Nhằm chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ khách du lịch chu đáo, thân thiện, an toàn trong dịp nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10/3 âm lịch, ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5, ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), cho biết, đơn vị vừa có công văn gửi các điểm tham quan du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ và du lịch trên địa bàn tỉnh chủ động nắm tình hình, kịp thời báo cáo những vụ việc phát sinh đột xuất thuộc địa bàn quản lý trong những ngày nghỉ lễ sắp tới.
Theo đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ và du lịch duy trì thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho du khách. Tăng cường công tác tự kiểm tra giám sát, duy trì chất lượng dịch vụ và phương tiện phục vụ tại các cơ sở phục vụ khách du lịch; thực hiện quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch; đảm bảo vệ sinh môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm. Giám sát chặt chẽ công tác phòng chống cháy nổ, tăng cường kiểm tra trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn…; có biện pháp quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn tại cơ sở kinh doanh của mình. Nâng cấp, sửa chữa các khu vệ sinh đảm bảo đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Tại các khu, điểm du lịch có các dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước và phương tiện vận chuyển khách, phải nghiêm túc thực hiện biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn. Các công ty lữ hành tuyệt đối không sử dụng các phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo an toàn để phục vụ khách tham quan.
Ông Quách Văn Ngãi, chủ Khu Du lịch sinh thái Ðất Mũi, ấp Cồn Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Ðơn vị luôn tuân thủ các quy định về du lịch, thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, không để xảy ra tình trạng chặt chém làm mất hình ảnh về du lịch của Cà Mau”.
“Thời gian nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài tới 5 ngày nên ước tính lượng khách đến Cà Mau tham quan, vui chơi sẽ khá đông. Ngay từ thời điểm này, các đơn vị cần chủ động đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá giới thiệu điểm đến du lịch, Chương trình sự kiện “Cà Mau – Ðiểm đến 2023”, các sản phẩm dịch vụ phục vụ du khách trên cơ sở phát huy bản sắc văn hoá, truyền thống lịch sử, nét đặc trưng về vùng đất, con người và đặc sản ẩm thực của địa phương, để du khách trong và ngoài tỉnh được biết. Ðồng thời, cần tuân thủ nghiêm các quy định về đăng ký, niêm yết công khai giá bán hàng hoá, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết đối với các sản phẩm, dịch vụ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan, trải nghiệm và ẩm thực của du khách. Giá dịch vụ phải được niêm yết tại khu vực lễ tân, nơi dễ nhìn thấy, nơi khách tiếp cận trước khi sử dụng dịch vụ. Không tuỳ tiện tăng giá, ép khách, gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch”, ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL, lưu ý.
Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm nay, các khu, điểm du lịch Cà Mau đón 501.953 lượt khách, tăng 116,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu đạt 620,8 tỷ đồng, tăng 156,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện Cà Mau có 10 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành. Trong quý I, ngành chức năng đã thẩm định và ban hành quyết định cấp, cấp đổi 3 thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa. Tỉnh có 84 cơ sở lưu trú du lịch với 2.682 phòng (trong đó có 18 cơ sở được thẩm định xếp hạng từ 1-5 sao, với 1.045 phòng và 41 cơ sở được công nhận đủ điều kiện phục vụ khách du lịch với 940 phòng). Toàn tỉnh có 24 khu, điểm và hộ du lịch cộng đồng (2 khu du lịch cấp tỉnh).
Phó giám đốc Sở VH-TT&DL thông tin, để đưa hình ảnh Cà Mau gần hơn với du khách trong và ngoài tỉnh, Sở chỉ đạo tập trung triển khai các hoạt động quảng bá du lịch Cà Mau; chuẩn bị tham gia các sự kiện về du lịch do các tỉnh, thành phố tổ chức. Tiếp tục duy trì và phát triển trang web du lịch Cà Mau và các trang mạng xã hội (Facebook, Fanpage “Du lịch Mũi Cà Mau”); kiểm tra, sửa chữa bảng quảng cáo du lịch trên các tuyến đường dẫn vào các khu, điểm du lịch; hỗ trợ các hộ du lịch cộng đồng quảng bá dịch vụ du lịch theo chương trình, kế hoạch đề ra.
Ðặc biệt, đẩy mạnh triển khai công tác chuyển đổi số trong hoạt động du lịch thông qua các nền tảng số hỗ trợ hoạt động du lịch của ngành du lịch, như: ứng dụng “Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel”; nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch”; hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; hệ thống thẻ vé điện tử; thẻ du lịch thông minh; hệ thống thuyết minh đa phương tiện; kênh truyền thông trên các nền tảng số (tại Nền tảng số trong lĩnh vực du lịch)./.
Xem thêm: Sắc đá Hòn Khoai
Kim Cương baocamau.com.vn thực hiện