Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Đưa đặc sản vùng miền đến tay người tiêu dùng một cách dễ dàng

Ngày 14/11, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau kết hợp cùng Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau tổ chức “Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau lần thứ 3”, với chủ đề thương mại điện tử cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau là cấu nối tạo mối quan hệ gần gũi giữa lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Qua đó, lắng nghe, tiếp nhận và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Đưa đặc sản vùng miền đến tay người tiêu dùng một cách dễ dàng - Ảnh 1.
Ông Lê Văn Sử phát biểu tại phiên Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau lần thứ 3. Ảnh: Chúc Ly.

Phát biểu tại phiên cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau lần thứ 3, ông Lê Văn Sử – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhận định: Thương mại điện tử cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là chủ đề hết sức thiết thực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy vậy, chúng tôi cũng nhận định rằng, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì đây là lĩnh vực mới còn nhiều bỡ ngỡ, cần nhiều sự dẫn dắt của các ngành chức năng.

Theo ông Sử, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp gặp gỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Đồng thời, cũng là cơ hội cho các sở, ngành rút kinh nghiệm, để tổ chức các cuộc gặp mặt doanh nhân ở những lần tiếp theo được thiết thực, thu hút hơn.

Chia sẻ tại phiên cà phê kết nối doanh nghiệp, ông Đinh Thanh Sơn – Phó Tổng giám đốc Viettel Post, thông tin: Thương mại điện tử là hình thức kinh doanh trực tuyến sử dụng nền tảng công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của internet để thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi thanh toán trực tiếp. Việt Nam có 42% dân số tham gia mua sắm trực tuyến.

Theo ông Sơn, thương mại điện tử đem lại nhiều lợi ích cho các nhà bán hàng, trong đó nổi bật như: Tăng doanh thu; cắt giảm được chi phí; cải thiện hệ thống phân phối; quảng bá thông tin và tiếp thị cho thị trường toàn cầu với chi phí thấp; cung cấp dịch vụ tốt hơn, giá rẻ hơn và làm khách hàng hài lòng hơn; tăng lợi thế cạnh tranh.

Nói về vấn đề làm cách nào để bán hàng, ông Sơn đã giới thiệu các nền tảng quảng cáo bán hàng phổ biến. Theo ông Sơn, thông thường nhiều người chưa quan tâm đến việc xây dựng website cho doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp có website nhưng chưa mang đi giới thiệu để bán hàng. Hiện nay, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt xu thế bán hàng ngay trên website của doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, phải xây dựng nội dung tốt thì các doanh nghiệp mới dễ dàng quảng cáo bán hàng trên website.

Phiên Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau lần này cũng giới thiệu đến các doanh nghiệp sàn giao dịch điện tử Vỏ sò. Với mạng lưới vận chuyển lớn, trải khắp các tỉnh, vùng, miền, nền tảng thương mại điện tử Voso.vn được hy vọng là công cụ hữu hiệu giúp đỡ bà con nông dân, đưa các sản phẩm là sản vật vùng miền đến tay người tiêu dùng cuối cùng thông qua các nền tảng trực tuyến.

Vỏ sò phát huy lợi thế mạng lưới của Viettel Post để xây dựng mỗi tỉnh có một gian hàng đặc sản của địa phương. Đặc sản các địa phương trên Vỏ sò có cam kết nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cung cấp bởi các nhà sản xuất có uy tín và được kiểm định chất lượng bởi Bưu chính Viettel.

Tại phiên Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau lần thứ 3, các doanh nghiệp, đại biểu tham gia cũng đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến việc giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các vấn đề về kết nối, quảng bá sản phẩm thông qua nền tảng thương mại điện tử;…

Xem thêm: Cà Mau xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch 2020

Hoàng Hạnh (danviet.vn)

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC