Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

  • Quy hoạch
  • >
  • Giao thông ĐBSCL có gì để “mở đường băng cất cánh”?

Giao thông ĐBSCL có gì để “mở đường băng cất cánh”?

Nhiều công trình hoàn thành đã mở ra những “đường băng” để vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) “cất cánh”…

Trong năm 2021, rất nhiều dự án giao thông, từ nội tỉnh cho đến mang tính chất vùng đã được Bộ GTVT triển khai. Đến nay, rất nhiều những công trình đã hoàn thành, không chỉ cải thiện hạ tầng giao thông, mà còn mở ra những “đường băng” để vùng ĐBSCL “cất cánh”…

Giao thông ĐBSCL có gì để “mở đường băng cất cánh”?

Ngày 19/1 vừa qua, tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài 51 km đã thông xe, giúp giảm tải QL1. Xe ô tô chạy từ TP.HCM tới Mỹ Thuận từ 3h giảm xuống chỉ còn khoảng 1h45.

Đây là tiền đề để các tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, rồi Cần Thơ – Cà Mau hình thành trong tương lai; mở ra một tuyến cao tốc xuyên suốt một mạch từ TP.HCM về đất mũi Cà Mau. Khi thời gian di chuyển được rút ngắn, không còn ách tắc, việc lưu thông hàng hóa sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế cho vùng ĐBSCL.

Trước đó, đầu năm 2021, tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi chính thức khánh thành, thời gian từ quận Thốt Nốt (Cần Thơ) về trung tâm tỉnh Kiên Giang chỉ còn 50 phút, thay vì 90 phút nếu đi theo QL80.

Theo quy hoạch, tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi là đoạn thuộc trục Chơn Thành – Đất Mũi của đường Hồ Chí Minh. Theo phân kỳ đầu tư, dự án được xây dựng có tiêu chuẩn quy mô đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế là 80 km/h; có 4 làn xe. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ được đầu tư với quy mô 6 làn xe và mặt đường bê tông nhựa, vận tốc thiết kế là 100 km/h.

Sau khi hoàn thành, tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi sẽ được vận hành quản lý theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Tức là chỉ cho ô tô lưu thông, cấm xe gắn máy. Đoạn nào qua khu dân cư sẽ làm đường gom để người dân lưu thông thuận tiện. Cùng với các tuyến đường bộ cao tốc được đầu tư trong tương lai là tuyến Mỹ An – Cao Lãnh và tuyến N2 (Đức Hòa – Mỹ An) sẽ tạo thành trục dọc thứ hai nối từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt sẽ kết nối với các tuyến cao tốc trục ngang từ Châu Đốc – Trần Đề, Hà Tiên – Cà Mau… tạo nên những trục xương sống, kết nối giao thông hoàn chỉnh, giúp cho vùng ĐBSCL cất cánh.

Tháng 5/2021, Ban Quản lý dự án 7 (thuộc Bộ GTVT) đã tổ chức thông xe tuyến đường Quản Lộ – Phụng Hiệp sau hơn 1 năm thực hiện dự án cải tạo nâng cấp mặt đường, với tổng kinh phí khoảng 900 tỷ đồng.

Tuyến đường này được đầu tư xây mới từ 10 năm trước với tổng chiều dài khoảng 103km, bắt đầu từ TP Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang), đi qua địa phận các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Thời điểm đó mặt đường chỉ láng nhựa, nên sau gần chục năm khai thác đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Anh Nguyễn Văn Dũng (một tài xế ở Cần Thơ) cho biết: “Tui thường xuyên chở hàng về Cà Mau, nếu đi theo tuyến QL1, tổng đoạn đường lên tới khoảng 180 km. Còn bây giờ đi theo đường Quản Lộ -Phụng Hiệp chỉ còn khoảng 130km. Thời gian đi lại được rút ngắn rất nhiều, giúp nhà xe và tài xế tiết kiệm được chi phí, công sức”. Sau khi nâng cấp, toàn tuyến hơn 100km được thảm nhựa láng bon. Không chỉ giảm tải cho tuyến QL1, đường Quản Lộ – Phụng Hiệp còn rút ngắn khoảng cách từ Cần Thơ về Cà Mau lên tới 50 km trong sự phấn khởi của người dân và giới tài xế.

Mới đây, ngày 18/1, Bộ GTVT đã tổ chức khởi công Dự án Tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên, với tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc (DFAT); Vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Quy mô tuyến theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h; riêng đoạn cải tạo nâng cấp QL80 hiện hữu, đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, vận tốc thiết kế 60 km/h. Quy mô mặt cắt ngang gồm 2 làn xe cơ giới, với 19 cầu bê tông cốt thép.

Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Đây là tuyến tránh qua thành phố cấp tỉnh cuối cùng của Việt Nam sẽ là một mảnh ghép rất quan trọng để góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông hiện hữu. Trong chương trình phát triển đất nước sắp tới đây, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư, chú trọng đối với khu vực ĐBSCL. Cụ thể đầu tư hoàn thiện hệ thống đường cao tốc mà Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch như các tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng – Trần Đề, cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh – Lộ Tẻ – Rạch Giá … ngay trong nhiệm kỳ 2021-2025 này.

Ngoài các dự án, công trình mang tính vùng, liên vùng, thời gian qua, Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) đã triển khai dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương có tổng vốn đầu tư hơn 9.203 tỷ đồng. Trong đó, có 11 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Mục tiêu là xây dựng là 340 cây cầu dân sinh với nguồn vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng. Điểm đặc biệt ở khu vực này là người dân đồng thuận hiến tặng mặt bằng. Từ phần kinh phí dôi dư, Tổng cục Đường bộ đã quyết định nâng số cầu xây dựng mới ở khu vực này lên 418 cây cầu. Đến nay, hàng trăm cây cầu đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần cải thiện hạ tầng cho vùng nông thôn ĐBSCL, mang lại niềm vui lớn cho người dân.

Xem thêm: Lãnh đạo Cà Mau khảo sát việc thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC