minh, chuối khô Trần Hợi, mực khô Sông Đốc và cá bớp Hòn Chuối; 5 cơ sở được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh được chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng.
Về Trần Văn Thời những ngày này, chúng ta dễ dàng bắt gặp những con đường mới, cơ sở hạ tầng được chỉnh trang, đầu tư khang trang, thông thoáng để phục vụ thuận lợi nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân.
Không khí hăng hái lao động sản xuất các mặt hàng truyền thống để phục vụ Tết Nguyên đán đang tất bật, nhộn nhịp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Trên công trường, đơn vị thi công đang khẩn trương thi công đường sá để kịp đưa vào sử dụng trong dịp Tết. Tin rằng, với nhịp độ phát triển về mạng lưới hạ tầng như hiện nay sẽ là tiền đề, động lực để nền kinh tế huyện Trần Văn Thời tiếp tục vươn mình.
Xem thêm: Giao thông ĐBSCL có gì để “mở đường băng cất cánh”?