Hotline: 0290 3540 458

EMAIL: iPECAMAU@gmail.com

EN | VI

Để du lịch nông nghiệp Cà Mau bứt phá

Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tại Cà Mau, với lợi thế rừng vàng, biển bạc, cùng với đó là những vùng đất thuần nông đã tạo ra sự đa dạng, nhiều cơ hội để loại hình du lịch này phát triển. Trên thực tế, dù đã có những tính toán từ nhiều năm qua, nhưng du lịch nông nghiệp vẫn đang ở giai đoạn “sơ khai”. Ðể du lịch nông nghiệp Cà Mau bứt phá, cần hoạch định lộ trình và giải pháp phù hợp.

Bài 1: Tiềm năng chưa được đánh thức

Hệ sinh thái đa dạng, đặc sắc, từ biển, đảo; đất ngập nước, rừng ngập mặn, lợ… chính là những tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp. Thế nhưng, những thế mạnh này vẫn chưa được khai thác đúng mức để mang lại giá trị như mong muốn.

Vùng đất giàu tiềm năng

Du lịch được xem là ngành “công nghiệp không khói”, mang lại giá trị kinh tế cao và là ngành kinh tế tổng hợp, kế thừa thành quả của nhiều hoạt động sản xuất khác nhau, trong đó có nông nghiệp.

Các giá trị từ ngành nông nghiệp được sử dụng trong lĩnh vực du lịch ở nhiều khía cạnh khác nhau như: cung ứng dịch vụ ẩm thực có tính bản địa, hướng đến việc hình thành ký ức sâu sắc cho du khách; kiến tạo các cảnh quan sinh thái đặc trưng của vùng nông thôn, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách; tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm, tìm hiểu các hoạt động sinh kế và tập quán của nông dân… Từ đó, loại hình du lịch nông nghiệp được phát triển nhằm khai thác hiệu quả các giá trị từ nông nghiệp để phục vụ cho lĩnh vực du lịch.

Cà Mau nhiều sản vật, đây là yếu tố quan trọng để kích cầu du lịch nông nghiệp tại địa phương.
Cà Mau nhiều sản vật, đây là yếu tố quan trọng để kích cầu du lịch nông nghiệp tại địa phương.

Ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết: “Cà Mau là tỉnh duy nhất trên cả nước có cả bờ biển Ðông (107 km) và bờ biển Tây (147 km) với tổng chiều dài 254 km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước. Với 3 mặt giáp biển, tạo cho tỉnh Cà Mau những tiềm năng, lợi thế rất lớn về phát triển tổng thể nông nghiệp. Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đang đẩy mạnh phát triển và nâng cao giá trị gồm: phát triển ngành hàng tôm; tái cơ cấu ngành hàng lúa chất lượng cao, ngành hàng chuối định hướng xuất khẩu và ngành hàng cua biển”.

Với sự phong phú về ngành hàng và đặc sản, cùng với việc sở hữu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Khu Ramsar thế giới) với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau diện tích tự nhiên khoảng 42.000 ha và Vườn Quốc gia U Minh Hạ diện tích 8.286 ha. Ðây là lợi thế về tiềm năng, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Từ những đặc điểm thuận lợi trên, tỉnh Cà Mau đã cho ra đời một số sản phẩm, hình thức du lịch có tính đặc thù riêng, mang đậm dấu ấn của điểm cực Nam Tổ quốc, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.


Khu Du lịch Mũi Cà Mau gắn liền với hệ sinh thái rừng ngập mặn, vị trí du lịch nổi tiếng khi đến Cà Mau.

Ðơn cử như trải nghiệm một ngày cùng cư dân địa phương đi bắt cá, vọp, ốc len, cua… Tham gia chế biến và thưởng thức những món ăn dân dã. Trải nghiệm tuyến du lịch xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Khi về Cà Mau tham quan, trải nghiệm các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du khách có thể tự mình khám phá “rừng vàng, biển bạc” và cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với người dân. Mô hình du lịch cộng đồng được những hộ dân xây dựng dựa trên những đặc tính vốn có của thiên nhiên, đầu tư đơn giản, để người tham quan có thể trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu đời sống của cư dân.


Ðặc sản của Cà Mau có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon, độc đáo.

Thời gian qua, mô hình du lịch sinh thái dựa vào nền tảng nông nghiệp được phát triển rộng rãi ở một số hộ dân tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ, đạt kết quả đáng khích lệ. Hiện nay, mô hình tiếp tục được nhân rộng một cách có chọn lọc.

Cà Mau đã và đang phấn đấu để từ nay đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ 6,5-7%; dịch vụ chiếm 32,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 3.320 USD.

Ðể đạt được những chỉ tiêu đề ra, Cà Mau sẽ phải phát triển mạnh kinh tế dịch vụ, tập trung vào các ngành dịch vụ có tiềm năng và giá trị cao. Với tiềm năng, lợi thế thiên nhiên ưu đãi, Cà Mau tập trung phát triển sản phẩm du lịch gắn liền với thiên nhiên, hướng đến loại hình du lịch sinh thái, du lịch biển đảo… Vì vậy, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và du lịch nông nghiệp là một trong những “bàn đạp” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp. Tỉnh Cà Mau kỳ vọng du lịch nông nghiệp sẽ là động lực giúp Cà Mau bứt phá đi lên, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Cà Mau trong tương lai.

Còn nhiều rào cản

Ông Tiêu Minh Tiên nhìn nhận: “Trên thực tế du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp ở Cà Mau chưa thực sự phát triển. Tiềm năng du lịch cộng đồng, nông nghiệp chưa được phát huy, hoạt động du lịch cộng đồng, nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như sự rời rạc, tự phát của các hộ dân làm du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa gắn kết với các doanh nghiệp lữ hành nên nguồn khách đến các địa bàn du lịch cộng đồng nông nghiệp còn ít và không ổn định”.

Qua nghiên cứu thực tế cho thấy, các điểm du lịch cộng đồng chưa được quy hoạch một cách bài bản, còn mang tính tự phát, chưa có mô hình tổ chức liên kết, mô hình quản lý, điều kiện kinh doanh từng lĩnh vực bị trùng lắp sản phẩm.

Cùng với đó, sản phẩm du lịch cộng đồng nông nghiệp còn mang tính tự phát, các hộ dân làm theo kiểu nhỏ lẻ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa gắn kết thành chuỗi giá trị sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, một số sản phẩm du lịch chưa được khẳng định về thương hiệu và chất lượng, thiếu tính bền vững.


Du khách thích thú với hình thức đi xuyên rừng bằng xuồng ba lá tại Điểm Du lịch sinh thái Hoa Rừng (U Minh).

Ông Tiêu Minh Tiên chia sẻ thêm: “Ðã qua, tại Cà Mau dịch vụ du lịch chủ yếu là kinh doanh hộ gia đình, vốn đầu tư thấp, người dân chưa mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khách du lịch và thường quá tải vào mùa cao điểm. Ở một số địa phương, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lắp, thiếu tính chuyên nghiệp, quy mô nhỏ, sản phẩm chưa đủ sức tạo thành điểm nhấn để thu hút khách”.

Về mặt pháp lý còn nhiều thủ tục bị vướng, sự liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành chưa cao, một số doanh nghiệp lữ hành còn hạn chế đưa khách đến các điểm du lịch cộng đồng do chất lượng sản phẩm một số nơi chưa tốt. Nguồn nhân lực chủ yếu tận dụng lao động gia đình, chưa được đào tạo bài bản về trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, trình độ học vấn một số nơi còn thấp. Công tác tiếp thị, quảng bá du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa thu hút khách…

Rào cản lớn nhất ảnh hưởng tính hiệu quả của loại hình du lịch này là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện tại cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại đến các điểm du lịch vẫn còn nhiều trở ngại; chưa đủ đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách vào dịp cuối tuần, mùa cao điểm.

Thêm vào đó, nhận thức của người dân địa phương về hoạt động kinh doanh du lịch còn những mặt hạn chế. Trình độ chuyên môn của lực lượng lao động trong ngành du lịch còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới./.

Xem thêm: Để du lịch nông nghiệp Cà Mau bứt phá – Bài 2: tạo sự khác biệt

Văn Ðum baocamau.vn thực hiện

Khởi nghiệp Cà Mau

Hoạt động iPEC